Lễ hội rằm tháng Giêng năm nay, Hội An có thêm nét đẹp mới, đó là “gánh hát doanh nhân” lần đầu tiên xuống phố với dòng nhạc bolero.
Bí thư Nguyễn Sự (bên phải) và nhà văn Nguyên Ngọc.
|
Mang bolero về hát cho dân nghe, đêm diễn thực sự là những phút giây thăng hoa, đồng điệu của chính những cư dân Hội An và du khách. Nhưng ấn tượng nhất là mang bolero về với cù lao Chàm, trả lại cho bolero cội nguồn chân chất mộc mạc nhất giữa gió cát và sóng biển.
Sáng kiến “không giống ai” này chính là của Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự, người yêu Hội An đến từng hơi thở, chăm chút đến từng phận người thấp cổ bé họng, quyết liệt gìn giữ hồn phố, hồn làng, biến nơi đây thành một không gian sống quyến rũ, thanh bình và trong trẻo, thu hút du khách khắp năm châu bốn biển…
Quyết liệt với việc biến cù lao Chàm thành điểm du lịch đẹp, sạch và xanh với sự kiên trì, nhẫn nại đến khó tưởng tượng nổi, ấn tượng nào anh nhớ nhất?
Đó là việc làm cho dân hiểu và hoàn toàn không xài bao nilon.
Để tìm ra vật dụng đi chợ thay thế cho bao nilon, tôi vào Sài Gòn phát hiện ra mấy chiếc giỏ tự phân rã, mua theo chính sách bảo hộ cho bà con mỗi hộ hai giỏ nhựa lớn và giỏ nhựa nhỏ, cùng một cà mèn, rồi kéo quân rầm rộ ra cù lao Chàm, có cả nhà báo, các ban ngành đi theo luôn.
Dân nghe có Nguyễn Sự ra đảo kéo đến rất đông, gần 500 người. Tôi nói với bà con: ngày xưa ông bà mình đều dùng bao giấy, lá chuối, lá dong để gói đồ. Bây giờ mình thứ gì cũng xài bao nilon cả, mà vứt xuống dưới biển này nổi lềnh bềnh dơ lắm, du khách nào dám đến!
Dân người ta mới thắc mắc, vậy xách cái gì đi chợ? Tôi nói, từ ngàn đời nay ông cha ta lên núi, xuống biển đều con Rồng cháu Tiên cả. Bây giờ mình quay lại như ông bà tổ tiên mình, xách giỏ đi chợ có làm được không?
Bà con suy nghĩ một chặp. Ai đồng ý xách giỏ đi chợ giơ tay lên? 500 cánh tay giơ lên. Tôi hỏi lại lần thứ hai mọi người hãy xác định lại một lần nữa có quyết tâm làm không? 500 cánh tay vẫn đồng loạt giơ lên.
Ngày hôm sau tôi xuống ngồi ngay trước cửa chợ từ sáng sớm, ai không xách giỏ đi chợ tôi bắt quay về nhà lấy giỏ: “Giỏ hôm qua tôi phát để làm gì?”.
Tôi ngồi như vậy suốt hai ngày trước cửa chợ, ai mua cà phê mà xách túi nilon tôi cũng bắt phải trả lại, riết dân quen dần.
Bên cạnh đó, tôi phát động anh em trong ủy ban ngồi ngay đầu cầu Cửa Đại, thấy ai xách bao nilon về cù lao Chàm chặn lại hết, hỗ trợ hết mình cho bà con về bao giấy để gói tất cả các loại đồ, trừ cá tươi thì phải để vào giỏ.
Một câu chuyện vui mà tôi nhớ mãi là gặp bà bán lá chuối để vận động bà cắt thêm nhiều lá chuối mang ra chợ bán, bà than trời: “Mẹ cha nó, ngày xưa cái gì người ta cũng gói lá chuối, giờ đến con c… nó cũng gói bao nilon!”…(Cười hết cỡ).
Đến bây giờ 6 năm rồi, cù lao Chàm là nơi duy nhất ở Việt Nam không xài bao nilon.
Tôi đã tổ chức trồng 500 cây dừa ở bãi Ông, giờ đã bắt đầu ra trái. Nhiều người nói tôi gàn dở, tự dưng đem cây ra đây trồng, anh em vất vả vô cùng, sáng tưới, trưa tưới, chiều tưới. Nhưng giờ nó đã trở thành bãi tắm công cộng nổi tiếng cho du khách từ Hội An ra.
500 gốc dừa ấy là cho lợi ích 10 năm, 100 năm, vì nó để lại bóng mát, để lại gỗ, để lại một thảm xanh, và điều lớn hơn là để lại môi trường thật yên bình cho du khách. Vừa rồi anh em xin ý kiến tôi, vận động được 150 cây dừa lớn chở ra cù lao Chàm trồng ngày cận Tết, tôi đồng ý.
Tôi nghĩ anh em cán bộ mình khi có tâm huyết, có quyết tâm thì khó mấy họ cũng làm được. Người ta nói “của một đồng, công một lạng”, chở một cây dừa 4-5 mét ra đây “của một đồng, công một ngàn lạng”.
Tham quan một vòng làng chài, thấy người dân ở đây rất ý thức việc làm du lịch, nhà cửa, đường làng sạch trơn, cả … toa lét cũng sạch, một điều hiếm thấy so với các làng chài ven biển khác?
Việc đầu tiên tôi làm ở đây là cấp tiền cho mỗi hộ để xây nhà vệ sinh. Nhưng một tháng sau trở lại kiểm tra, vẫn thấy người dân đi vệ sinh ngoài bờ ngoài bụi. Gặp một bà già trong làng, hỏi cho ra nhẽ, bà nói, đi trong bồn cầu… dị lắm!
Tôi bèn nói, sẽ đứng ngoài chừng nào bà chịu đi trong nhà vệ sinh! Tập riết rồi quen.
Để xây dựng hình ảnh quảng bá cho cù lao Chàm, anh nhắm đến những sản vật nào?
Tôi chủ trương không vay mượn. Những sản vật từ cây ngô đồng bạt ngàn nơi đây sẽ là món quà quý cho du khách, từ vỏ cây dệt thành võng, đến hạt cây chế biến thành hương liệu để bán cho du khách.
Rượu trứng yến, cua đá cũng là một đặc sản rất riêng. Mỗi thứ Bảy hàng tuần ngày hội làng được tổ chức trên bến dưới thuyền, với những món ăn thật của người làng nấu, bàn ghế cũng chế biến từ cây lụi của cù lao Chàm…
Rượu trứng yến rất ngon, nhưng bao bì còn… xấu quá?
Đúng. Sẽ phải thiết kế lại. Yến ở cù lao Chàm chất lượng số một Đông Nam Á, mắc gấp đôi yến Nha Trang. Ngày xưa ông bà đã biết cột sợi dây ngô đồng cù lao Chàm vào bao bì để chứng thực rằng đó là yến Hội An. Mỗi năm sản lượng khai thác yến đạt 1,2 tấn. Trứng yến ở đây trước kia đều bỏ phí, giờ được tận dụng để chế biến thành rượu.
Anh có định biến cây ngô đồng thành biểu tượng của cù lao Chàm?
Cây ngô đồng có ý nghĩa rất hay, có thể vận dụng để nâng hình ảnh cù lao Chàm lên.
Thích Tam Đế từ thủa khai thiên lập địa một hôm nằm chiêm bao thấy hai con chim phượng hoàng đậu trên cây ngô đồng. Chim phượng hoàng đậu trên cây ngô đồng chứng tỏ đó là cây quý, có thể làm đàn được. Ông mới lấy gốc để đẽo thành đàn, nhưng tiếng đàn quá thấp. Ông lấy ngọn để đẽo thành đàn, tiếng đàn quá cao. Ông lấy khúc giữa làm đàn, tiếng đàn du dương ngọt lịm.
Ông hiểu ra rằng khúc dưới là địa, khúc trên là thiên, khúc giữa là nhân, mình là người trần, chỉ dùng được khúc giữa. Trong thơ cổ cũng có một câu rất hay: “ Một lá ngô đồng rơi, cả thiên hạ đều biết mùa thu đã về…”. Mùa thu ở đây lá ngô đồng rụng đầy, hoa ngô đồng pha giữa vàng và đỏ, rực cả triền núi…
Điều anh lo nhất với cù lao Chàm trong tương lai là gì?
Cù lao Chàm nếu không biết giữ, có du khách đến rồi thì không khéo phúc biến thành họa đấy.
Họa thứ nhất nếu quy hoạch không tốt sẽ biến cù lao Chàm trở thành bê tông hóa, nhà sẽ cao hơn núi. Họa thứ hai khi phát triển lên rồi tính thương mại sẽ thâm nhập vào tận người dân, hai nguy cơ lệch lạc đó sẽ làm cho người dân khó mà giữ được tính chân chất, hiền hòa như ngày xưa.
Nhưng ở Hội An bà con vẫn giữ được tính chân chất hiền hòa đó chứ, dù làng nằm ngay bên phố?
Hội An cũng có lệch lạc nhưng không nhiều vì dân trí cao hơn ở đây. Tôi nhớ có một chị đẻ rất nhiều con dù không có chồng. Tôi cứ ra đây miết, anh em nhờ tôi vận động để chị triệt sản.
Tôi hỏi: “Chị này, sao chị dại dữ, không có chồng mà đẻ con chi nhiều dữ vậy cho khổ?”.
