TS Vũ Ngọc Long và TS Lê Xuân Thuyên khảo sát đo đạc địa chất của đáy sông Đồng Nai trong vùng dự án. |
Sông Đồng Nai không chỉ của Đồng Nai, nhiều bạn đọc yêu mến sông Đồng Nai đã nói như thế. Dự án lấn sông Đồng Nai nếu vẫn được thực hiện sẽ gây nên những tác động gì đối với người dân Đồng Nai và các khu vực lân cận?
Bài học từ việc lấn sông ở các nước là gì? Các chuyên gia đã lên tiếng.
Tại sao dự án lấn sông lại gọi là cải tạo cảnh quan…?
Đó là ý kiến của TS Vũ Ngọc Long, viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, về dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai quy mô 8,4ha” đang gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.
“Cái tên của dự án và bản chất của dự án là không phù hợp” – TS Vũ Ngọc Long đưa ra đánh giá sau khi khảo sát hiện trường trong ba ngày 27-3 đến 29-3.
Theo TS Long phân tích: trong 84.042m2 dự định tiến hành dự án thì có đến 77.217m2 mặt nước sông. Rõ ràng dự án này đã vi phạm đến đất ngập nước ven sông.
“Nói một cách thẳng thắn, đây là dự án lấn sông, phát triển đô thị theo hình thức lấn sông” – TS Vũ Ngọc Long nói.
“Điều đáng lo ngại là việc đổ đất đá xuống lòng sông. Việc đổ đất đá sẽ chiếm đi hệ sinh thái sống rộng lớn của sông Đồng Nai. Để có được bề mặt 77.217m2 thì lượng đất đá đổ xuống lòng sông là rất lớn” – TS Vũ Ngọc Long phân tích thêm.
Theo TS Vũ Ngọc Long, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án chưa hình dung được tác động đến hệ sinh thái và sự thay đổi của lòng sông, đáy sông. “Những tác động này là rất lớn” – TS Vũ Ngọc Long chia sẻ.
Ngày 27-3, lãnh đạo Bộ TN-MT khẳng định chưa lần nào nhận được thông tin chính thức hay văn bản xin ý kiến tham vấn của tỉnh Đồng Nai về dự án lấn sông Đồng Nai.
Ô nhiễm nguồn nước uống?
TS Vũ Ngọc Long cho rằng nếu vẫn tiếp tục dự án này, những tác động có thể không chỉ ảnh hưởng đến người dân Đồng Nai mà cả người dân ở các vùng lân cận.
Những tác động cụ thể có thể kể đến như sau: thay đổi dòng chảy lớn, thay đổi cấu trúc lòng sông và tác động mạnh đến khu dân cư cù lao phố…
“Dự án này nếu tiến hành sẽ làm hẹp đáy sông, điều này sẽ làm giảm lực đẩy nước từ thượng nguồn xuống vùng hạ lưu, nhất là vào mùa khô và làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn từ dưới lên. Như vậy, nước cả khu vực Biên Hòa và TP.HCM đều bị ô nhiễm” – TS Vũ Ngọc Long kết luận.
TS Vũ Ngọc Long còn cho biết thêm nếu có những trận lũ bất thường thì có nguy cơ sẽ xảy ra “lũ quét” ngay tại khu vực tiến hành dự án vì dự án sẽ giống như một lực cản ngầm rất lớn trên đường thoát lũ.
“Những nhà ven sông ở khu vực bờ bên kia cũng đối diện với nguy cơ bị xoáy sâu ở nền đáy và tạo ra những hàm ếch, những vết nứt từ bên trong mà không ai biết” – TS Vũ Ngọc Long nhấn mạnh.
TS Đào Trọng Tứ (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho rằng dự án phát triển và chỉnh trang đô thị bên sông ở sông Đồng Nai là việc rất quan trọng, tuy nhiên nếu chỉnh trang đô thị thì người ta không làm giống như cách làm hiện nay đang diễn ra ở Đồng Nai.
Về góc độ pháp lý của dự án này, TS Đào Trọng Tứ cho rằng: “Luật nước, Luật đê điều, Luật phòng chống thiên tai… đều có liên quan đến vấn đề nước ở các dòng sông, tất cả đều phải tuân thủ, không được can thiệp, lấn chiếm, xây dựng các công trình trên sông…”.
Theo ông Tứ, nếu dự án đầu tiên được chấp thuận và sau đó nhiều đơn vị khác cũng làm thì sông sẽ không thể giữ được hiện trạng vốn có và rất nhiều tác động xấu sẽ xảy ra.
Đã có bài học từ các nước – PGS.TS Lê Anh Tuấn, viện phó Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ, nói. Ông Tuấn chia sẻ những câu chuyện về việc thay đổi và thu hẹp dòng chảy đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cư dân nhiều quốc gia trên thế giới.
Thiên nhiên sẽ “phản pháo”
Đơn cử như Thái Lan có con sông Chaopraya từ phía đông bắc đổ về Bangkok, họ cũng từng lấn sông để xây dụng cao ốc, nhà hàng, khách sạn… và cho rằng mình có thể kiểm soát được dòng sông vì tác động không lớn.
Cho đến năm 2011, một trận mưa bất thường đã xảy ra và hậu quả là hai đập thủy điện ở phía đầu dòng sông phải mở ra để xả lũ, Bangkok phải gánh chịu một trận lũ lớn trong lịch sử với thiệt hại lên đến 6 tỉ USD.
Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm những tác hại tương tự xảy ra cho Hàn Quốc, Mỹ và Hà Lan khi họ cũng cho rằng có thể sử dụng hệ thống dòng chảy cống ngầm thay cho dòng chảy các con sông, rồi từ đó lấp sông làm cao ốc, trung tâm thương mai, siêu thị..
Nhưng thực tế sự bất thường của thiên nhiên là quá lớn, các vấn đề lũ lụt ngày càng trầm trọng hơn và cuối cùng họ phải chi hàng chục tỉ USD đề hoàn thiện lại các dòng sông
Việc san lấp lòng sông còn gây ra những biến chuyển tiêu cực về dòng chảy, xói lở nhiều nơi khác và cả các vấn đề phong thủy…
Ông Tuấn khẳng định đó là những bài học kinh nghiệm quý giá các nước khác đã trải qua và chúng ta cần tránh vì lợi bất cập hại.
Và rõ ràng khi thiên nhiên tác động ngược trở lại thì con người là nhân tố đầu tiên hứng chịu hậu quả.