Việt Nam Thời Báo

Thị trường Chứng khoán Trung Quốc: ​Người chơi là ai?

Khi đến Trung Quốc tham gia một sự kiện đầu tháng 7 vừa qua, tiền đạo Cristiano Ronaldo đã làm cả hội trường vỡ òa khi dùng tiếng Trung để nói: “Nhà đầu tư chứng khoán cố lên!”. Trong thực tế, người chơi chứng khoán ở Trung Quốc đã rất máu mê kiếm tiền bằng cổ phiếu, để rồi chứng kiến tài sản bốc hơi sau cú rớt giá thê thảm vừa qua.


Dân làng Nam Lưu quay về với nghề thu mua tivi cũ – Ảnh: getty images
Hiện ở Trung Quốc, số người chơi chứng khoán (CK) ngày một tăng. Tờ Nam Phương Nhật Báo trích dẫn thống kê tháng 3 của Công ty Đăng ký CK Trung Quốc với số tài khoản mới tăng kỷ lục, lên đến 4.868.900, tức mỗi ngày có 22.100 tài khoản mới mở. Theo thống kê tính đến ngày 17-4, có 198 triệu tài khoản sở hữu mã cổ phiếu A, số nhà đầu tư sở hữu một tài khoản chiếm đa số.
Nếu tính mỗi người một tài khoản, tức có khoảng 100 triệu người Trung Quốc đang tham gia thị trường chứng khoán (TTCK), đứng đầu là tỉnh Quảng Đông, kế đến là Chiết Giang, Thượng Hải, Giang Tô, Thâm Quyến, Sơn Đông, Bắc Kinh. Còn theo trang finance.eastmoney.com, số tài khoản sở hữu cổ phiếu A chỉ khoảng 78.610.900.
Cả làng chơi chứng khoán
Phóng viên tờ Sơn Đông Thương Báo ngày 10-7 đã đến làng Nam Lưu, huyện Hưng Bình, nơi được báo chí Trung Quốc mệnh danh là làng CK. Ngôi làng có 800 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu thì có đến 100 hộ dân chơi CK. Khi TTCK rơi tự do, các nhà đầu tư ở đây đều chọn giải pháp an toàn là bán khi giảm giá, trở về với nghề cũ là trồng trọt, thu mua tivi, điện thoại di động cũ.
Tuy nhiên, cũng còn một số người quyết theo đến cùng vì “muốn ủng hộ chính sách của chính quyền”. Việc họ kiên trì đầu tư CK ngắn hạn trong bao năm qua khiến cơn sốt CK ở làng quê hiền hòa này vẫn chưa hề giảm sút.
Dân chơi CK trẻ nhất trong làng chỉ 28 tuổi, người già nhất là 65 tuổi. Ông Nam Hưng Lão ăn mặc sành điệu với 40 năm trong nghề giáo viên chính là nhà đầu tư cổ phiếu lớn tuổi nhất trong làng. Mỗi sáng từ 9g-11g30, ông thường đến sàn giao dịch mini được đặt tại nhà ông bí thư chi bộ làng Nam Đông Lương.
Chơi cổ phiếu được nửa năm nay nhưng ông Nam Hưng Lão vẫn chưa biết cách giao dịch qua mạng, chỉ đưa số tài khoản nhờ người khác đặt lệnh giùm. Khi được hỏi về lý do từng tuổi này còn chơi cổ phiếu, ông cho biết hai đứa con đều có nhà cửa riêng, không có áp lực gì về kinh tế, có chút lương hưu nên đầu tư vào cổ phiếu còn hơn là đi làm ăn hay làm nông.
Người đầu tiên mang CK về làng là anh Lưu Quân Hàn. Năm 2007, anh đưa mẹ đi khám bệnh ở Hàm Dương, khi đó có người bà con kể đã kiếm được mấy ngàn NDT từ việc chơi CK. Đối với anh Lưu, một người hành nghề thu mua tóc dạo, chơi CK quả là hấp dẫn.
Để cắt lỗ do chơi CK và tìm vốn xoay xở làm ăn, một doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng xa xỉ ở Bắc Kinh đã rao bán căn biệt thự hơn 200m2 ở Phố Đông Thượng Hải với giá 15,8 triệu NDT, thấp hơn giá thị trường đến 5 triệu. Trên các trang mạng mua bán nhà đất hiện nay xuất hiện nhiều mẫu rao bán nhà gấp do thua lỗ CK, chẳng hạn một nhà đầu tư rao bán gấp căn hộ với giá giảm gần 900.000 NDT, tức còn 5,5 triệu, trong khi giá thị trường là 6,4 triệu NDT. Dù việc bán tháo nhà đất chưa phổ biến nhưng không thể phủ nhận CK đã ảnh hưởng đến thị trường nhà đất.
Sau khi ở lại nhà bà con suốt 10 ngày để học cách chơi cổ phiếu, anh Lưu về làng bàn bạc với bí thư làng để cùng chơi. Về sau, dưới sự hướng dẫn của họ, trong làng ngày càng có nhiều người chơi CK.
