Phạm Bá Hải
* Tác giả gửi bài cho VNTB
Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Tom Malinowski nói với báo giới vào ngày cuối của chuyến công du 5 ngày tại Hà Nội rằng “Sẽ không có tiến bộ nếu thả chục người rồi lại bắt hơn chục người khác. Do đó chúng tôi nhấn mạnh việc theo đuổi các cam kết mà VN tuyên bố bằng cách cải cách luật pháp…”
Tính đến ngày hôm nay trong năm, chính quyền VN đã ân xá cho 13 tù nhân chính trị, bao gồm Đinh Đăng Định, Nguyễn Hữu Cầu, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức Hồi, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Tư, Nguyễn Tuấn Nam, Trần Hoàng Giang, Nguyễn Long Hội, Lê Văn Tính, Điếu Cày và một người dân tộc thiểu số là Giàng A Chừ. Một vụ thả tù chưa từng có đã được các nước ghi nhận là “có tiến bộ”.
Kinh doanh tù nhân lương tâm (Prisoners of Conscience Business)
Bắt bớ, giam cầm, thả tù là ba giai đoạn của một quy trình đầu tư kinh doanh tù nhân lương tâm. Họ bắt bớ vì những người này đã vạch trần tham nhũng, lên án lạm quyền, tố cáo xâm phạm nhân quyền. Họ giam cầm với các bản án nặng nề để răn đe dân chúng, đồng thời nâng cái giá của những tù nhân lương tâm cao hơn khi có sự quan tâm của các nước dân chủ. Họ thả để chứng tỏ “chính sách nhân đạo” của họ và thả trong những cuộc thương thảo trao đổi với các nước yêu cầu. Những sản phẩm “chất lượng cao” của họ là “tù nhân lương tâm dành cho xuất khẩu”.
Kể từ sau năm 1975, một loạt các vấn đề hậu chiến khiến hai cựu thù Hoa Kỳ và CSVN tìm cách giải quyết trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Nhu cầu hòa nhập vào dòng chảy kinh tế thế giới cũng thôi thúc CSVN làm dịu các chỉ trích vi phạm nhân quyền. Tháng 9 năm 1998, các báo lớn quốc tế chạy hàng tít ba tù nhân chính trị có tiếng tăm được thả tự do, gồm BS Nguyễn Đan Quế, GS Đoàn Viết Hoạt, GS Nguyễn Đình Huy. Động lực thả khởi nguồn từ các cuộc thương thuyết Hiệp định mậu dịch song phương BTA (Bilateral Trade Agreement), qua đó tiến đến hưởng quy chế “tối huệ quốc” MFN (most favored nations trade status). Tháng 7/2000 Hiệp định Mậu dịch song phuong BTA giữa VN với Hoa Kỳ được ký kết.
Bên cạnh ba trụ cột trong phong trào đấu tranh dân chủ lúc bấy giờ, các đài phát thanh, truyền hình còn đưa tin các vị tu sĩ Thích Quảng Độ, Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), LM Nguyễn Văn Lý ra khỏi tù. Dư luận không nghi ngờ đó là kết quả của chuyến thanh tra của Đặc phái viên LHQ về tự do tôn giáo, ông Abdelfattah Amor. Sau đó, CSVN liên tục đạt được các thỏa thuận song phương và đa phương về cả kinh tế, giáo dục, an ninh.
Đợt thả 13 người lần này trong thế đổi lấy TPP, vũ khí sát thương với Hoa Kỳ, FTA và PCA với EU. Họ thả cũng để chứng tỏ họ đủ tư cách làm trọn nhiệm kỳ trong Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Chiến lược “vừa đánh vừa đàm” (Talk/Fight Strategy)
Ai đã từng ngồi ghế nhà trường, hẳn không một lần nghe đến từ “vừa đánh vừa đàm” trong môn học lịch sử cách mạng VN. Trong sách lược đối ngoại, quân sự và ngoại giao là hai mặt có mối quan hệ biện chứng. Chiến thắng trên chiến trường sẽ tạo ưu thế trên bàn đàm phán, và ngược lại, thắng lợi trên bàn đàm phán sẽ trở thành động lực thúc đẩy chiến thắng tiếp theo trên chiến trường. Chiến lược này đã được áp dụng thành công trong Hiệp định Geneva 1954 và Hiệp định Paris 1973.
Chính quyền VN hiện vẫn đang áp dụng chiến lược này. Thay vào một chiến trường thực thụ của thời chiến tranh VN khốc liệt với đầy đủ các loại vũ khí tối tân là giới bất đồng chính kiến với ngòi bút, lời phát biểu và hai bàn tay trắng. Bàn đàm phán không phải gồm các bên tham chiến mà là các nhà ngoại giao của các nước dân chủ, các tổ chức nhân quyền quốc tế, đàm phán để thả các tù nhân lương tâm. Một tiến trình không có phần kết, vì chính quyền VN thu lợi rất nhiều cho riêng họ từ các hiệp ước đạt được, củng cố bộ máy công an, quân đội để bảo vệ chế độ độc đảng và quay lại đàn áp khốc liệt hơn giới bất đồng chính kiến và những người bảo vệ nhân quyền.
Trong tình hình phải đối mặt với các câu hỏi trong Hội đồng nhân quyền LHQ chính quyền VN đã thực thi chính sách đàn áp tinh vi hơn, che đậy các biểu hiện vi phạm nhân quyền rõ nét. Sau khi vị Báo cáo viên LHQ về tự do tôn giáo rời khỏi VN và sau khi hàng loạt các chuyến công du trao đổi của cả hai bên Hoa Kỳ và VN, bộ CA đã đẩy mạnh tấn công bạo lực chống giới bảo vệ nhân quyền. Họ dùng côn đồ hoặc an ninh mặc thường phục để tấn công và sự vụ không bao giờ được điều tra giải quyết.
Bạo hành, tra tấn – con số không dừng lại (Violence torture – a having wings number)
Một bản phúc trình với tựa đề “Những cái chết trong tù và tính tàn bạo của Công an VN” của Human Rights Watch liệt kê 14 trường hợp chết do tra tấn, 4 vụ chết không biết lý do, 6 vụ bị cho là tự tử, 4 vụ báo cáo là bệnh tử và 22 người tù đã bị đánh trọng thương. Các nạn nhân của công an bạo hành trong bản phúc trình này thu thập thông tin từ tháng 8/2010 đến tháng 7/2014, không bao gồm các tù nhân chính trị, giới bất đồng chính kiến.
Thống kê dưới đây, tôi chủ yếu tập trung vào giới bảo vệ nhân quyền mà truyền thông lề trái đã đưa.
Chỉ riêng trong năm 2014, đã có ít nhất 31 vụ chủ động tấn công bạo lực, làm nhục. Trực tiếp xâm hại đến 115 lượt người.
Tháng 1/2014:
1. Ngày 2/1 Lê Quốc Quyết bị 4 nhân viên mật vụ có hung khí tấn công ngày trước cổng vào chung cư Mỹ Kim, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức.
Tháng 2/2014:
2. Ngày 11/2 Bùi Hằng trong một đoàn 22 người đã bị phục kích đánh đập tại xã Long Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp
4. Ngày 16/2 blogger Nguyễn Văn Thạnh bị đánh trong cuộc kiểm tra hành chánh tạm trú tại xã Hòa Phước, Hòa Vang, Tp Đà Nẵng.
5. Ngày 19/2 blogger Huỳnh Trọng Hiếu và nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn bị 10 người bịt mặt đánh đập tại Tam Kỳ khi vừa bước xuống xe taxi.
Tháng 3/2014:
8. Ngày 20/3 Trịnh Anh Tuấn (Gió Lang Thang) sau khi tham gia buổi café nhân quyền, trên đường về anh bị an ninh đạp ngã xe và đánh.
9. Ngày 21/3 tư gia tín đồ PGHH Nguyễn Văn Vinh bị tấn công. Bà Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Thị Ngọc Lan và hàng chục tín đồ bị đánh đập, nhiều người bất tỉnh.
10. Ngày 22/3 nhà hoạt động nhân quyền Trương Văn Dũng bị người cầm tuýt sắt đánh vào chân và người tại cây xăng Nam Đồng, Hà Nội.
11. Ngày 23/3 nhà hoạt động nữ quyền Trần Thị Nga và nhiều người bị đánh đập khi công khai giăng biểu ngữ đòi thả Bùi Hằng. Chị Nga còn bị sàm sỡ ngay trong đồn.
12. Ngày 24/3 tín đồ PGHH Nguyễn Hoàng Nam, ngụ tại xã Vĩnh Châu, Tx Châu Đốc, An Giang bị công an ập vào nhà đánh và đập phá khi ông đang làm lễ.
Tháng 4/2014:
13. Ngày 9/4 tín đồ PGHH Bùi Văn Luốc và Lê Văn Sóc bị an ninh thường phục đi xe phân khối lớn, loại của cảnh sát giao thông, không biển số, ép xe hai ông và dùng cây đánh vào chân.
14. Ngày 16/4 Bùi Tuấn Lâm bị an ninh Quảng Nam truy đánh tại Tam Kỳ.
15. Ngày 19/4 Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Hồ Nhật Thành và Nguyễn Văn Hải bị đánh đập và câu lưu vì tổ chức café nhân quyền tại Nha Trang.
16. Ngày 21/4 hai nhà hoạt động nữ quyền Trần Thị Hài và Nguyễn Ngọc Lụa bị công an đánh đập sau khi tham dự phiên tòa phúc thẩm hai dân oan tại Cần Thơ.
Tháng 5/2014:
17. Ngày 8/5 Nguyễn Văn Đài bị một an ninh ném cốc nước vào đầu.
18. Ngày 17/5 giảng viên âm nhạc TpVinh Nguyễn Năng Tĩnh đã bị “côn đồ” hành hung trước mặt hàng chục công an.
19. Ngày 18/5 Nguyễn Ngọc Lụa, Nguyễn Thế Lữ, Huỳnh Trong Hiếu, Võ Quốc Anh bị công an Tp HCM tấn công khi chuẩn bị tham gia biểu tình phản đối TQ.
20. Ngày 25/5 thành viên Hội PNNQ Trần Thị Nga bị đánh gãy xương cổ tay trái và vỡ chân xương phải. Vụ hành hung tàn bạo này xảy ra tại huyện Thanh Trì, Hà Nội lúc hơn 4g chiều.
21. Ngày 25/5 HT. Thích Vĩnh Phước từ Bà Rịa dẫn đoàn đi viếng tang bà Lê Thị Tuyết Mai (đã tự thiêu phản đối TQ) đã bị an ninh đánh công khai tại chân cầu Sài Gòn.
Tháng 6/2014:
22. Ngày 9/6 Hội Thánh Tin lành Memnonite Bình Dương bị một lực lượng hỗn hợp gồm cảnh sát 113, công an, dân phòng tấn công, ném gạch đá, đánh đập. Hội Thánh đang trú ngụ 29 mục sư và 47 tín đồ. Có 29 người bị đánh.
Tháng 8/2014:
23. Ngày 28/8 Nguyễn Bắc Truyển bị an ninh mật vụ tông xe. May mắn anh không bị gì nghiêm trọng sau khi cấp cứu tại bệnh viện.
Tháng 9/2014:
24. Ngày 8/8 Trương Minh Đức bị 2 an ninh kéo ra khỏi taxi đánh tới tấp tại Hà Nội.
25. Ngày 30/9 Dương Âu bị một an ninh dùng gạch đập vào đầu chảy máu ngay tại nhà riêng của anh.
Tháng 10/2014: 4
26. Ngày 29/10 Phạm Bá Hải và Lê Văn Sóc đi thăm CTNLT Dương Âu đã bị an ninh mật vụ đánh đập sau khi họ rời khỏi nhà Dương Âu.
27. Ngày 30/10 Phạm Bá Hải bị nhục hình tại Tp Vinh. Anh bị bắt cùng với Lê Văn Sóc khi vừa xuống sân bay Vinh.
28. Chu Mạnh Sơn bị bắt phạt tiền và bị đánh.
Tháng 11:
29. Ngày 1-2/11 Hội Thánh Mennonite Bình Dương bị côn đồ công an phối hợp ném gạch đá và tấn công đánh đập tín đồ.
30. Ngày 2/11 ký giả Trương Minh Đức bị 8 an ninh thường phục giả dạng côn đồ truy đánh và cướp tài sản tại Thủ Dậu Một, Bình Dương.
31. Ngày 9/11 một Mục sư bị đánh trong đợt ném đá vào nhà thờ Mennonite Bình Dương.
Trong khi đó, số vụ tấn công của năm 2013 là 18 vụ và trực tiếp xâm hại đến 71 lượt người.
Tháng 4/2013:
1. Ngày 6/4/2013 Trương Văn Dũng và sinh viên Vũ Ngọc Thắng bị đánh đổ máu trong ngày đầu tiên của phiên xử Đoàn Văn Vươn.
3. Ngày 12/4/2013 vợ MS Nguyễn Công Chính là bà Trần Thị Hồng bị một nhóm an ninh thường phục, chặn xe, kéo vào nhà một người dân, lột quần áo và đánh đập.
Tháng 5/2013:
4. Ngày 5/5/2013 sau cuộc dã ngoại nhân quyền, blogger Nguyễn Hoàng Vi, Võ Quốc Anh, Nguyễn Thảo Chi và bà Nguyễn Thị Cúc bị hành hung dã man tại Sài Gòn.
Tháng 6/2013:
5. Ngày 2/6/2013 trong cuộc biểu tình chống TQ, Nguyễn Văn Phương, Trương Văn Dũng và Nguyễn Chí Đức bị đánh đập
6. Ngày 25/6/2013 Tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm cũng 20 tín đồ đang tiến hành lễ tại Quang Minh Tự bị một lực lượng hùng hậu an ninh công an, dân phòng đánh đập.
7. Ngày 25/6/2013 tín đồ Pháp luân công Phạm Hữu Phước bị côn đồ đánh, đổ thùng rác lên đầu. Tại đồn CA phường Bến Thành bị một an ninh thường phục đánh đập.
Tháng 8/2013:
8. Hồ Đức Thanh bị đánh sau khi lớp học tiếng Anh của một nhóm sinh viên tại Hà Nội bị công an đột nhập giải tán.
Tháng 9/2013:
11. Nguyễn Phương Uyên ,Nguyễn Tường Thụy, Phạm Bá Hải, Lê Quốc Quyết, Dương Thị Tân, Nguyễn Thị Nhung bị tấn công vào nhà, đánh đập tại nhà của blogger Thụy ở Thanh Trì Hà Nội. Đinh Văn Thi và vài anh em khác cũng bị đánh khi đến hổ trợ.
Tháng 10/2013:
12. Ngày 24/10/2013 Hoàng Thị Vàng và Dương Văn Phùng bị đánh đập phải nhập viện trong một cuộc đàn áp dân oan người H’Mong tại vườn hoa Lý Tự Trọng, Hà Nội.
13. Lê Thiện Nhân và Trương Văn Dũng bị bắt giữ và đánh đập vì giúp dân oan. Trương Văn Dũng bị gãy xương sườn.
14. Lưu Trọng Kiệt và Lâm Bùi bị đánh khi tham gia phiên tòa xử Đinh Nhật Uy.
Tháng 11/2013:
15. Trương Văn Dũng, Trần Thị Nga bị hành hung khi đi khiếu nại vụ hành hung trước đó.
Tháng 12/2013:
16. Nguyễn Hoàng Vi, Hoàng Dũng, Mẹ Nấm và 5 người khác bị hành hung ngay ngày Quốc tế nhân quyền khi họ chuẩn bị làm lễ ra mắt Mạng lưới blogger.
17. Nguyễn Đức Quốc, Nguyễn Văn Thạnh, Lê Thị Phương Anh, Lê Anh Hùng bị hành hung khi đi đòi lại tài sản đã bị tạm giữ ở Đà Nẵng.
18. Huỳnh Ngọc Tuấn bị đánh gãy xương sườn khi cùng với các bạn tù đi thăm CTNLT Phạm Văn Trội tại Thường Tín, Hà tây.
Tra tấn và các hình thức xâm phạm nhân phẩm đối với tù nhân lương tâm:
Năm 2014 đã có ít nhất 18 TNLT hoặc tuyệt thực hoặc bị kỷ luật, đánh đập.
Tháng 2/2014:
1. Lê Quốc Quân tuyệt thực từ ngày 2/2. Ông đòi sách luật để nghiên cứu bào chữa cho mình trước phiên phúc thẩm, đòi kinh thánh và được gặp linh mục để chịu các phép bí tích. Đang bị giam tại B14 Hà Nội.
2. Bùi Hằng,Nguyễn Thi Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh tuyệt thực 15 ngày phản đối dàn dựng bắt người vô cớ. Cả ba đang tạm giam tại Đồng Tháp.
3. Nguyễn Văn Hoa (nhà tù Ba Sao, tỉnh Hà Nam) vì không nhận tội anh bị ngược đãi và bị từ chối chăm sóc y tế.
Tháng 3/2014:
4. Ngô Hào bị cưỡng bức lao động đi phát rừng trong lúc tuổi đã trên 60 và bệnh tật.
5. Tạ Phong Tần bị sỉ nhục và bị đánh trong buồng giam
6. MS Nguyễn Công Chính tố cáo bị 15 quản giáo dùng gậy cao su, roi điện, bình xịt hơi cay đánh đập không cho ông cầu nguyện trong phòng giam.
Tháng 4/2014:
7. Đặng Xuân Diệu tuyệt thực (chỉ còn 41 kg) để phản đối không giải quyết đơn thư của anh. Anh cũng nhất quyết không mặc áo tù vì cho rằng mình vô tội.
8. Trần Minh Nhật và Trần Hữu Đức tuyệt thực đòi quyền tự do tôn giao trong tù tại trại giam Phú Sơn, Thái Nguyên.
9. Đinh Nguyên Kha tuyệt thực phản đối sự ngược đãi tại trại tù Xuyên Mộc, tỉnh BRVT.
Tháng 5/2014:
10. MS Nguyễn Công Chính bị đấu tố trong tù vì yêu cầu mở cửa sổ buồng giam và cải thiện chế độ lao tù.
11. Võ Thu Thủy tố cáo ngược đãi hành hạ tù nhân, trong đó có Hồ Thị Bích Khương.
12. Tạ Phong Tần và Ngô Hào bị ngược đãi trong tù.
Tháng 8/2014:
13. Mai Thị Dung bị ngược đãi, đàn áp.
14. Đặng Xuân Diệu bị kỷ luật, còng chân, tuyệt thực.
Tháng 9/2014:
15. Nguyễn Đình Cương bị biệt giam và cùm chân
Tháng 10/2014:
16. Tiếng kêu cứu của Đặng Xuân Diệu lan xa.
Con số tù nhân lương tâm bị ngược đãi của năm 2013 ít nhất là 12 người.
Tháng 5/2013:
1. Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực phản đối đơn tố cáo hãm hại ông đã không được thụ lý.
Tháng 6/2013:
3. Trần Minh Nhật tuyệt thực trong trại giam Nghi Kim, Nghệ An.
Tháng 7/2013:
4. Điếu Cày tuyệt thực sang ngày thứ 25 tại trại giam số 6, Nghệ An.
Tháng 8/2013:
5. Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Cường, Huỳnh Anh Trí, Phan Ngoc Tuấn, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị cùm chân và tuyệt thực tại trại giam Xuyên Mộc.
