Việt Nam Thời Báo

VNTB – 154 dự án điện “trời ơi”

Phú Nhuận

(VNTB) – 154 dự án điện mặt trời có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Tới 154 dự án điện mặt trời được Bộ Công Thương phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch, nhưng không có căn cứ pháp lý và đang có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…

Ngày 25-12-2023, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Bổ sung nhiều dự án không có quy hoạch

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện lực cấp tỉnh 114 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.166 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016 – 2020; trong đó 92 dự án với tổng công suất 3.194 MW phê duyệt bổ sung riêng lẻ vào Quy hoạch phát triển điện lực của 23 tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư.

Có tới 15 trong số 23 tỉnh nêu trên không quy hoạch đầu tư điện mặt trời trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và không có quy hoạch điện mặt trời đến năm 2020 của 63 tỉnh, thành phố. Do đó, việc phê duyệt các dự án này là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.

Cũng theo cơ quan thanh tra, tổng công suất nguồn điện mặt trời đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh là 850 MW.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung riêng lẻ 54 dự án với tổng công suất 10.521 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư, trong khi không lập Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đến năm 2020 theo yêu cầu tại Quyết định 11/2017 của Thủ tướng. Vì vậy, việc phê duyệt 54 dự án này cũng là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.

Công suất vượt quy hoạch nhưng vẫn… thiếu hụt điện?

Thanh tra Chính phủ xác định, với việc phê duyệt 168 dự án điện mặt trời với tổng công suất 14.707 MW (cao gấp 17,3 lần so với tổng công suất được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh), trong đó đáng chú ý là phê duyệt riêng lẻ 137 dự án với tổng công suất 9.366 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016 – 2020; tính đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện mặt trời nối lưới đã đầu tư thực tế là 8.642 MW, cao gấp 10,2 lần so với công suất đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850 MW), thậm chí vượt công suất quy hoạch đến năm 2025 (4.000 MW).

Ngoài ra, nguồn điện mặt trời mái nhà cũng đã được đầu tư nhanh với công suất lớn (7.864 MW), nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên thành 16.506 MW, cao gấp 19,42 lần so với công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Điều này dẫn đến cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã tăng từ 1,4% lên 23,8%. Chưa kể, còn có 6 dự án/phần dự án (452,62 MW) đã hoàn thành nhưng chưa được vận hành thương mại…

Sự thiếu đồng bộ của luật pháp là nguyên cớ cho nguồn cơn?

Trong một diễn biến liên quan, theo phản hồi của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), việc triển khai Quy hoạch điện VII chưa như mong muốn do nhiều nguyên nhân liên quan đến vấn đề văn bản pháp lý như: Luật Quy hoạch đã có hiệu lực từ 1-1-2019, nhưng chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn trong việc thực hiện; trình tự, thủ tục về hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư được quy định trong Luật Xây dựng; Luật Đất đai năm 2013 thay đổi, phải chờ các Nghị định, Thông tư và Quyết định hướng dẫn trình tự, thủ tục, chính sách của UBND các tỉnh…

Bên cạnh vấn đề pháp lý, việc thu xếp vốn của các Tập đoàn, Chủ đầu tư trong nước rất khó khăn do Chính phủ tạm dừng chủ trương bảo lãnh vay vốn; Các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để đầu tư các dự án điện rất hạn chế, thậm chí một số khoản vay đã có cam kết của các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế nhưng không được các cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận; việc thu xếp các nguồn vốn trong nước cũng tương tự vì hầu hết các ngân hàng trong nước đã vượt hạn mức tín dụng đối với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như: Năng lực tài chính, kỹ thuật, nguồn lực nhân sự của một số nhà đầu tư, tổng thầu không đảm bảo, khiến tiến độ dự án bị chậm.

Về chủ quan, dù có nhiều dự án đã nằm trong quy hoạch nhưng một số địa phương không ủng hộ đầu tư xây dựng nhiệt điện than trên địa bản tỉnh, khiến dự án không thể triển khai theo đúng quy hoạch, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội và việc cung cấp điện cho phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là khu vực miền Nam…

Trách nhiệm cuối cùng nếu hồi cứu?

Với nội dung được công khai của Kết luận thanh tra đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, cho thấy về nguyên tắc quản trị, trách nhiệm nếu có hồi cứu là thuộc về thời kỳ lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đời Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và Nguyễn Phú Trọng theo Hiến định tại điều 4 về quyền lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chi tiết kết luận thanh tra bằng văn bản như sau: https://drive.google.com/file/d/17V9gKC7ilmgE9KJP1zArZtKQn8begQps/view


Tin bài liên quan:

VNTB – Người miền Tây méo mặt chuyện giá dầu tăng quá cao

Do Van Tien

VNTB – Hôm nay ông Táo về trời…

Phan Thanh Hung

VNTB – Quản lý giá ở Việt Nam vì sao khó khăn?

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo