Việt Nam Thời Báo

RFA – Phản ứng trước tin ‘rò rỉ’ ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm quyền

Đại hội đảng khoá 13 chỉ vừa mới bắt đầu được một ngày, nhưng từ giữa tháng Một, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 đã nhóm họp để thông qua danh sách đề cử các vị trí lãnh đạo chủ chốt cho nhiệm kỳ tới (2021 – 2025).

Từ đó, một số nhà quan sát chính trị cho là có tin nội bộ đã xác định 4 người sẽ giữ các chức danh chủ chốt trong nhiệm kỳ tới. Trong đó có ông Nguyễn Phú Trọng, 77 tuổi, người giữ ghế Tổng bí thư 2 nhiệm kỳ gần nhất (từ năm 2011 đến 2020), tiếp tục được Trung ương đảng bình bầu giới thiệu ra Đại hội 13.

Ba người còn lại được dự đoán thuộc nhóm “tứ trụ” là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với các chức danh lần lượt là Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Theo điều lệ đảng, điều 17 có ghi “Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Ngoài ra, còn có quy định Ủy viên Bộ Chính trị tái cử nói chung không quá tuổi 65.

Ông Trọng đã là người duy nhất đã giành được suất “trường hợp đặc biệt” trên 65 tuổi tái cử hồi khoá 12 (nhiệm kỳ 2016 – 2020).

Dư luận chỉ trích

Trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội, có nhiều ý kiến chỉ trích việc ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục tham gia chính trường dù đã quá tuổi, sức khoẻ yếu kém và không đủ tiêu chuẩn tái cử theo chính luật của đảng Cộng sản quy định.

Một số độc giả bình luận trên fanpage của Đài Á châu Tự do như sau:

Vừa đá bóng vừa thổi còi thì chịu rồi. Dân Việt thấp cổ bé họng, chưa kịp nêu ý kiến chính đáng đã bị “bế” đi rồi. Thử hỏi một đất nước mà tiếng nói của người dân không có tác dụng thì lấy đâu ra tự do, công bằng, dân chủ và văn minh. Những từ ấy chắc chỉ có trên tivi mà thôi.” – độc giả Triệu Tú Long.

“Bác Trọng không tham quyền lực đâu. Bác cũng muốn nghỉ hưu lắm nhưng vì người dân tin tưởng nên bác phải cố gắng làm vì dân thôi!” – Từ độc giả Tâm.

Nói một đằng làm một nẻo. Lời nói không đi đôi với việc làm thì đất nước cũng vì vậy mà nghiêng ngả theo” – Độc giả Huỳnh Văn Thanh.

Chỉ thị số 51-CT/TW do ông Nguyễn Phú Trọng ký ban hành hồi tháng 1/2016 có quy định “Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ”.

Tuy nhiên, ngoài việc đã làm Tổng bí thư 2 nhiệm kì liên tiếp, ông Trọng còn kiêm luôn chức Chủ tịch nước khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời. Ngoài ra, Ông còn giữ một số chức vụ khác gồm: ủy viên Thường vụ đảng ủy Công an Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, trưởng Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kì 2016 – 2021, thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội.

2021-01-26T020315Z_1641419419_RC2DFL9P90ND_RTRMADP_3_VIETNAM-POLITICS-CONGRESS.JPG
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (đi đầu bên trái) cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bên phải) bắt tay các đại biểu dự Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 25/1/2021. Reuters

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình từ Hà Nội nói với RFA rằng trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay, người dân rất dễ dàng “đào” lại các phát ngôn của lãnh đạo, từ đó đối chiếu với việc họ làm:

Thực ra mà nói thì đảng Cộng sản người ta có quyền lực trong tay thì những điều lệ hay nguyên tắc quy tắc có thể thay đổi. Có điều trong thời buổi thông tin rộng mở hiện nay thì người ta sẽ không che dấu được những lời hôm trước nói thế này, ngày mai làm thế khác.”

Tiến sỹ toán học Nguyễn Ngọc Chu bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân rằng cái quy định giới hạn nhiệm kỳ nhằm mục đích hạn chế tham nhũng quyền lực, một người nắm quyền 10 năm là quá đủ:

Hai nhiệm kỳ 10 năm là quá đủ thời gian để thi thố tài năng, vắt kiệt sáng tạo và sinh lực để cống hiến. Sau 2 nhiệm kỳ chỉ còn lại lối mòn và trì trệ…”

“Đất nước 100 triệu dân trùng điệp những người tài mà không cần ngoại lệ. Ngay trong toàn đảng với hơn 5 triệu 100 ngàn đảng viên cũng có nhiều người tài mà không cần đến ngoại lệ. Ngay chính những trường hợp ngoại lệ cũng có thể không cần đến ngoại lệ. Miễn là tranh cử tự do.

Không ai là ngoại lệ. Bậc cái thế càng không cần ngoại lệ. Quy luật của vũ trụ không có ngoại lệ.

Điều mong đợi là sự sáng suốt và sự dũng cảm của các đại biểu Đại Hội XIII. Cờ đến tay ai người đấy phất.”

Không chọn được người “kế vị”

Chiều ngày 22/1, trả lời báo chí trong nước về câu hỏi “Trong trường hợp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được đại hội bầu tiếp tục làm thêm một nhiệm kỳ thứ 3 thì có sửa Điều lệ Đảng hay không”, ông Võ Văn Thưởng, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết các trường hợp nhân sự thuộc diện “đặc biệt”, hay việc có sửa Điều lệ đảng hay không sẽ do đại hội quyết định.

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, giải pháp buộc thay đổi Điều lệ đảng để được ở lại cho thấy ông Trọng là một người có trình độ kém cỏi, thất bại trong giải pháp bố trí nhân sự:

Việc phải thay đổi, sửa đổi Điều lệ đảng để ông ấy ở lại làm thêm một nhiệm kỳ nữa theo tôi đó là một giải pháp kém. Cách làm của ông ấy là chỉ muốn dùng quyền để bố trí người này người nọ, chứ không dùng phương pháp để tranh cử, chọn người tài.

Vì thế ông Trọng chỉ loay hoay tìm những người xung quanh ông ấy như là Trần Quốc Vượng, Hoàng Minh Chính… Người mà ông Trọng thích thì Trung ương lại không vừa lòng. Như thế thì không được nên buộc lòng ông Trọng phải giở một thủ đoạn hèn kém là sẽ ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Mà muốn ở lại thì phải thay đổi Điều lệ đảng.

Tôi cho là quá dở. Một người có trình độ, thông minh, một người tử tế, tôn trọng lẽ phải thì không nên làm như thế.”

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp bình luận với RFA từ Hà Nội rằng việc sửa Điều lệ đảng, về luật là không có gì sai cả, vì Đại hội có quyền đó. Chỉ cần gần 1600 đại biểu đồng ý sửa là được:

Đại hội có quyền sửa. Lần này sửa, rồi lần sau lại sửa ngược lại là không được làm quá 2 nhiệm kỳ thì cũng chẳng làm sao cả. Bởi vì đây đâu có phải là một nước có dân chủ, đa nguyên như là ở chỗ khác đâu. Ở đây chỉ có mỗi một đảng.”

Theo quan điểm của tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, ông cho rằng chính ông Trọng cũng không muốn tiếp tục nắm quyền thêm nữa, vì tình trạng sức khoẻ đã quá yếu:

Gần đây ông ấy giới thiệu ông Trần Quốc Vượng khoảng 3 lần ra bộ Chính trị để đồng ý chấp thuận cho ông Trần Quốc Vượng trở thành Tổng bí thư, nhưng bộ Chính trị người ta không đồng ý, người ta bỏ phiếu thấp và không đủ. Cho đến phút cuối cùng thì ông ấy buộc lòng phải đứng ra tự ứng cử.

Nói như thế có nghĩa là ông ấy không hề có tham vọng quyền lực ở lại. Bởi vì ông ấy yếu lắm, sức khỏe đang yếu, đi lại còn khó khăn, còn cái đầu ông ấy cũng không biết có tỉnh táo hay không.

Nếu bảo ông ý ở lại thêm và sẽ làm được tốt thì rất là khó. Vì thứ nhất là độ tuổi. Nhưng độ tuổi cũng không quan trọng bằng cái năng lực hành vi lãnh đạo của ông ấy có đủ hay không thì mình không thấy rõ.

Vào sáng 25/1, Đại hội Đảng 13 diễn ra ở Hà Nội bắt đầu ngày làm việc đầu tiên với phiên họp trù bị. Đại hội dự kiến kéo dài 8 ngày bắt đầu từ 25/1 cho đến ngày 2/2/2021, với sự tham gia của 1587 đại biểu. Ngày 26/1 sẽ chính thức họp phiên khai mạc Đại hội đảng.

Phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 15, ông Nguyễn Phú Trọng nói đã thông qua danh sách đề cử “trường hợp đặc biệt” và nhân sự “tứ trụ” với “số phiếu tập trung rất cao” để trình ra Đại hội 13.

Nguồn: RFA


Tin bài liên quan:

VNTB – Sự thăng tiến liên tục của Nguyễn Phú Trọng

Phan Thanh Hung

VNTB – Phản biện lý luận của Nguyễn Phú Trọng

Phan Thanh Hung

VNTB – Tự do tư tưởng, tự do học thuật trong môi trường nào?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo