Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai được phép hạn chế quyền công dân trong đại dịch Covid-19?

Quan sát thực tiễn cho thấy nhiều địa phương có những biện pháp hạn chế quyền công dân không chỉ trái thẩm quyền mà một số biện pháp còn mang tính “cực đoan”. Không nên nhân danh chống dịch mà vượt qua các khuôn khổ của pháp luật.

Ở Việt Nam, Hiến pháp ghi nhận quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do sức khỏe cộng đồng. Việc hạn chế này cũng phù hợp với Điều 29 Tuyên ngôn phổ quát về Quyền con người 1948, đã quy định nguyên tắc hạn chế quyền con người:

Trong việc thực thi các quyền và tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”.

Quyền con người có thể bị hạn chế

Điều kiện để hạn chế quyền con người, quyền công dân là phải được quy định bởi văn bản luật, hoặc trong những trường hợp đặc biệt, Quốc hội có thể giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh, nghị quyết, hoặc Chính phủ ban hành nghị định.

Sau hơn một năm rưỡi chống dịch, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế quyền công dân gây quan ngại về tính pháp lý. Đến ngày 28.7.2021, Quốc hội mới ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động áp dụng biện pháp hạn chế như yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú, hạn chế một số phương tiện giao thông trong khoảng thời gian nhất định; áp dụng biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan; đưa ra các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh. 

Dựa trên nghị quyết này, Chính phủ ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó cho phép chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn và được chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định.

Như vậy, về cơ sở pháp lý, ở thời điểm dịch bệnh hiện nay, không chỉ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng có thẩm quyền đưa ra các biện pháp hạn chế quyền của công dân. Tuy nhiên, quan sát thực tiễn cho thấy nhiều địa phương có những biện pháp hạn chế quyền công dân không chỉ trái thẩm quyền mà một số biện pháp còn mang tính “cực đoan” như:

Chủ tịch UBND một xã ở Thanh Hóa đã khóa cửa một khu dân cư, giao chìa khóa cho chủ tịch xã và trưởng thôn giữ mà không dự liệu đến cấp cứu người bệnh hay khi hỏa hoạn; một chủ tịch UBND phường ở Cà Mau tổ chức cưỡng chế cách ly người từ chối xét nghiệm do người này sợ nhiễm COVID-19 ở nơi xét nghiệm đông người, trong khi luật chỉ quy định phạt tiền với hành vi này, không áp dụng biện pháp cưỡng chế; hoặc UBND thành phố Biên Hòa ban hành văn bản bổ sung biện pháp đưa người vi phạm hành chính về giãn cách xã hội vào cách ly để xét nghiệm, người vi phạm phải trả mọi chi phí… 

Ở cấp tỉnh, nhiều cơ quan chuyên môn ban hành thông báo hoặc công văn để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch, như công văn yêu cầu phải có xác nhận âm tính mới được vào địa bàn của tỉnh, sở giao thông vận tải hạn chế xe lưu thông, sở y tế yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính, sở công thương ban hành danh mục nhóm hàng hóa thiết yếu theo Chỉ thị 16… Từ căn cứ không rõ ràng này, đã tạo ra những tình huống áp dụng pháp luật không thống nhất như xử phạt người đi mua bánh mì, rút tiền ở ATM để mua thực phẩm…

Rõ ràng, các biện pháp như trên vượt quá thẩm quyền, cũng như đặt ra cơ chế áp dụng vượt quá quy định pháp luật, gây bất bình trong dư luận. Vì vậy, không nên nhân danh chống dịch mà vượt qua các khuôn khổ của pháp luật. Các biện pháp hạn chế quyền công dân phải được đưa ra từ cấp tỉnh trở lên, không nên để cấp huyện, cấp xã và những người không thuộc bộ máy công quyền như “dân quân, người hỗ trợ chống dịch” ngộ nhận đặc quyền đưa ra biện pháp gây lo lắng, sợ hãi trong nhân dân.

Hạn chế quyền con người và lợi ích cộng đồng

Hạn chế quyền con người, quyền công dân là giải quyết sự cân bằng giữa quyền của cá nhân với quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng, giải quyết cân bằng giữa những yêu cầu của cuộc sống xã hội với tự do chính đáng của cá nhân. Tuy nhiên, dù cho phép hạn chế nhưng các quy định pháp luật hiện hành vẫn chưa nêu rõ hạn chế ở mức độ như thế nào, nên thực tiễn tùy thuộc vào ý chí của các cơ quan có thẩm quyền khi cân nhắc về tương quan mối quan hệ này. 

Khảo sát thực tiễn, không có căn cứ làm luận cứ để xác định khi nào bảo vệ lợi ích cộng đồng mà hy sinh lợi ích bảo vệ quyền của công dân và ngược lại. Vấn đề cân bằng trong việc bảo vệ lợi ích cộng đồng và quyền công dân trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là chặng đường khó khăn không chỉ ở Việt Nam.

Chẳng hạn ở Đức biểu tình phản đối lockdown; ở Mỹ biểu tình phản đối bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng; ở Pháp, Ý biểu tình phản đối thẻ thông hành COVID-19… Nên việc xác định ranh giới giữa bảo vệ quyền công dân và lợi ích cộng đồng rất khó, bởi suy cho cùng, bảo vệ quyền công dân cũng là bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng, và chính phủ mỗi quốc gia sẽ cân nhắc giữa lợi ích cộng đồng với lợi ích cá nhân để ra các quyết định phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể.

Vì vậy, việc hạn chế quyền con người trong dịch bệnh cần cân nhắc, đảm bảo yêu cầu chung, nhưng cũng đồng thời đảm bảo các quyền cơ bản của con người. Như chúng ta đều biết, mỗi chúng ta đều khác nhau, có những điều kiện về sức khỏe, tâm lý khác nhau, kể cả điều kiện kinh tế, nên hạn chế quyền trên cũng cần dung hòa các quyền khác, bởi cuộc sống vẫn tiếp diễn với cả những mối đe dọa hàng ngày chứ không chỉ có mỗi dịch bệnh COVID-19.

Rất nhiều người đang bị các loại bệnh khác (không nhiễm COVID-19) vẫn không thể đi khám, lấy thuốc định kỳ, nhiều người yếu thế không được tiếp cận lương thực, thực phẩm; nhiều trẻ em, phụ nữ bị bạo hành trong thời gian giãn cách xã hội quá lâu (số liệu của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 năm ngoái, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đã tăng 50%).

Gần đây nhất là quyền học tập của nhiều trẻ em gặp khó khăn khi học tập trực tuyến, nhiều gia đình không đủ điều kiện trang bị thiết bị học tập; hoặc có điều kiện nhưng không thể mua máy tính trong thời gian giãn cách. Sắp tới, việc ưu tiên cho người đã tiêm phòng vaccine được làm việc, đến nơi công cộng mà không tính đến các nhóm bị nhiễm trong cộng đồng, các nhóm do điều kiện sức khỏe không thể tiêm vaccine… cũng là vấn đề cần cân nhắc thấu đáo để đảm bảo quyền bình đẳng của công dân. Bởi lẽ người dân luôn mong muốn được tiếp cận bình đẳng vaccine, nhưng trong bối cảnh còn thiếu vaccine và sự không minh bạch trong thứ tự ưu tiên nên nhiều người không được tiếp cận sớm như những người cùng điều kiện.

Hơn nữa, cũng cần đánh giá tác động về kinh tế trong việc đưa ra các biện pháp hạn chế quyền công dân, nhất là cần dữ liệu khách quan để đánh giá giữa được/thiệt hại kinh tế do các biện pháp hạn chế quyền gây ra. Đến giờ, hạn chế quyền này kéo dài trong thời gian bao lâu là câu hỏi mà bất kỳ công dân nào cũng đặt ra, bởi chúng ta không thể kéo dài mãi tình trạng “đóng băng” xã hội.

Sự bí bách của người dân sau nhiều tháng giãn cách, phong tỏa có thể dẫn đến cách hành xử vượt khỏi các quy định hạn chế quyền của Nhà nước. Đơn cử hôm 13.9.2021, cảnh sát giao thông tỉnh Bình Thuận đã sững sờ khi phát hiện 15 người, trong đó có trẻ em bị nhét trong thùng xe đông lạnh. Họ đều vã mồ hôi và có dấu hiệu khó thở sau hành trình hơn 50 km từ Đồng Nai về quê nhà ở Huế và Quảng Trị. Họ thuê xe đông lạnh chở từ Long Khánh “thông chốt” qua Bình Thuận, sau đó tiếp tục tìm cách “thông các chốt” giữa các địa phương để về quê hương.

Sự kiện này có thể là hồi chuông cảnh báo cho những chính sách hạn chế quyền quá mạnh của Chính phủ và các địa phương không còn phù hợp, cần chuyển sang trạng thái “mềm” hơn; đồng thời các địa phương cần cơ chế phối hợp đồng bộ, tránh tình trạng “đóng cửa” địa phương mình gây hệ lụy rất lớn về lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân.

Kiểm soát tình trạng lạm quyền 

Quyền hành chính luôn có “không gian” cho sự chủ động, sáng tạo của mình, vì vậy nên có xu hướng bị lạm quyền, và quyền lực có thể làm tha hóa rất nhanh những người có nó. Quyền hành chính trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 càng khó kiểm soát do tính chất cấp thiết của nó. Vì vậy, cần cơ chế kiểm soát đặc thù để bảo đảm quyền lực đặc thù này được sử dụng hợp lý, hiệu quả, không bị lạm dụng dẫn đến hậu quả tiêu cực, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội.

Lý do Hiến pháp quy định việc hạn chế quyền công dân phải do luật định xuất phát từ một trong những nguyên nhân, hậu quả do việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng như đến đời sống xã hội, có thể gây chấn thương tinh thần cho người dân rất lâu và rất sâu. Nên không thể nhân danh phòng chống dịch mà vi phạm nghiêm trọng các quy tắc, chuẩn mực pháp lý như các ví dụ đã nêu. Về logic, nếu người dân bị áp dụng các biện pháp hạn chế quyền trái luật, cần sử dụng quyền khiếu nại, khởi kiện để chủ động bảo vệ lợi ích của mình.

Tuy nhiên, các văn bản dạng quy định chung của các địa phương như thế này được xem là văn bản quy phạm pháp luật nên việc khiếu nại, khởi kiện không khả thi. Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, cần trao cho cơ quan tư pháp (tòa án) thẩm quyền giải quyết các tranh chấp trong việc người dân kiện các cơ quan đã đưa ra những quy định trái pháp luật. Nếu người được trao quyền thi hành công vụ mà vượt quá khuôn khổ luật cho phép thì họ cũng sẽ đối diện các chế tài, như phó chủ tịch phường vụ “bánh mì không là thực phẩm thiết yếu” bị cách chức.

Đồng thời, các cơ quan truyền thông cũng cần chủ động “tuýt còi” những vi phạm từ phía Nhà nước để hành vi vi phạm không gây nhiều hậu quả hơn nữa. 

TS. Thái Thị Tuyết Dung

(Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM)

Nguồn: Người Đô Thị 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Vai trò thủ lãnh chính trị trong dịch bệnh

Phan Thanh Hung

VNTB – Cần một Trường Chinh thứ 2?

Phan Thanh Hung

VNTB – Một shipper đặc biệt!(*)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo