Anh Khoa dịch
(VNTB) – Cử chỉ “3 ngón tay” từ loạt tiểu thuyết và phim Đấu trường sinh tử – The Hunger Games được những người biểu tình Thái Lan sử dụng vào năm 2014 và trở thành một biểu tượng nổi bật chống lại cuộc đảo chính ở Myanmar
Feliz Solomon
Ngày 18 tháng 2 năm 2021
SINGAPORE — Khi các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1 tháng 2 diễn ra khắp Myanmar, một dấu hiệu đã nổi lên như một biểu tượng: chào bằng ba ngón tay. Công chức đình công, sinh viên biểu tình, thậm chí cả những người tị nạn sống ở nước ngoài đã thực hiện hành động này để thể hiện sự phản kháng.
Dấu hiệu này có một nguồn gốc khá lạ lùng, được phổ biến sau một cuộc đảo chính khác, vào năm 2014, ở nước láng giềng Thái Lan. Những người biểu tình ở đó đã mượn cử chỉ từ loạt tiểu thuyết và phim “Đấu trường Sinh tử”, được thể hiện như một biểu tượng cho một cuộc nổi dậy hư cấu chống lại các lãnh chúa chuyên chế. Hình ảnh của nhà hoạt động chính trị Rittipong Mahapetch – đưa ra dấu hiệu này tại một giao lộ đông đúc ở Bangkok trước một cầu vượt dành cho người đi bộ đầy binh lính – đã lan ra nhiều nơi chỉ hơn một tuần sau cuộc đảo chính ở Thái Lan.
Sự lan rộng của kiểu chào này cho thấy các phong trào do thanh niên trong khu vực lãnh đạo chống lại chủ nghĩa độc tài, nhìn thấy cuộc đấu tranh của chính họ được phản ánh ở nước ngoài, đã tìm kiếm chiến lược, sự hỗ trợ và động lực từ những phong trào khác khi họ đối mặt với những đối thủ mạnh mẽ.
Các cuộc biểu tình phi tập trung của Hồng Kông chống lại sự kiểm soát của Trung Quốc đã trở thành một hình mẫu cho những người biểu tình dân chủ Thái Lan gần đây, những người đã thách thức giới cầm quyền được quân đội hậu thuẫn trong nhiều tháng. Hashtag #MilkTeaAlliance nổi lên như một chiến dịch trực tuyến, qua đó các nhà hoạt động châu Á từ Đài Loan đến Myanmar thể hiện tình đoàn kết với nhau.
Các nhà phân tích và sử học nói rằng các chính phủ mà họ chống lại cũng đang học hỏi lẫn nhau.
Jeffrey Wasserstrom, giáo sư lịch sử tại Đại học California, Irvine và là tác giả của cuốn sách “Canh thức: Hong Kong trên bờ vực.” nói: “Các nhà hoạt động đang quan sát lẫn nhau và cố sử dụng ý tưởng của các phong trào khác, nhưng đồng thời các quốc gia độc tài cũng theo dõi lẫn nhau và cố gắng mượn các thủ thuật của nhau.
Cả Myanmar và Thái Lan đều là quê hương của những quân đội hùng mạnh gắn bó sâu sắc với nền kinh tế, văn hóa và chính trị của họ – và đã từ chối giới hạn mình trong các doanh trại. Chính phủ dân cử cai trị Thái Lan bao gồm các tướng lĩnh đã dàn dựng cuộc đảo chính năm 2014. Đảng do quân đội hậu thuẫn đã được bầu lên nắm quyền sau khi nhà nước thông qua hiến pháp mới và các quy tắc bầu cử sửa đổi.
Giờ đây, Myanmar có thể sẽ theo chân nước láng giềng. Kể từ khi nắm quyền, các tướng lĩnh của nước này đã tìm cách thể hiện tính hợp pháp, hứa hẹn sẽ tổ chức các cuộc bầu cử. Nhưng nhà lãnh đạo cực kỳ nổi tiếng bị lật đổ trong tháng này, Aung San Suu Kyi, vẫn bị giam giữ và phải đối mặt với một số cáo buộc. Nhiều người lo sợ rằng bà hoặc đảng của bà hoặc cả hai sẽ bị cấm tham gia bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào mà quân đội tổ chức, cho phép các lực lượng tay chân của quân đội lên làm lãnh đạo dân sự.
Cảnh tượng trong tuần qua cho thấy sự phản kháng phổ biến ở cả hai quốc gia này và sự khoan dung ngày càng giảm của các nhà chức trách. Hôm thứ Tư, hàng chục nghìn người đã tập trung tại trung tâm thành phố Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, để yêu cầu trở lại nền dân chủ. Cuối tuần qua, những cảnh tương tự nhưng nhỏ hơn diễn ra cách đó không xa ở thủ đô Thái Lan và cảnh sát đụng độ với người biểu tình. Các cuộc biểu tình đòi bầu cử và hiến pháp mới đã nổ ra ở Thái Lan vào đầu năm ngoái và vẫn tiếp tục diễn ra.
Ít nhất 495 người đã bị bắt, buộc tội hoặc kết án ở Myanmar kể từ khi đảo chính, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, một tổ chức phi lợi nhuận. Tại Thái Lan, ít nhất 192 vụ án hình sự đã được đưa ra xét xử các nhà hoạt động kể từ năm ngoái, theo nhóm trợ giúp pháp lý Thai Lawyers for Human Rights. Bốn nhà hoạt động hiện đang ngồi tù chờ xét xử với cáo buộc bôi nhọ hoàng gia, mức án lên tới 15 năm tù, sau khi hai tòa án từ chối đơn xin tại ngoại.
Các chính phủ chuyên chế trong khu vực đang ngày càng thực hành điều mà các nhà phân tích mô tả là “chủ nghĩa độc tài tinh vi”, trong đó họ đạt được tính hợp pháp bằng cách tổ chức bầu cử trong khi lèo lái kết quả theo hướng có lợi cho các chế độ chuyên quyền. Tại Thái Lan, các thành viên chủ chốt của phe đối lập đã bị cách chức vì các vụ kiện mà họ cho là có động cơ chính trị và các nhà hoạt động đã bị dính nhiều tội danh, bao gồm cả xúi giục chống lại chính quyền, phỉ báng và hội họp bất hợp pháp.
Lee Morgenbesser, tác giả của cuốn sách “Sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài tinh vi ở Đông Nam Á, cho biết: “Về bản chất, họ kết hợp tính logic bên trong chế độ chuyên quyền với hình thức bên ngoài của nền dân chủ.” Trong cuốn sách của mình, ông Morgenbesser trình bày cách các chế độ độc tài phát triển ở 9 quốc gia trong khu vực trong suốt 4 thập kỷ, tìm ra một xu hướng tách rời khỏi các hình thức chuyên chế tồn tại trong quá khứ.
Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở châu Á đã thích nghi, thường bằng cách phát triển các chiến lược linh hoạt. Các nhà hoạt động Thái Lan chấp nhận một phương châm được phổ biến trong các cuộc biểu tình năm 2019 ở Hồng Kông, mượn từ huyền thoại kung-fu Lý Tiểu Long: “hãy là nước”.
Cụm từ này biểu thị các cuộc phản đối linh hoạt mà chính quyền khó có thể ngăn chặn. Trong những tuần gần đây, các nhà hoạt động ở Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan và các nơi khác cũng đã thể hiện sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình trực tuyến ở Myanmar và các cuộc biểu tình nhỏ hơn ở nước ngoài.
Các công nghệ mới tiếp tục cho phép hình thành tình bạn giữa các nhà hoạt động trong khu vực. Vào năm 2016, Joshua Wong, một trong những nhân vật quan trọng của phong trào Hong Kong, đã bị trục xuất khỏi Thái Lan, nơi anh được một nhà hoạt động Thái Lan mời phát biểu – anh đã tiếp cận được nhiều người hơn dự đoán trong một bài phát biểu trực tiếp qua Skype. Các ứng dụng nhắn tin được mã hóa đã được sử dụng để huy động các cuộc biểu tình lớn và chia sẻ các hướng dẫn trực quan.
Hai nhà vận động người Thái Lan đã giúp phổ biến kiểu chào bằng ba ngón tay, ông Rittipong và Sombat Boonngamanong, nói rằng với họ, cử chỉ này đại diện cho các giá trị của Cách mạng Pháp về tự do, bình đẳng và tình huynh đệ. Nó nhanh chóng mang một ý nghĩa mới, được các đối tác ở Hồng Kông áp dụng trong “Các cuộc biểu tình dù” năm 2014 đòi quyền phổ thông đầu phiếu, và bây giờ là trong các cuộc biểu tình chống đối ở Myanmar.
Ông Sombat nói: “Nó mang tính phổ quát. “Đó không phải là về một quốc gia, đó là biểu tượng cho tất cả những người muốn tự do.”
Nguồn: The Wall Street Journal