Việt Nam Thời Báo

Văn – Tại sao chúng ta phải nhớ tới Thuyền Nhân?

Lời ngỏ: Kỷ niệm 40 năm sau chiến tranh Việt Nam, 30 tháng 4 năm 1975, tôi trình bày những nhận xét cá nhân của mình từ ấn tượng của ba tôi về Mỹ, tới thủ đoạn của chính quyền Việt Nam nhằm đẩy người dân của mình ra biển, đối mặt với cái chết. Tôi lập luận rằng, 40 năm sau chiến tranh thực sự đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây, Thuyền Nhân Việt Nam đang đóng góp rất lớn vào quá trình đưa Mỹ trở lại Việt Nam, thúc đẩy các giá trị cổ vũ nhân quyền và tự do ở Việt Nam. Họ sẽ còn làm nhiều hơn nữa để tạo ra một cuộc cách mạng thay đổi Việt Nam trong tương lai không xa.


Sau chuyến đi tới miền nam California dự lễ tốt nghiệp Tiến Sĩ, Bố tôi trở nên yêu thích nước Mỹ ra mặt. Điều đó làm Bố vợ ông phật ý và giận dữ. Cả hai đều là Đảng viên Cộng Sản, sinh ra và trưởng thành qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Ông bà ngoại tôi đều có huân chương kháng chiến chống Pháp, còn Bố thì phục vụ 5 năm ở đảo Bạch Long Vĩ, và trở thành Đại Uý. Dù tôi làm họ tự hào với tấm bằng Tiến Sĩ của mình, và họ chẳng thích nhau là mấy, nhưng cả hai sẽ vô cùng giận dữ, và cho tôi là kẻ lạc loài, vong ơn bội nghĩa nếu tôi nói, “hồi đó là miền Bắc xâm chiếm miền Nam, và cuộc chiến đó là vô nghĩa lý”.

Tôi hiểu sự khó khăn của Bố và ông ngoại để hiểu được những gì diễn ra xung quanh họ 40 năm sau chiến tranh chống Mỹ. Cũng chẳng khác gì những người Cộng Sản khác, họ đều dễ dàng bị choáng ngợp bởi các siêu thị khủng, toà nhà trọc trời hay mọi thứ tiềm ẩn sức mạnh và sự giàu có ở nước Mỹ. Bố tôi thì đặc biệt thích sự tĩnh lặng ở Mỹ, và sự dễ dãi hay tôn trọng khách hàng ở các siêu thị mua sắm như Target hay Wal-Mart đến nỗi chẳng có ai quan tâm xem có bị lấy trộm không. Còn ở Việt Nam, quê hương của mình, nơi ông làm việc, thì ông luôn ghét sự ồn ào, sự dối trá đầy rẫy và tham nhũng tràn lan chưa từng có.

Thỉnh thoảng Bố hay kể chuyện tại sao ông phải bỏ quân ngũ, vứt lon Đại Uý, để về buôn bán thuốc lào ở thành phố Hải Phòng (Bắc Việt) và nuôi gia đình luôn ở tình trạng đói kém trong những năm sau chiến tranh. Bố kể nhiều người đến gạ vượt Biên, nhưng ông từ chối. Có thể lúc đó ông cũng chẳng có tiền, hoặc chẳng biết được là chính quyền đang dùng thủ thuật để đẩy những người ghét chính quyền đi vì không còn chỗ để nhốt họ, và đồng thời phạt bất cứ ai bị bắt khi chốn chạy. Điều này giúp họ kiếm được thêm tiền để trả nợ Trung Quốc và Liên Xô. Chính quyền thậm chí còn bí mất đồn thổi cách thức chốn chạy bằng đường biển, nhưng ông nhất quyết ở lại.

Không ai biết rõ chính xác số Thuyền Nhân bị chết là bao nhiêu, nhưng thực tế Biển Đông trở thành lò thảm sát rất nhiều trẻ em vô tội, đàn ông và phụ nữ sau chiến tranh. Hít-le có thể bắt hàng trăm nhà khoa học xuất chúng để sáng chế ra vũ khí tối tân nhằm giết đồng bào của mình, nhưng một chính quyền Cộng Sản chỉ cần tạo ra tin đồn và chút áp lực lên cuộc sống hàng ngày của người dân, là đủ để giết dân chúng một cách hiệu quả như mọi loại vũ khí tối tân nhất.

Giờ đây, giết chóc không còn là cách thức mà chính quyền Cộng Sản ưa dùng nữa. Mà họ cố gắng tìm cách hạn chế và kìm nén bất kỳ tiếng nói khó chịu nào thuộc về quá khứ. Những tiếng nói đó ám ảnh chế độ đến nỗi nó vang vọng lên mỗi khi một quyển sách mới về chiến tranh Việt Nam được ra mắt. Họ còn ra sức cố gắng để thu hút hàng tỷ đô-la kiều hối từ những người đã trốn chạy khỏi Việt Nam sau 1975.

Điều gì đã làm họ thay đổi nhiều như vậy? Một mặt, những Thuyền Nhân và con cái họ thích ứng tốt với ngôi nhà mới, đất nước mới của họ từ Bắc Mỹ tới Châu Úc. Họ tự hào vì thành công từ nhiều đồng hương của họ. Nhiều người Việt được bầu làm dân biểu có quyền lực trong Quốc Hội Mỹ hay Canada, hay là tướng tá trong quân đội Mỹ, hay chỉ đơn giản là triệu phú, giáo sư hoặc bác sĩ, vân vân. Sự thành công đó có ảnh hưởng hết sức rõ ràng tới nhiều người Việt ở trong nước vì nó được xem như là giấc mơ trở thành hiện thực mà nhiều người dành cả đời cố gắng mà không được, như cha mẹ và ông bà tôi. Những giấc mơ đó còn dẫn dụ được cả những người cộng sản khác để thay đổi hoàn toàn quan điểm, đặc biệt trong một số lĩnh vực kinh tế. Mặt khác, lãnh đạo Cộng Sản chóp bu bị buộc phải thay đổi sau những biến cố lớn như Liên Xô sụp đổ hay biểu tình của hàng ngàn sinh viên ở Tử Cấm Thành, Trung Quốc. Họ thường nói rằng họ “giang rộng cánh tay” đối với Việt Kiều, nhưng họ lại áp đặt nhiều luật lệ để kiểm soát các đòi hỏi của dân chúng, và của Thuyền Nhân, chỉ để chọ họ được thăm gia đình và làm một số việc kinh doanh định sẵn. Còn bất cứ đòi hỏi nào về nhân quyền, tự do tư tưởng hay dân chủ đều bị đàn áp.

Nhưng thủ thuật của chính quyền Việt Nam lại thường không được suy nghĩ cẩn thận, mà hay thể hiện suy nghĩ ấu trĩ và cảm xúc bất bình thường. Ví dụ gần đây nhất, khi Quốc Hội Canada thông qua đạo luật “Hành Trình Tìm Tự Do” của dân biểu Ngô Thanh Hải, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho rằng: đạo luật này “là hoàn toàn sai trái và chứa đựng nội dung xuyên tạc lịch sử”, và “xúc phạm đến nhân dân Việt Nam và cộng đồng người Việt ở Canada”. Rõ rằng cái kiểu cách phản ứng đầy cảm tính như vậy ngụ ý sự không công nhận đối với nhiều cái chết đau thương của nhiều gia đình khi vượt Biển Đông tới các nước Tự Do. Dựa trên những phản ứng trẻ con như vậy, người ta có thể dễ dàng làm khó dễ cho Việt Nam trong lĩnh vực Nhân Quyền. Nhưng phải hỏi rằng, liệu những đạo luật như vậy có làm nhiều người Việt cảm thấy bị xúc phạm không? Thật sự là không, trừ Đảng Cộng Sản. Giờ đây, nhiều người ý thức được rằng những điều luật như vậy không hề là một sự xúc phạm, mà ngược lại là một nước đi hợp lý để gây áp lực với chính quyền Cộng Sản phải tôn trọng những người đã bị chôn sống ở Biển Đông.