Chị nói: “Tôi đẻ chừng nào hết trứng thì thôi, mà biết khi nào hết trứng hả anh Sự?”.
Tôi nói: “Dễ thôi, chị đi với tôi vào bệnh viện, tôi cắt cái buồng trứng của chị là xong”…Chị cười: “Thoải mái!”. Dân ở đây khổ lắm, nhưng rất dễ thương!
Bí quyết nào khiến anh được dân thương đến thế?
Mình phải thương dân trước đã. Thương dân không phải chỉ nói một cách ngọng nghịu, mà phải làm một điều gì đó, chí ít cũng mang lại lợi ích thực sự cho dân, dù chút chút thôi.
Ví dụ họ chỉ có điện tới 8 giờ, anh phải làm sao cho dân có điện đến 9 giờ, là đã tăng lên 1 giờ rồi.
Có thể có người cho tôi là bảo thủ, lạc hậu, nhưng tôi không chủ trương làm resort sang trọng để phục vụ thiểu số những người có tiền ra đây, bởi resort sang trọng như vậy người dân cù lao Chàm sẽ không còn quyền lợi, không còn đất sống, vì người ta sẽ làm từ A đến Z hết.
Chính những người dân mới là người giữ đảo, giữ lại tài nguyên này và những giềng mối kết nối cộng đồng chân chất nơi đây…
Thời buổi này sao hiếm ông quan biết thương dân, dù nhiều ông quan cũng từ dân mà ra?
Rất khó để lý giải chuyện này. Riêng với bản thân tôi, phải biết vận vào mình những điều cần vận, và biết buông bỏ những gì cần buông bỏ, thì thấy mọi điều sẽ rất nhẹ nhàng. Còn những gì không phải của mình mà lại muốn lấy cho mình thì không bao giờ anh trở nên giàu có hết. Sự giàu có không phải là vấn đề tiền nong, vật chất
Tôi tiếp xúc với nhiều ông quan, có người cũng day dứt lắm, nhưng đa số đều đổ lỗi… tại guồng máy!?
Tại sao lại đổ thừa guồng máy? Có thể với cơ chế tốt hơn, bộ máy minh bạch hơn thì mình sẽ làm được nhiều việc hơn. Nhưng không có nghĩa là vì guồng máy mà mình đổ thừa, không chăm chút cho dân.
Chẳng có cơ chế nào cấm anh thương dân cả. Khi trên dưới một lòng thì mọi điều đều dễ dàng. Mỗi một chủ trương mới anh đề ra trước mắt có thể gây khó khăn, nhưng về lâu về dài, phải nghĩ người dân được gì? Phải nghĩ đến dân trước tiên, chứ chỉ nghĩ mình được gì thì hỏng.
Dường như anh rất ý thức trong việc quy tụ đội ngũ trí thức cùng đồng hành với mình để có thể bồi đắp liên tục về chất xám cho năng lực lãnh đạo của một thị trưởng?
Do tố chất mỗi người thôi. Cuộc đời rất công bằng, không cho không ai cái gì và không lấy không cái gì. Tôi nhận được nhiều, nhận được lớn lắm từ dân. Một việc mà người dân mấy năm rồi chưa giải quyết được nhờ cậy mình mà mình giúp được thấy thanh thản lắm.
Được biết anh xin nghỉ hưu trước thời hạn? Anh sẽ nghỉ như thế nào?
Cho tôi cũng nghỉ, mà không cho tôi cũng nghỉ, đã đến lúc tôi tự quyết định cuộc sống cho mình. Tôi làm hết sức, nhưng cũng nghỉ hết mình, không tham gia bất cứ ý kiến gì với anh em. Vì mình góp ý mà không trúng anh em không làm theo cũng tức, mà làm theo vì nể cái tên mình cũng ngại.
Tôi nói dứt khoát với anh em sẽ nghỉ ngơi hoàn toàn để sống cho mình. Tôi chơi cá, chơi chim, trồng hoa… những thú vui mà mình thích từ lâu. Tôi nhớ có lần mê một con khướu giá 36 ngàn đồng, mà trong túi chỉ có 35 ngàn đồng, phải mượn thêm 1 ngàn đồng để mua …
Sống một cuộc sống đạm bạc nhưng nghe nói có lần anh đã trả lại số tiền bồi dưỡng cho riêng cá nhân mình?
Chuyện đó có. Một nhà đầu tư ăn nên làm ra ở Hội An, sau khi chuyển nhượng cổ phần cho người khác, để tỏ lòng biết ơn Hội An, anh đã mang biếu tôi một số tiền đáng kể.
Thái độ của anh ấy khi cho tôi số tiền đó là rất văn hóa. Tôi cảm ơn anh ấy, nhưng nói thẳng nguyên tắc của tôi là không nhận tiền của ai nếu đó không phải là tiền do tôi làm ra. Tôi đề nghị tiền này anh nên ủng hộ cho bệnh viện, mua một cái máy siêu âm kỹ thuật số trị giá lúc ấy là 1,2 tỷ đồng.
Anh ấy nói tôi cho anh tiền, anh muốn tặng ai đó thì tặng. Tôi trả lời anh, đâu đó phải rõ ràng. Rồi nói anh em bên bệnh viện xuống viết cái phiếu anh ủng hộ cho người nghèo.
Tôi không chơi trò “mượn hoa cúng Phật”. Mình cũng muốn có tiền chứ, một con chim muốn mua mà cũng không đủ tiền phải vay mà. Nhưng mình phải nghĩ tiền đó ở đâu? Nhận người ta cái này thì phải trả cái khác, trả bằng cái không phải của mình, mượn của công trả thì có tội với dân.
Tự nhiên đi tước đoạt công sức của người khác, ăn vào mồ hôi công sức của người khác thì chỉ khiến cho người ta khinh. Mình giàu mà để cho người ta khinh là nghèo nhất.
Tốt nhất hãy sống bằng công sức của mình, thiếu một chút cũng có sao đâu. Mà nghĩ cho cùng tôi chẳng thiếu thứ gì. Vậy mà cũng còn bị tiếng oan đó.
Con tôi đi học Sài Gòn, một tháng hai đứa ở trọ hết 600 ngàn, đi chiếc xe Honda 78, vậy mà có người rêu rao tôi có mấy biệt thự ở Sài Gòn, con tôi được ở biệt thự, có người tài trợ. Lại chính dân và mấy em sinh viên vào ở với con mình minh oan cho tôi.
Điều quý giá nhất với tôi là sống sao để không hổ thẹn với những đứa con mình. Ngẩng lên không hổ thẹn với trời, cúi xuống không hổ thẹn với đất, Nhìn con cảm thấy không hèn. Tôi sợ nhất là để cho con khinh.
Anh có tin là đội ngũ kế thừa sẽ giữ được Hội An?
Tôi tin chứ, thậm chí còn giữ tốt hơn tôi bây giờ. Tôi nói thế không phải khiêm tốn, vì anh em sẽ rút kinh nghiệm từ tôi, kể cả những thành công và thất bại, biết tránh những lỗi mà tôi đã vấp phải, để làm tốt hơn.
Còn điều gì chưa làm cho Hội An mà anh day dứt nhất?
Nhiều lắm, kể ra không hết đâu. Nhưng thôi, mình phải nghĩ một điều mong muốn là vô hạn, khả năng là hữu hạn. Có khi những việc mình không làm, hoặc chưa làm đến nơi đến chốn thì con cháu mình sẽ làm tốt hơn. Có những cái xây thì dễ, mà phá thì khó lắm. Người ta biến đồng ruộng thành đô thị, nhưng trong cuộc đời mình, chưa thấy ai biến đô thị thành đồng ruộng cả, sau này con cháu mình có làm được không?
Đối với mình, tôi hoàn toàn thỏa mãn, nhưng đối với dân, tôi chưa thỏa mãn. Lịch sử không bao giờ lặp lại, nhưng nếu cho tôi làm lại, không bao giờ tôi cấp giấy phép cho resort sát biển. Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi mình tại sao lại làm như thế? Lúc đó không làm thế không được, vì biển của mình còn hoang sơ quá, không ai đến…
Hội An có đặc trưng làng trong phố, phố trong làng. Nếp sống văn hóa làng vẫn còn đậm đặc trong phố cổ Hội An, người ta biết quan tâm, thương yêu lẫn nhau, đau ốm biết giúp đỡ nhau, không cửa đóng then cài, không đèn nhà ai nấy rạng.
Hiểu như thế nhưng không lý giải được, chính điều đó tạo nên sự bí ẩn, quyến rũ, nhưng gần gũi. Tôi thường lang thang trên phố cổ Hội An vào đêm khuya, khi mọi nhà đã đóng cửa. Lúc ấy mới cảm thấy mỗi bức tường, đầu chài, góc phố tỏa ra hơi ấm con người. Tôi cảm thấy rất rõ điều ấy
Niềm vui lớn nhất với anh bây giờ là gì?
Tôi đã làm hết mình, nên chuẩn bị nghỉ hưu cũng thấy nhẹ nhàng, điều quan trọng là về nhà nhận được sự tôn trọng của con cái, đó là hạnh phúc lớn nhất. Tôi thấy mình quá lời, vì có ba cháu nội trai. Các cháu đều quây quần với vợ chồng tôi trong nhà, lo lắng cho nhau.
Tôi muốn con tôi có thể khổ một chút cũng được, nhưng hãy hưởng những gì do chính mình làm ra, biết thương yêu nhau, và sống một cách ngay ngắn.
(Bizlive)