VNTB – 400 tỷ đồng Formosa bồi thường làm dự án, gia hạn thêm đến hết năm 2024

VNTB – 400 tỷ đồng Formosa bồi thường làm dự án, gia hạn thêm đến hết năm 2024

Thạch Hãn

 

(VNTB) – Vụ Formosa có khả năng sẽ là phiên bản của kit-test Việt Á…

 

Tiền vẫn nằm trong két?

Tháng 5-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế chỉ đạo thực hiện đầu tư các dự án “Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá” và dự án “Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản”. Các dự án này sử dụng khoản tiền bồi thường 400 tỷ đồng sau cái gọi là ‘sự cố môi trường biển’ của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Vào tháng 5-2019, Bộ Tài chính có văn bản, bố trí 400 tỷ đồng để tỉnh Hà Tĩnh thực hiện 4 dự án gồm Đầu tư xây dựng cảng cá Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) với số tiền 280 tỷ đồng; nạo vét và chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội – Xuân Phổ (Nghi Xuân) trị giá 20 tỷ đồng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu – Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) với số tiền 40 tỷ đồng và dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà) trị giá 60 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm, mới chỉ có dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá tại Khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Khẩu – Kỳ Hà hoàn thành, đi vào hoạt động vào tháng 6-2023.

3 dự án còn lại chậm tiến độ. Vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Chính phủ xin phép gia hạn và được đồng ý kéo dài thời gian triển khai dự án đến ngày 31-12-2024.

Khó khăn trong giải ngân?

Theo giải thích của ông Võ Tá Sơn – trưởng phòng quản lý dự án – Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, chủ đầu tư dự án – cho biết số tiền 400 tỷ đồng được bồi thường từ Công ty Formosa để đầu tư 4 dự án hiện đã giải ngân hơn 181 tỷ đồng. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá tại khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Khẩu – Kỳ Hà đã giải ngân thanh toán hơn 35,7 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào sử dụng.

Ba dự án còn lại chậm tiến độ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, các dự án sử dụng nguồn vốn từ khoản tiền bồi thường của Formosa có “tính chất đặc thù” nên phải chờ hướng dẫn của các bộ về quy trình thực hiện và giải ngân. Hơn nữa, ngay từ khi thực hiện dự án đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh.

Trong một diễn biến liên quan, dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế gần như “giậm chân tại chỗ” sau 3 năm triển khai.

Theo quy định thì dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế có tổng số vốn đầu tư 170 tỷ đồng được phê duyệt. Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư. Dự án có 2 hợp phần gồm thả rạn san hô nhân tạo với tổng mức 150 tỷ đồng và trồng, phục hồi rạn san hô với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án nhằm hình thành sinh cảnh nhân tạo cho các loài thủy sản cư trú và giảm thiểu tác động của hoạt động khai thác bằng lưới kéo đáy đến các khu vực thủy sản còn non sinh sống nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản; phục hồi hệ sinh thái là nơi cư trú các giống loài thủy sinh và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Theo đó, trong khuôn khổ dự án, sẽ thả 114 cụm rạn trên chiều dài 2km với 2.850 cục rạn san hô nhân tạo đúc bằng bê tông cốt thép, mỗi cụm được thả cách nhau 220m. Ngoài các cụm sẽ thả 2.350 cục rạn san hô nhân tạo hình lập phương rỗng, còn bên trong cụm thả rạn hình bán cầu nhằm tạo chỗ trú ngụ, sinh trưởng cho các loài thủy, hải sản.

Hợp phần thả rạn nhân tạo được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện với diện tích 300ha, độ phủ nền đáy rạn nhân tạo khoảng 1% đến 1,5%; khu vực thả rạn cách bờ biển xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc) khoảng 9km, có độ sâu trung bình từ 22 – 24m. Đối với hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô, vị trí được chọn triển khai là vùng biển Sụng Rong Câu, Bãi Chuối, thuộc khu vực Sơn Chà – Hải Vân (huyện Phú Lộc) với diện tích từ 16 – 18 ha.

Đối tượng trồng phục hồi là các san hô cứng, trong đó ưu tiên một số loài bản địa thuộc bộ san hô cứng (tên khoa học Scleractinia). Những loài ưu tiên trồng đối với địa bàn Thừa Thiên – Huế sẽ lấy giống từ vùng biển Sơn Trà (TP Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) …

Thảm họa môi trường nặng nề nhất trong lịch sử Việt Nam

Những năm gần đây, vùng biển tỉnh Thừa Thiên – Huế bị tác động bởi hoạt động khai thác thủy, hải sản, đặc biệt ‘sự cố môi trường biển’ Formosa dẫn đến suy giảm nghiêm trọng. Việc thực hiện dự án sẽ góp phần tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản ở địa phương, giúp ngư dân nâng cao hiệu quả kinh tế trong hoạt động nghề biển…

Tính cho đến thời điểm hiện tại thì ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra đã gây ra thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới, mở cửa đến nay.

Vụ việc này đã để lại những thiệt hại trước mắt và lâu dài không thể tính toán hết được đối với tài nguyên môi trường biển các tỉnh miền Trung, cũng như đối với lĩnh vực các giao thông vận tải, du lịch, khai thác, chế biến thủy, hải sản… đặc biệt là thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến tính mạng, sức khỏe, tài sản và các lợi ích hợp pháp của người dân.

Trách nhiệm cuối cùng ở vụ việc này, theo Hiến định, thì đó thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)