Theo ông Nam Hưng Lão, việc dân làng thích chơi CK là do có tư tưởng tiến bộ. Trong làng có đủ các ngành nghề như kim hoàn, lò rèn, bắp rang, uốn tóc, nhà hàng, khách sạn…, nói chung dân làng rất dễ tiếp nhận cái mới. Đây chính là nguyên nhân có nhiều người chơi CK, đa số là đầu tư ngắn hạn.
Theo tờ Tuần San Tin Tức Trung Quốc, làng Nam Lưu dù có nhiều người chơi CK nhưng không có ai hi vọng làm giàu bằng CK, cũng chưa có ai vay tiền để chơi CK. Trong khi một số người già trong làng vẫn xem CK là cờ bạc, những người mê CK biện minh rằng “còn hơn chơi mạc chược!”.
Như cô Vương Lệ (42 tuổi) bán tạp hóa ở nhà, vừa coi hàng vừa theo dõi TTCK. Năm 2011 bắt đầu chơi cổ phiếu, nhưng cô không hề nghĩ đến việc làm giàu bằng CK, lý do là vì muốn quan tâm đến quốc gia đại sự, phát triển kinh tế nước nhà, qua đó nâng cao trình độ nhận thức, tự nhiên thấy tâm trạng vui hơn.
Theo cô, chơi CK là quá trình học tập, một khi bắt đầu thì không thể dừng lại. Dù vậy, cô lại kiên quyết cấm con đầu tư CK vì cho rằng giới trẻ cần có sự nghiệp, làm giàu quá dễ sẽ không còn muốn phấn đấu cho sự nghiệp, khi TTCK rớt giá thua lỗ sẽ khó chấp nhận đi làm ăn lương ba cọc ba đồng. Theo cô, chơi CK không thể xem là một cái nghề, nông dân vẫn không thể tách rời khỏi mảnh vườn, trồng trọt dù sao cũng có thu nhập cố định.
Theo Nhật Báo Trung Quốc, những năm gần đây nông dân chơi CK không còn là chuyện lạ. Làng Tuyền Phủ, thị trấn Nam Mã, thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang, đã biết đến cổ phiếu từ đầu những năm 1990.
Dân chơi trẻ hóa
Theo Tân Hoa xã, giới 9X đầu tư cổ phiếu đang là vấn đề được bàn tán xôn xao ở Trung Quốc, trong đó có không ít còn là sinh viên ngồi trên giảng đường hoặc mới bước chân vào xã hội. Họ mang tư tưởng đầu tư để kiếm tiền nên rất liều lĩnh.
Theo điều tra của tờ Đặc Khu Hải Nam, hiện số tuổi của người chơi cổ phiếu đang trẻ hóa, tầng lớp dưới 30 tuổi khá đông, cuối năm 2014 chiếm 36% tổng số nhà đầu tư CK (http://stock.hexun.com/2015-05-16/175872472.html).
Tờ Đô Thị Nam Phương giới thiệu trường hợp điển hình Trần Thanh, nghiên cứu sinh của ĐH Thanh Hoa. Trong lớp 30 người thì có 6 người chơi CK, dù họ không phải sinh viên chuyên ngành tài chính. Trần Thanh xem đầu tư CK là cách quản lý tài chính, đầu tư có giá trị, vì anh quyết không gửi tiền vào ngân hàng và cho biết đã đủ năng lực chấp nhận rủi ro, xem thua lỗ như bài học kinh nghiệm.
Còn anh Lưu Đông đi làm chưa được bao lâu đã quyết định nghỉ việc để chuyên tâm chơi CK và gặp sự phản đối kịch liệt của bố mẹ. Sau nhiều lần thuyết phục không được, ông bố tuyên bố cho con số tiền cuối cùng trong đời là 200.000 NDT (1 NDT = 3.548 đồng). Hai năm sau đó, hai bố con ít khi chuyện trò với nhau. Anh cho biết thời gian đó rất khó khăn, không có thu nhập ổn định, không có việc làm, không có bạn bè.
Tuy nhiên Mã Vân, người sáng lập và là chủ tịch điều hành Tập đoàn Alibaba, đã đem đến cho Trần Thanh niềm tin, nhất là câu nói: “Làm việc gì cũng phải kiên trì, cho dù có sai đi chăng nữa!”. Giờ đây anh cảm thấy cuộc sống khá ổn, chuẩn bị tinh thần sẽ tiếp tục chơi CK đến cùng như để chứng minh lựa chọn của mình là đúng.
Tờ Tiền Giang Buổi Tối giới thiệu trường hợp chơi CK theo phong trào. Tốt nghiệp chuyên ngành tài chính và đang làm việc ở một ngân hàng, anh Ngô chơi CK vì thấy từ anh bảo vệ đến cô lao công trong công ty đều tham gia. Đồng nghiệp sáng nào gặp mặt cũng bàn luận về tình hình cổ phiếu.
Khi TTCK tăng trưởng như vũ bão, mỗi ngày anh kiếm lời cả chục ngàn NDT, người lúc nào cũng như đang ở trên mây. Giờ khi TTCK lao dốc, tài sản của anh đã bốc hơi 60%. Sau bài học xương máu, anh Ngô cho rằng làm công ăn lương vẫn hơn.

Nhà ông bí thư chi bộ làng Nam Lưu trở thành sàn giao dịch chứng khoán mini để người dân đến theo dõi diễn biến cổ phiếu. Ảnh:getty images
Văn nghệ sỹ: bốc hơi hàng tỷ NDT
Theo tờ Đông Phương Buổi Sáng, không biết từ lúc nào giới văn nghệ sĩ đầu tư CK như một trào lưu. Thu mua cổ phiếu các công ty điện ảnh, truyền thông từ hàng triệu đến hàng chục triệu NDT, không ít nghệ sĩ có khối tài sản tăng chóng mặt trong thời gian ngắn. Khi đối diện với cơn “địa chấn” của TTCK, ai cũng bình đẳng như nhau.
Cú rơi tự do của TTCK khiến không ít dân thường nước này mỗi ngày thua lỗ với số tiền tương đương tiền lương trong sáu tháng, còn giới văn nghệ sĩ thì sao?
Theo số liệu của Bộ Công thương Trung Quốc, bà Lý Trác Sanh, mẹ của diễn viên Chương Tử Di, năm 2008 mua 9 triệu cổ phiếu của Công ty nhà đất Vạn Đạt, chiếm 0,5% cổ phần công ty. Tháng 6, giá cổ phiếu của Công ty Vạn Đạt lên đến 61,76 NDT, nhưng ngày 7-7 chỉ còn 40,42 NDT/cổ phiếu, tức tài sản bà Lý bốc hơi hết 470 triệu NDT.
Công ty điện ảnh Đường Đức của nữ diễn viên Phạm Băng Băng được niêm yết vào tháng 2-2014 với mệnh giá 22,83 NDT/cổ phiếu, sau khi lên sàn giá liên tục tăng kịch trần trong 11 phiên, chỉ bốn ngày niêm yết đã tăng gấp mấy lần. Phạm Băng Băng là cổ đông lớn thứ 10 của công ty với 1,29 triệu cổ phiếu, vốn hơn 100 triệu NDT.
Tuy nhiên sau cơn rớt giá, giá cổ phiếu Công ty Đường Đức chỉ còn 90,95 NDT, tức tài sản của Phạm Băng Băng đã tiêu tan 120 triệu NDT.
Thua lỗ nhiều nhất phải kể đến cô diễn viên Triệu Vy, vốn là bạn thân của Mã Vân. Tháng 12-2014, cô và chồng Huỳnh Hữu Long đầu tư 2,48 tỉ NDT mua 1,93 tỉ cổ phiếu Công ty điện ảnh Alibaba, nắm giữ 9,81% cổ phiếu công ty, trở thành cổ đông lớn thứ hai. Ngoài ra, cô cũng là đại cổ đông của Công ty điện ảnh Đường Đức, nắm giữ 1,17 triệu cổ phiếu.
Hồi tháng 4, cổ phiếu Công ty Alibaba lên như diều gặp gió, tài sản của cô cũng vượt mốc 5,4 tỉ NDT; trong khi giá cổ phiếu Công ty Đường Đức đạt mức kỷ lục là 103,93 NDT/cổ phiếu, cô kiếm hơn 95 triệu NDT. Cuộc lao dốc của cổ phiếu hai công ty trên vừa rồi khiến cô mất đi 4 tỉ NDT!  
Theo tờ Nam Xương Buổi Tối, cơn địa chấn TTCK đã làm tan vỡ một gia đình ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây. Dưới mắt bạn bè đồng nghiệp, ông Lưu là một lãnh đạo tốt, hay giúp người, không hút thuốc, nhậu nhẹt hay cờ bạc, sau khi tan sở còn đi chợ và phụ giúp vợ việc nhà. Nhưng ngày 8-7 vừa qua, ông đã giết vợ rồi gọi điện đến đồn cảnh sát tự thú. Sự việc làm bàng hoàng mọi người.
Theo lời ông Lưu, thời gian gần đây ông rất đau đầu vì bà vợ mê CK cứ ép ông và con đi vay tiền cho bà để cắt lỗ. Trong cơn điên tiết khi bị bà dồn vào bước đường cùng, ông đã giết chết bà. Ông Lưu đau khổ: “Chỉ vì chơi cổ phiếu, bà ấy đi vay nặng lãi, cầm giấy tờ nhà đất, mượn tiền bạn bè, người thân, còn ép tôi và con đi vay bạn bè, cuối cùng vẫn lỗ 1,8 triệu NDT. Chính bà ấy đã phá tan cái gia đình này!”.
Theo Cảnh Chánh (Tuổi Trẻ)

Tin bài liên quan:

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc và ảnh hưởng đến Việt Nam

Phan Thanh Hung

Trung Quốc: Giết người, tan cửa nát nhà vì bong bóng chứng khoán vỡ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo