Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Thiệt hại “phi vật chất”, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý; làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm vụ án “Trương Châu Hữu Danh cùng các thành viên nhóm Báo Sạch” đã đưa ra lập luận về thiệt hại “phi vật chất” như vậy để tuyên giữ nguyên mức án ở phiên sơ thẩm về tội danh theo Điều 331 Bộ luật hình sự.
Tại Bộ luật hình sự năm 2015 (tu chỉnh năm 2017), Điều 354 Tội nhận hối lộ , Điều 358 Tội lợi dụng chức vụ,quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, Điều 364 Tội đưa hối lộ, Điều 365 Tội môi giới hối lộ và Điều 366 Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, đều quy định một tình tiết là “lợi ích phi vật chất”. Điều 331 không có tình tiết này, và tại điều luật 331 cũng không quy định hình phạt bổ sung các bị cáo phải chịu như bản án tuyên ở cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm là “cấm các bị cáo Danh, Bảo, Nhã, Giang hành nghề báo chí trong 3 năm sau mãn án tù”.
Thế nào là lợi ích phi vật chất, vẫn đang là vấn đề tranh luận mặc dù các điều luật liên quan về án tham nhũng đã ghi như vậy. Trước hết, nhiều ý kiến cho rằng, hối lộ “lợi ích phi vật chất” là hối lộ tình dục, hối lộ thông tin, hối lộ thành tích, hối lộ điểm thi…
Trước hết, nói về hối lộ tình dục, vấn đề đặt ra là việc hối lộ được thực hiện như thế nào? Nếu người đưa, người môi giới hối lộ đưa gái mại dâm đến cho người nhận, thì hành vi của họ phạm vào tội “môi giới mại dâm” (Điều 328 Bộ luật hình sự), nếu đưa người lệ thuộc mình cho người nhận giao cấu thì tuỳ trường hợp mà cả người “đưa và người nhận” đã phạm vào tội “cưỡng dâm” (Điều 143 Bộ luật hình sự) hoặc tội “hiếp dâm” (Điều 141 Bộ luật hình sự)…
Trong thực tế thì khó có thể xảy ra những trường hợp hối lộ tình dục như kể trên, vì không lẽ chỉ quan hệ tình dục như thế mà người có chức vụ quyền hạn đã làm hoặc không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ. Và nếu có thì thường đi kèm với việc nhận tiền, tài sản, thì việc quan hệ tình dục này sẽ bị “thu hút” vào hành vi nhận tiền, tài sản hoặc sẽ bị xử lý về hai tội (nhận hối lộ và tội tương ứng).
Trong trường hợp người phụ nữ chủ động quan hệ tình dục với người có chức vụ quyền hạn để yêu cầu người này làm hay không làm một việc vì lợi ích của mình cũng tương tự như vậy, thường là phải đi kèm theo việc hối lộ tiền, tài sản và như vậy thì việc quan hệ tình dục kia cũng bị “thu hút” vào hành vi nhận tiền, tài sản.
Trong trường hợp họ sống như “người tình” với người có chức vụ quyền hạn để yêu cầu người này làm hay không làm một việc (hay nhiều việc) vì lợi ích của mình thì khó có thể nói đây là hành vi “ đưa” và “ nhận” hối lộ … Tóm lại, thực tế khó (hay không muốn nói là không thể) xác định được việc “hối lộ tình dục”. Hơn nữa, quan hệ tình dục như vậy chỉ có thể được coi là để thoả mãn nhu cầu sinh lý “không chính đáng” chứ không thể coi đó là một “lợi ích” theo ý nghĩa pháp lý được.
Tương tự như vậy, không có việc hối lộ thông tin, thành tích, điểm thi… Nếu có những hành vi này thì cần xử lý về những tội phạm tương ứng chứ không phải là “đưa” hoặc “nhận” hối lộ.
Như vậy thì tại sao các tội phạm về tham nhũng nêu trên lại quy định tình tiết “lợi ích phi vật chất” ?
Có thể giải thích rằng ngày 03-7-2009, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc phòng chống tham nhũng. Theo như bản dịch tiếng Việt, thì điểm d Điều 2 Công ước quy định : “Tài sản” có nghĩa là mọi loại tài sản, vật chất hay phi vật chất, động sản hay bất động sản hữu hình hay trừu tượng, và các văn bản pháp lý hay giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó”.
Do đó, để tương thích với quy định của Công ước, Bộ luật hình sự đã bổ sung tình tiết “lợi ích phi vật chất” vào một số điều luật quy định về tội tham nhũng. Tuy nhiên, cần xem lại bản dịch tiếng Việt.
Nguyên văn tiếng Anh của quy định này như sau : (d) “Property” shall mean assets of every kind, whether corporeal or incorporeal, movable or immovable, tangible or intangible, and legal documents or instruments evidencing title to or interest in such assets…”.
Điều luật này lẽ ra nên dịch như sau: (d) “Tài sản” nghĩa là tài sản thuộc mọi loại, cho dù là quyền tài sản hữu hình hay vô hình, động sản hay bất động sản, hữu hình hay vô hình, văn bản hoặc văn kiện pháp lý chứng minh quyền sở hữu hay lợi ích trên tài sản đó.
Như vậy, có sự khác biệt về cách hiểu thuật ngữ “corporeal or incorporeal” – “property” trong bản gốc Công ước. Theo bản dịch tiếng Việt hiện hành, thì thuật ngữ này nghĩa là “tài sản vật chất hay phi vật chất”; lẽ ra thuật ngữ này chỉ “quyền tài sản hữu hình hoặc vô hình”.
Từ cách hiểu trên, dù là diễn dịch theo cách nhìn nhận nào, thì chuyện vì lẽ gì đó niềm tin của người dân dành cho Đảng bị suy giảm đều không thuộc phạm trù lợi ích vật chất hay phi vật chất. Bởi người dân không vì tin hay không tin Đảng mà họ có thể giàu lên hay nghèo đi.
Một đơn cử, hàng loạt vụ án tham nhũng đã xét xử lẫn đang điều tra như vụ kit test Việt Á đủ để người dân ngao ngán về chuyện quan chức Đảng sẵn sàng ‘ăn’ bất kỳ thứ gì từ vật chất bạc tiền cho tới ‘phi vật chất’ như những tấm bằng, những huân chương lao động chẳng hạn…
Ngay cả bản án phiên phúc thẩm kể ở đầu bài viết này của tòa án Cần Thơ, cũng cho thấy đây mới đúng là phán xét khiến Đảng và Nhà nước chịu thiệt hại về “tài sản phi vật chất”, vì tòa đang bóp nghẹt quyền tự do thông tin, tự do báo chí mà người dân cần đến.
1 comment
Đảng csVN đã bằng mọi cách trù dập người dân bất đồng chính kiến để duy trì thứ quyền lực tự xưng – tự phong – không chính danh của họ. Tà quyền csVN đã bịa đặt – gán ghép những tội trạng tưởng tượng và khủng khiếp để tống giam dài hạn những người không cùng chánh kiến và dám công khai lên tiếng phản bác những chánh sách sai lầm của Đảng csVN.
Từ ngày Đảng csVN được thành lập đến nay, Đảng csVN đã gây ra bao nhiêu sai trái tày trời đối với đất nước và nhân dân VN? Đảng csVN đã làm tổn thất bao nhiêu sinh mạng con người? Đảng csVN đã cướp đoạt và làm thiệt hại bao nhiêu tài sản – vật chất của người dân? Đảng csVN đã hủy hoại tinh thần bao nhiêu người dân?
Những sai phạm – tội lỗi vấy máu người mà Đảng csVN đã và đang gây ra cho đất nước và dân tộc VN thật sự là quá nhiều. Ngoài các thủ đoạn chính trị hạ cấp mà vài cấp lãnh đạo của Đảng csVN đem ra áp dụng như giả vờ khóc lóc xin lỗi hay đem dê con tế thần thế thân lãnh đạo, người dân chưa hề thấy Đảng csVN thực sự ăn năn hối cải về các chính sách tàn bạo và hành vi phạm pháp – thất đức – bất nhân của bè đảng này.
Đến khi nào tội ác của Đảng csVN cùng với các đảng viên liên đới bị công lý trừng trị, thì lúc đó nhân dân VN mới thoát khỏi cảnh sống đầy lo âu – nghi kỵ – hèn nhục.