Chính quyền Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong khi nhiều nước tài trợ ODA (vốn vay phát triển) quyết định cắt giảm vốn vay như Úc, hay áp đặt nhiều hình thức để tránh tình trạng tham nhũng đáng hổ thẹn như Nhật Bản, thì Việt Nam dường như chỉ có hai chọn lựa để cứu vãn nguồn vốn cho một nền kinh tế què quoặt và giảm tốc. Họ phải chọn một là tiếp tục mối quan hệ gần gũi với bá quyền Trung Quốc muốn thâu tóm toàn bộ Biển Đông, hai là đổi hướng mối quan hệ với cựu thù là Mỹ đang cố gắng hết sức bằng kênh Hành Pháp để ký thoả thuận Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với nhiều nước Châu Á, nhưng trừ Trung Quốc. Cả hai lựa chọn này đều mâu thuẫn với nhau, nó thể hiện đây là thời điểm sống còn đối với chính quyền Cộng Sản Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội có một không hai cho Thuyền Nhân nhằm gây sức ép tới các điều khoản chi tiết của mối thoả thuận TPP. Giờ đây, Mỹ đang chuyển hướng về Biển Đông, thì sự có mặt của tướng tá người Việt như Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt hay Thiếu Tá Lê Bá Hưng trong quân lực Mỹ, và một khi thoả thuận TPP được ký kết, Trung Quốc rất có thể sẽ xem đó là một đòn giáng mạnh vào mối bang giao Việt-Trung. Khi đó, chính quyền Việt Nam sẽ khó có thể làm được gì nhiều hơn để cứu vãn hay làm giảm nhiệt mối quan hệ căng thẳng vốn đã ngấm ngầm dai dẳng giữa hai nước, cho dù họ dìm nó xuống bằng nhiều tuyên bố chung. Thực tế là có tới 80% người Việt trong nước không thích mối quan hệ giả dối giữa Việt Nam và Trung Quốc vì Trung Quốc luôn có con bài cao tay hơn để ép Việt Nam tuân thủ các điều khoản mà nó muốn. Để có thể giữ được sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc, thì có lẽ chỉ có Thuyền Nhân mới đủ khả năng để thay đổi cuộc chơi khi Mỹ trở lại Biển Đông với nhiều ảnh hưởng chính trị hơn nữa cùng quân đội mạnh nhất thế giới của nó.

Trong khi Biển Đông là mặt trận chính cho các nước cờ luân chuyển chính trị và quân sự, thì Facebook đang trở thành một mặt trận khác không kém phần quan trọng đối với những người Việt bình thường. Họ có thể công kích một cách có hiệu quả vào những yếu huyệt của chế độ Cộng Sản bằng cách lan truyền những ý tưởng và chứng cớ tới nhiều người Việt trong nước, vì trên Facebook họ không bị kiểm soát bằng những nghị định kiểm duyệt thông tin hay bắt bớ của chính quyền. Do đó, Thuyền Nhân có thể tác động và thúc đẩy các điểm vỡ nứt vốn có trong nhiều bất ổn nội địa, mà chính quyền độc tài Việt Nam khó có thể kiềm toả.

Cuối cùng, chính những cái chết của nhiều Thuyền Nhân trên Biển Đông sẽ không bao giờ bị phai mờ vì nó gắn kết trực tiếp với ngày Sài Gòn sụp đổ và chiến thắng của Chủ Nghĩa Cộng Sản ở Việt Nam, và cách thức mà người Việt [chính quyền] trong và ngoài nước kỷ niệm một cách hoàn toàn đối lập nhau. Ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi cho sự kiện đó mang tính bước ngặt trong lịch sử Việt Nam, chưng ra nhiều câu chuyện đau thương mất mát, bị cấm đoán và chôn vùi rất sâu trong hơn 40 năm qua. Nhưng một khi những câu chuyện được được kể, tất cả sự thật được phơi bày ra ánh sáng, và tất cả những nỗi đau bắt đầu được hàn gắn, thì một sự thay đổi mang tính cách mạng ở Việt Nam sẽ chỉ còn cách một bước chân nhỏ mà thôi.

Theo Dân Luận

Tin bài liên quan:

Bắc Kinh ‘mắng’ Hà Nội chơi trò đu dây

Phan Thanh Hung

VNTB – Chọn “đình công” hay “biểu tình”?

Phan Thanh Hung

Tổng thống Obama nhắc tới Việt Nam trong bài phát biểu về TPP

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.