(VNTB) – Cuộc bầu cử này là sự lựa chọn giữa hai tầm nhìn kinh tế rất khác biệt cho nước Mỹ, Donald Trump và Kamala Harris
Đại Hội Toàn Quốc của đảng Dân Chủ đã khai mạc vào tối Thứ Hai, hôm đầu tuần qua tại Chicago, tiểu bang Illinois. Đây là cơ hội để Đảng Dân chủ lấy sinh khí cho chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, nhưng cũng đang chờ được giải quyết những trở ngại bất ngờ khi Tổng thống Joe Biden bỏ cuộc đua và chính thức Phó tổng thống Kamala Harris cùng Thống đốc Tim Walz nhận đề cử đại diện đảng Dân Chủ tranh cử năm 2024.
Đảng Dân chủ bước vào đại hội toàn quốc lần này với nhiều lạc quan. Một số cuộc thăm dò gần nhất cho thấy bà Harris nhận tỷ lệ ủng hộ cao hơn ông Donald Trump – ứng viên được đề cử của Đảng Cộng hòa. Đó là sự khác biệt khó tin so với cách đây một tháng, khi Đảng Dân chủ rơi vào tình trạng hoang mang, chia rẽ từ việc Tổng thống Joe Biden tự nguyện rút khỏi chiến dịch tranh cử sau màn tranh luận bị đánh giá thất bại trước ông Trump.
Trong thời gian gấp rút, không nhiều người nghĩ sự thay thế bất đắc dĩ ở vị trí đề cử của đảng này lại chứng kiến tín hiệu tốt như vậy. Đảng Dân chủ hy vọng thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ hoàn toàn liên danh Harris – Walz. Với chủ đề “Vì nhân dân, vì tương lai chúng ta”, đại hội lần này sẽ cố gắng nhấn mạnh liên danh ứng viên Harris – Walz là lựa chọn tốt nhất cho lợi ích của người dân Mỹ cũng như tương lai và sự tự do của họ.
Và để làm được điều đó, không khó hiểu khi việc chỉ trích ông Trump và ứng viên phó tổng thống J. D. Vance của Đảng Cộng hòa cũng là một phần quan trọng suốt đại hội Đảng Dân Chủ lần này. Tuy nhiên kinh tế luôn là đề tài quan trọng đối với người dân Mỹ trong giai đoạn hiện tại. Người dân sẽ dành lá phiếu cho đảng nào đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho họ và gia đình!
“Cuộc bầu cử này là sự lựa chọn giữa hai tầm nhìn kinh tế rất khác biệt cho nước Mỹ giữa ông Donald Trump và người kế thừa ông Joe Biden là Phó tổng thống Kamala Harris. Hôm 18-8, Đảng Dân chủ đã công bố tài liệu dài 90 trang về các ưu tiên chính sách nêu trên. Văn bản ấy đã được viết và bỏ phiếu trước cả lúc Tổng thống Biden rời đường đua. Nhìn chung, ngoài một số khác biệt nhỏ, chiến dịch Harris – Walz lần này gần như giữ lại toàn bộ chính sách của ông Biden.
Hội nghị toàn quốc của đảng Dân Chủ là sự kiện lớn trước bầu cử và là nơi cử tri Mỹ có cái nhìn đầu tiên về liên danh ứng viên Harris – Walz. Điều này biến thành phố Chicago trở thành sân khấu hoàn hảo cho màn “thay da đổi thịt” của Đảng Dân chủ, song cũng chứa hai thách thức nổi bật đang diễn ra trong thời gian Đại hội:
Thứ nhất: -Về đối ngoại, sự kiện này rơi trúng những bế tắc trong việc đàm phán lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Những đại biểu “chưa cam kết”, vốn ủng hộ Palestine, sẽ chất vấn các ứng viên về việc giải cứu con tin đang bị Hamas giữ, cũng như tình hình nhân đạo tại Gaza – nơi số người chết vì cuộc chiến Israel – Hamas đã lên đến hơn 40 ngàn người. Phía bên ngoài hội trường sẽ là các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine. Theo Hãng tin AP, bà Harris hy vọng tránh tình trạng sao nhãng và người biểu tình sẽ không phủ bóng chương trình nghị sự chính thức.
Thứ hai:-Lạm phát với giá tạp hóa đã tăng tới 21%, một phần trong đợt lạm phát khiến giá cả tổng thể tăng 19%. Nhiều người Mỹ đã không hài lòng về tình hình kinh tế vì lương tăng không nhanh như vậy.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đang đề xuất tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28% nếu bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 trước đối thủ đảng Cộng hòa cựu Tổng thống Donald Trump, chiến dịch của bà thông báo hôm thứ Hai ngày 19 tháng 8.
Phát ngôn viên chiến dịch của bà Harris là James Singer, cho biết đề xuất này sẽ là một phần của “một biện pháp có trách nhiệm về mặt tài chính để đưa tiền bạc trở lại túi của những người lao động và đảm bảo các tỷ phú và các tập đoàn lớn phải chịu phần đóng góp công bằng của mình“.
Khi còn là tổng thống, ông Trump đã cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21% và thực hiện các khoản giảm thuế khác, những biện pháp giảm thuế này sẽ hết hiệu lực vào năm 2025. Ông Trump đã cam kết sẽ thực hiện các biện pháp giảm thuế đó vô thời hạn nếu ông tái đắc cử. Ủy ban vì một Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm, một nhóm vận động phi đảng phái, cho biết hôm thứ Hai (19/8) rằng đề xuất của bà Harris về việc tăng thuế thu nhập doanh nghiệp lên 28% sẽ giúp giảm thâm hụt của Hoa Kỳ 1 nghìn tỷ USD trong một thập kỷ.
Cố vấn chiến dịch Trump Jason Miller đã đề cập tới đề xuất tăng thuế của bà Harris khi viết trên mạng xã hội X rằng: “Tạm biệt tăng trưởng kinh tế, việc làm mới, đầu tư, sự phát triển, thuê ngoài, và nhiều thứ khác nữa!”
Chiến lược gia, nhà tư vấn kỳ cựu của Đảng Cộng hòa, ông Alex Castellanos nói với Fox News rằng: “Nếu bà Harris ủng hộ tăng thuế doanh nghiệp, đó là giết chết việc làm. Bận không cần gây tổn hại tới người lao động một cách trực tiếp. Tất cả những gì bạn cần làm là gây tổn hại cho các công ty đang thuê mọi người làm việc cho họ”. Những thay đổi đối với luật thuế của Hoa Kỳ cần được Quốc hội chấp thuận.
Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đang trong cuộc chiến khốc liệt giành quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện. Cả hai đảng đều đang có cơ hội chiến thắng lưỡng viện trong cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11 tới đây. Là một thành viên Đảng Dân Chủ, bà Harris đã cam kết duy trì lời hứa của Tổng thống Joe Biden là không tăng thuế đối với những người có thu nhập 400.000 USD hoặc ít hơn trong một năm.
Trong bài diễn văn về chính sách kinh tế tuần trước, bà Harris đã phác thảo các đề xuất cắt giảm thuế cho hầu hết người Mỹ, cấm các cửa hàng tạp hóa “thổi giá” và xây dựng thêm nhà ở giá rẻ như một phần của “nền kinh tế cơ hội” mà bà dự định theo đuổi nếu giành được Tòa Bạch Ốc.
Tâm điểm tranh cãi có thể nằm ở kế hoạch cấm các doanh nghiệp tăng giá của bà Harris. Nhiều đảng viên Đảng Dân chủ ủng hộ kế hoạch kinh tế của bà Harris về mặt tổng thể, trong đó chú trọng vào cam kết giảm chi phí cho người Mỹ cũng như hỗ trợ tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên không ít người bày tỏ sự phản đối hoàn toàn đối với kế hoạch chống “thổi giá” nêu trên.
Bà Harris đổ lỗi cho lòng tham của doanh nghiệp về việc tăng giá. Nhưng trong mắt nhiều chuyên gia kinh tế, tình trạng lạm phát là điều không thể tránh khỏi, bao gồm những quyết sách của chính phủ như chi tiêu công thời đại dịch COVID-19. Về kinh tế, khi được “bơm tiền” người dân có thể chấp nhận mua nhiều hơn kể cả khi tăng giá.
Kế hoạch cấm “thổi giá” của bà Harris đã gặp phải chỉ trích từ chính các tờ báo vốn ủng hộ Đảng Dân chủ và không thích ông Trump. Đơn giản với đa số chuyên gia trong lĩnh vực, sự can thiệp này không có ý nghĩa về mặt kinh tế và hành động của bà Harris thực chất tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết nó. Đài CNN dẫn lập luận của ông Gavin Roberts cho rằng chỉ cần giữ nguyên cho thị trường tự vận hành, nhiều công ty sẽ thấy món lợi từ tăng giá để gia nhập cuộc chơi và càng đông người thì cạnh tranh sẽ tăng khiến giá tự giảm. Ngay cả Jason Furman, nhà kinh tế học hàng đầu trong chính quyền cựu tổng thống Barack Obama cũng nói thẳng với tờ New York Times: “Đây là chính sách không có ý nghĩa và tôi cho rằng hy vọng lớn nhất ở đây là sau cùng đó chỉ là lời nói suông chứ không đi vào thực tế”.
Qua dư luận nhìn chung, ông Trump được tin tưởng nhiều hơn trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế tại 7 bang chiến địa, đang là áp lực đối sáng kiến kinh tế nhằm giải quyết lạm phát của bà Harris. Cuộc thăm dò độc quyền của báo The Telegraph cho thấy 42-48% cử tri ở 7 tiểu bang chiến địa (Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Bắc Carolina, Pennsylvania và Wisconsin) tin tưởng vào cựu tổng thống Mỹ Donald Trump hơn Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, bao gồm việc giảm giá những mặt hàng thiết yếu trong các hộ gia đình. Bên cạnh đó, nhóm cử tri tại các bang chiến địa đều cho rằng kinh tế hiện là vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ phải đối mặt trước cuộc bầu cử tháng 11, sau nhiều năm bị lạm phát gia tăng.