Minh Tâm
* Tác giả gửi bài cho VNTB
Theo Từ điển Luật học (NXB Từ điển bách khoa – 1999), bồi thường là việc “bù đắp những thiệt hại về vật chất, tinh thần do mình gây ra cho người khác, do không thực hiện, thực hiện chậm, thực hiện không đầy đủ một nghĩa vụ dân sự hay do vi phạm pháp luật”.
Bồi thường nhà nước là việc Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần do lỗi của người thi hành công vụ gây ra trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao.
Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là một trách nhiệm pháp lý thay thế, theo đó Nhà nước với tư cách là chủ sử dụng lao động, phải có trách nhiệm bồi thường khi cán bộ, công chức của mình có hành vi vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
Ai dám “làm đơn” đòi tiền Nhà nước?
Về bản chất, cơ chế bồi thường của Nhà nước được quy định trên nguyên tắc và bản chất bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật dân sự (người bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường hoặc không yêu cầu bồi thường, việc yêu cầu bồi thường về nguyên tắc không được cao hơn thiệt hại thực tế xảy ra).
Việc xác định mức độ thiệt hại cũng như mức bồi thường đều mang bản chất của quan hệ dân sự, tức là bình đẳng và thực tế, trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại.
Trong quan hệ bồi thường của nhà nước, Nhà nước không còn là chủ thể của quyền lực công trong mối quan hệ mang tính “mệnh lệnh – phục tùng”, mà Nhà nước khi đó đóng vai trò như một chủ thể của quan hệ tư, không có quyền lực hành chính mà chỉ là một chủ thể dân sự bình đẳng với bên bị thiệt hại trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại.
Như vậy, cơ sở của chế định bồi thường nhà nước chính là dựa trên các quyền của công dân, các quyền này được pháp luật ghi nhận, bảo hộ và được bảo đảm thực hiện bởi Nhà nước; chế định pháp lý về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ có thể xuất hiện ở một xã hội hiện đại, đề cao tính dân chủ và tôn trọng các quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội.
Loanh quanh đèn cù
Theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, thì việc bồi thường nhà nước chỉ phát sinh khi người có thiệt hại do cơ quan nhà nước làm sai có “đơn yêu cầu” bồi thường nhà nước gửi đến cơ quan nhà nước đã có việc làm sai đó.
Lưu ý là còn một loạt các điều kiện kèm theo để xem xét việc đơn yêu cầu có đủ điều kiện để tiếp nhận hay không: đơn có gửi đúng cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải quyết hay không? Đã có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa? Đã có chứng cứ để xác định thiệt hại và mức thiệt hại yêu cầu bồi thường chưa?…
Trong khi đó thì đối với các cơ quan hành chính nhà nước thì thường không ra các “Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo”, chỉ ra các công văn để trả lời đơn khiếu nại, tố cáo.
Thậm chí, nếu có ra “Quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo” thì trong quyết định cũng chỉ xác định về hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính của cơ quan nhà nước là đúng hay sai, không có nội dung xác định lỗi thuộc về cơ quan nào; chính vì vậy mà người dân nếu có muốn yêu cầu đòi bồi thường nhà nước thì cũng không biết sẽ gửi đơn đi đâu.
Đối với việc bồi thường trong hoạt động tố tụng thì khi các cơ quan tiến hành tố tụng ra các Bản án, nếu có xác định được việc có lỗi của cơ quan nhà nước, có thiệt hại thực tế xảy ra phải bồi thường thì thường phần bồi thường thiệt hại đó được tuyên ngay trong bản án, khi đó, việc tiến hành bồi thường lại thực hiện theo các quy định của pháp luật về thi hành án chứ không thực hiện theo trình tự, thủ tục về bồi thường nhà nước.
Trọng tài kiêm cầu thủ, kiêm luôn… Ban Tổ chức
Quy định của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước là cơ quan nào làm sai, cơ quan đó có trách nhiệm trực tiếp bồi thường, mà không phải do một bên thứ 3 độc lập, khách quan đứng ra để xem xét vấn đề lỗi và thiệt hại.
Đây chính là hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong hoạt động bồi thường nhà nước, nên không tránh khỏi ý chí chủ quan “bảo vệ mình, bảo vệ nhân viên của mình” của các cơ quan nhà nước khi xem xét đến vấn đề thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại cho người dân.
Vì thế mà trong thực tế quản lý nhà nước có không ít những việc cơ quan nhà nước làm sai gây thiệt hại cho người dân nhưng người dân cũng không có đơn yêu cầu đòi bồi thường nhà nước. Như vậy, để phát huy được đúng vai trò, thể hiện bản chất của một xã hội dân sự, pháp quyền thì pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước cần phải có những đổi mới mang tính đột phá mạnh dạn hơn, tăng cường hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi của công dân, bên yếu thế và phải chịu sự bất bình đẳng trong mối quan hệ pháp lý với nhà nước.
Cần giao nhiệm vụ bồi thường nhà nước về một cơ quan nhà nước cụ thể để thực hiện việc bồi thường nhà nước cho tất cả các cơ quan nhà nước theo hai cấp, là trung ương và địa phương để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước khi có sai phạm xảy ra, đảm bảo tính khách quan trong hoạt động bồi thường nhà nước, đồng thời thuận tiện cho người dân khi có yêu cầu về bồi thường nhà nước.