Số lượng thanh niên thất nghiệp trên cả nước chiếm con số báo động đỏ. Đi bất kì nơi nào, ngồi bất kì quán xá nào cũng có thể gặp những thanh niên thất nghiệp, la cà đầu quán cuối chợ qua ngày.
Những người đàn ông thất nghiệp ngồi ngoài đường phố chờ đợi được mướn làm mọi việc theo giờ hay ngày (ảnh minh họa) |
Nhưng đáng nói nhất, số lượng thanh niên thất nghiệp và kết bè kết đảng, đánh nhau, đâm thuê chém mướn, rủ thành từng nhóm đi bắt trộm chó ở làng khác để rồi các thanh niên thất nghiệp của làng đó bắt được, đánh tập thể cho đến chết ở Thanh Hóa trong thời gian gần đây đã thành một hiện tượng xã hội đáng sợ, đã đến lúc báo động về lương tri cũng như nhân tính của lớp trẻ nơi đây.
Bị phân biệt đối xử
Ông Tri, sống ở Quảng Xương, Thanh Hóa, chia sẻ:“Người Thanh Hóa nói riêng và người miền Bắc nói chung gặp bất bình đẳng trong phân biệt đối xử đặc biệt là Sài Gòn, Bình Dương. Vấn đề đó là không đúng bởi đồng ý có một số người vào trong đó thì khác nhau về phong tục tập quán nên dẫn đến việc họ có thể không hiểu, cũng có thể họ bảo vệ nhau nên… Cái đó thì ai đúng ai sai có pháp luật. Nhưng mà vấn đề họ nộp hồ sơ mà không được nhận thì điều đó thuộc về nhân quyền, cần có nhà nước can thiệp vào công ty.”
Theo ông Tri, vấn đề làm ông trăn trở nhất hiện nay là vấn đề phân biệt đối xử. Không hiểu tự bao giờ và do đâu mà tất cả những vùng miền khác đều không thích người Thanh Hóa, có thể nói rằng phần đông các doanh nghiệp trên đất Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai đều không muốn người Thanh Hóa có mặt trong công ty của họ. Mỗi khi nhận hồ sơ xin việc, chưa phỏng vấn, chưa thử khả năng của ứng viên nhưng chỉ cần đọc qua lý lịch Thanh Hóa là bên công ty tuyển dụng sẽ trả ngay hồ sơ.
Cũng có trường hợp khéo léo nói rằng bộ hồ sơ chưa đạt một số yêu cầu kĩ thuật, cũng có nơi nói thẳng rằng nhìn vào điểm số trên các chứng chỉ học phần và xếp loại trên tấm bằng cũng như con người thật của ứng viên, anh/chị ta đã đạt tiêu chuẩn 50%, chỉ cần trả lời phỏng vấn ổn thỏa thì sẽ được nhận việc. Nhưng rất tiếc vì đây là hồ sơ của người Thanh Hóa nên công ty không nhận.
Và cách trả lời như vậy chẳng khác nào ném thẳng hồ sơ vào sọt rác bởi cho dù có nỗ lực học tập, cho dù có ước mơ, cầu tiến cỡ nào nhưng công ty không nhận việc thì xem như chỉ còn nước đi phụ hồ hoặc về quê nuôi lợn, nuôi cá, lại dựng vợ gả chồng và tiếp tục đẻ ra những đứa con mà tương lại của chúng cũng chỉ quanh quẩn trong địa bàn tỉnh. Vào Nam cũng không xong, ra Bắc cũng không ổn. Thử hỏi, người Thanh Hóa có tội lỗi gì và tại sao lại có sự phân biệt đối xử như vậy?
Và chính vì không có cơ hội đi ra ngoài, không có cơ hội thử việc, những chỗ phù hợp với năng lực thì không thể đặt chân đến, những công việc lao động phổ thông, những cơ hội thấp thì không cần học hành, không cần nỗ lực cũng làm được, như vậy, yếu tố phấn đấu để đi ra ngoài của thanh niên Thanh Hóa sẽ bị triệt tiêu trong nay mai.
Thị trấn Ngọc Lặc, Thanh Hóa. RFA
Chỉ còn cơ hội lớn cho thanh niên Thanh Hóa là đi nơi khác học để về địa phương làm việc. Nhưng không phải lúc nào tại địa phương cũng có đủ công việc phù hợp, mức lương phù hợp cũng như đúng với ý nguyện. Nhiều người chỉ muốn thoát ra khỏi quê hương để tìm một nơi ở mới, để nỗ lực lập thân. Nhưng rất tiếc là cơ hội cho họ rất thấp.
Ông Tri đưa ra kết luận là bởi chính những phân biệt đối xử ở các tỉnh bạn, ở các trung tâm thành phố lớn đã đẩy thanh niên Thanh Hóa co cụm về quê hương và đâm ra ghét bỏ những người địa phương khác. Điều này dẫn đến tình trạng cục bộ địa phương, người trong một tỉnh thì bênh vực nhau, người trong một huyện thì chơi với nhau, người trong một xã thì lập nhóm với nhau, thậm chí cùng một xã nhưng thanh niên thôn này có thể đánh nhau nảy lửa với thanh niên thôn khác chỉ vì một va chạm nào đó.
Và hậu quả của việc này là thanh niên Thanh Hóa, đặc biệt là thanh niên Quảng Xương đã nhiều lần đánh tập thể những người bắt trộm chó ở xã khác, huyện khác hay tỉnh khác đến. Không những đánh chết người không thôi mà họ còn đốt xe, hành hạ người chết như súc vật. Đây là hệ quả của vấn đề giáo dục chểnh mãn cũng như vấn đề phân biệt đối xử, đẩy thanh niên Thanh Hóa vào chỗ cục bộ địa phương.
Nguy cơ mất tính người
Một thanh niên tên Luật, sống ở Quảng Xương, Thanh Hóa, chia sẻ:“Ở đây ban đêm ra đường thì sợ lắm vì nó chích đầy đường. Có hôm nó còn xin đểu mình nữa, tụi nó mà đua xe thì đua chết thì thôi, tốt nhất là tránh đường cho nó đi. Có thanh niên ở đâu đến nữa, có hôm nó đánh nhau tranh giành địa bàn dính cả người dân vào.”
Những loại xe ngựa thồ trên đường phố ở Thanh Hóa
Theo Luật, vấn đề ra đường vào ban đêm ở Quảng Xương, Thanh Hóa hiện tại là một vấn đề đáng sợ. Chừng bảy, tám giờ tối, các nhóm đua xe đã tìm đường để đua, và đương nhiên là tuyến đua của họ chạy dọc theo quốc lộ 1A, từ Bắc vào Nam rồi lại từ Nam ra Bắc. Họ chạy đánh võng chừng vài chục cây số rồi quay trở lại. Đã có không ít các vụ tai nạn thương tâm làm chết người xảy ra trên trục đường này. Và thường thì nạn nhân là những người đi đường ngẫu nhiên, không kịp tránh các đoàn hung thần này.
Theo Luật, vấn đề nhân tính của lớp thanh niên cùng tuổi anh tại địa phương là vấn đề đáng ngại. Những nhóm thanh niên thất nghiệp tụ năm tụ bảy, chích choác, trộm cắp, hận đời. Và thường thì các đầu gấu của các nhóm thanh niên này có thành tích đâm thuê chém mướn ở xứ khác. Ban đầu, có thể những tay đầu gấu này chỉ đi tìm việc làm đơn thuần. Nhưng khi bị từ chối nhận việc, các thanh niên này lang bạt, rày đây mai đó, đầu đường xó chợ, bữa đói bữa no… Chính xã hội đã dần đẩy họ đến chỗ bất lương, có số có má.
Và khi quay về quê, số má giang hồ cộng với một ít tiền cũng như sự sành sỏi nơi thành phố đã nhanh chóng giúp họ kết nối đàn em, bày những trò bất lương và tổ chức những đường dây ma túy, chích choác. Cho đến thời điểm hiện nay, khi mà nạn xì ke, ma túy, trộm cắp, đâm thuê chém mướn, bảo kê đã mọc ra đầy rẫy đất Quảng Xương. Chuyện này khó bề mà khống chế ngày một ngày hai.
Cũng theo Luật, vấn đề hố ngăn cách giữa giàu và nghèo quá sâu rộng trong hiện tại, giới quan chức và giới có quyền thế, có quyền lực dây mơ rễ má với cán bộ giàu lên nhanh chóng trong lúc người dân nghèo càng thêm nghèo vì thời tiết khắc nghiệt, tài nguyên khô cạn, người nghèo bị lợi dụng, cán bộ địa phương quá đông, đời sống người nghèo càng trở nên khô khốc, cạn kiệt… Chính vì hố ngăn cách này đã đẩy đại bộ phận lớp trẻ đến chỗ mặc cảm, nỗ lực thoát thân nhưng khi bị đụng phải phân biệt đối xử bên ngoài đâm ra oán hận, hung hãn và máu lạnh.
Luật đưa ra kết luận rằng nếu như có một chính quyền tử tế, người dân sẽ hiền hòa hơn và nếu được sống trong một vùng đất có sự công bằng, có lòng yêu thương thì người ta sẽ không bị máu lạnh. Thời cha mẹ của Luật không có chuyện máu lạnh như hiện tại. Câu hỏi mà Luật muốn đưa ra là vì sao lại nên nông nỗi như hiện tại? Và Luật cũng chua chát nói rằng câu chuyện máu lạnh, hư hỏng của đại bộ phận lớp trẻ Thanh Hóa vẫn đang đà phát triển, chưa có dấu hiệu lắng xuống!
Theo RFA