6. Vi Đức Hồi bị kỷ luật biệt giam vì 2 lý do: phản đối cán bộ trại giam đánh Lê Văn Sơn và phản đối gắn camera 24/24 và máy phá sóng trong phòng giam.
7. Trần Hữu Đức tuyệt thực 10 ngày trong thời gian bị kỷ luật tại trại giam Phú Sơn, Thái Nguyên.
8. Paulus Lê Sơn, Nguyễn Văn Oai, Vi Đức Hồi bị ngược đãi.
Tháng 9/2013
9. Nguyễn Xuân Nghĩa bị đánh trong tù.
Tháng 10/2013:
10. MS Nguyễn Công Chính lại bị đánh trong tù.
11. Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực trong tù một lần nữa.
Kết luận
Nhìn vào con số vụ bạo hành tra tấn, năm 2013 là 18 vụ – 71 lượt người so với 31 vụ – 115 lượt người của năm 2014. Con số 31 có dừng lại cho đến hết năm?
Tù nhân lương tâm luôn là đối tượng đàn áp ở mọi nhà tù khắp VN. Khi không khuất phục được những người tù kiên cường với các bản án nặng nề, quản giáo dùng rất nhiều biện pháp ngược đãi, bạo lực để làm nhục ý chí họ. Các vụ tuyệt thực phản đối của TNLT tăng từ 12 người năm 2013 lên 18 người năm 2014.
Để xoa dịu sự chỉ trích của quốc tế và làm phù hợp với cuộc vận động ứng cử thành viên Hội đồng LHQ, chính quyền đã giảm thiểu đột ngột các vụ bắt bớ truy tố. Năm 2013 và cả năm 2014 chỉ có 4 vụ bắt giam chính mỗi năm, bao gồm Ngô Hào, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy (năm 2013); Bùi Hằng (3 người), Anh Ba Sàm (2 người) và Lê Thị Phương Anh (3 người) của năm 2014. Một chiến thuật trong chiến lược vừa đàm vừa đánh.
Trở lại buổi trả lời báo chí của Phụ tá Ngoại trưởng Tom Malinowski. Phóng viên báo Thanh Niêm có đề nghị ông tiết lộ thêm thông tin về buổi gặp gỡ với Thứ trưởng Bộ CA Thượng tướng Tô Lâm. Ông Malinowski trả lời rằng cuộc gặp kéo dài hai giờ, nội dung rất nghiêm túc, rất cụ thể. Trong buổi gặp đó ông có nói rằng “Có nhiều vấn đề mà chính phủ VN và chính phủ Hoa Kỳ muốn có vì mối bang giao của hai nước trong tương lai mà Bộ Công an nắm vai trò quan trọng bậc nhất”.
Hoa Kỳ và các nước ngoài con đường ngoại giao, bày tỏ sự quan ngại vi phạm nhân quyền mà không có biện pháp chế tài kèm theo(toothless concerns), đã góp phần vun đắp cho chủ trương đổi chác trong đàm phán của chính quyền VN, biến người tù thành món hàng trao đổi.
Lịch sử đã chứng minh, người CSVN không phải lúc nào cũng tuân thủ những gì họ đã ký cam kết với Hoa Kỳ và quốc tế. Họ tiến hành theo cách của họ, cách của kẻ độc tài sẵn sàng đè bẹp tất cả những ai có khả năng làm suy yếu họ cho dù đó chỉ là các hoạt động ôn hòa vận động cho nhân quyền.
Tính dã man không có điểm dừng của bạo lực, sẽ bao giờ chấm dứt và ai sẽ mang công lý đến cho người bảo vệ nhân quyền tại VN?
Sài Gòn, ngày 11/11/2014.
Phạm Bá Hải.
Điều phối viên Hội CTNLT.
Hội viên Hội Nhà Báo Độc Lập.
http://fvpoc.org/2014/11/11/ nhan-dien-chu-truong-bao-hanh- tra-tan-ham-hai-gioi-bao-ve- nhan-quyen/
http://fvpoc.org/2014/11/11/