Hà Nguyên – Cát Tường
(VNTB) – Những cơ quan chóp bu của Đảng tiếp tục khẳng định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, quản lý.
Tin tức cho biết, Ban Kinh tế Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương đã phối hợp tổ chức hội thảo “Quan điểm và định hướng quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam trong bối cảnh mới”.
Các quan chức cấp cao của Đảng gồm các ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW Chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, “Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp tục khẳng định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, Nhà nước thống nhất quản lý, quyền sử dụng đất là một loại tài sản, là hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu”.
Như vậy liệu có nên xem xét đến nơi đến chốn về vai trò đồng phạm của cái gọi là “đại diện chủ sở hữu” trong các vụ án liên quan đất đai?
Vụ án vừa hoàn tất cáo trạng xảy ra ở Công ty địa ốc Alibaba là ví dụ.
Theo cáo trạng, Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật như đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy động tiền từ khách hàng.
Cáo trạng ghi rằng để tiện phân lô, bán nền tại các dự án không có thật, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lập 12 công ty bất động sản làm chủ đầu tư hơn 55 dự án “ma” tại 3 tỉnh, thành: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, nhằm chiếm đoạt tiền của người bị hại. Cụ thể, Công ty cổ phần Địa ốc Tia Chớp (Đồng Nai) rao bán 4 dự án: Alibaba Phước Bình Central Park; Alibaba Phước Bình Central Park 2; Alibaba Phước Thái Capital và Alibaba Long Phước Industry.
Công ty cổ phần Địa ốc Đầu tư và Phát triển Spartaland (Đồng Nai) làm chủ đầu tư 2 dự án: Alibaba Phú Mỹ Central City và Alibaba Phú Mỹ Central City 2; Công ty Cổ phần Địa ốc Đầu tư và Phát triển TLLand (Đồng Nai) chủ đầu tư của 2 dự án Alibaba Phú Mỹ Center City và Ali Venice City.
Công ty cổ phần Địa ốc Chiến Binh Thép (Đồng Nai) chủ đầu tư 5 dự án gồm: Alibaba Center Town; Alibaba Tóc Tiên Residence 3; Alibaba Tân Thành Homy City; Alibaba Tân Thành Center City; Alibaba Tân Thành Center City 6.
Công ty cổ phần Địa ốc Long Thành Capital (Đồng Nai) làm chủ đầu tư phân phối sản phẩm đất nền thuộc Dự án mang tên Alibaba Tân Thành Center City; Công ty Cổ phần Bất động sản Địa ốc Ali Land (Đồng Nai) làm chủ đầu tư 2 dự án Alibaba Tóc Tiên Residence 2 và Dự án Alibaba Phước Bình Central Park 3.
Công ty cổ phần Bất động sản Big Bang (Đồng Nai) lập 3 dự án; Công ty Cổ phần Bất động sản Địa ốc Chiến Thắng (Đồng Nai) lập 3 dự án; Công ty Cổ phần Địa ốc Đầu tư và Phát triển 108 (Đồng Nai) lập 2 dự án.
Công ty cổ phần Địa ốc Sunny Land (Bà Rịa – Vũng Tàu) tự ý vẽ, lập dự án Ali Aqua Nhơn Trạch, phân các thửa đất nông nghiệp trên thành 539 nền đất trái pháp luật; Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Thương mại Địa Ốc Xanh (Bà Rịa – Vũng Tàu) chủ đầu tư 3 dự án không có thật.
Công ty Cổ phần Alibaba Law Firm (TP.HCM) chủ đầu tư 28 dự án ở các tỉnh: Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Với hàng chục dự án được cho là không có thật như trên cho thấy sẽ rất khó lường người dân nếu như không có một điều thuộc Hiến định tại Điều 53, đất đai là tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
“Đơn giản, người dân cho rằng một khi Nhà nước đại diện chủ sở hữu, thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai, nên bằng việc Nhà nước đã giao đất cho tổ chức là Công ty Alibaba thì người dân không thể ngờ vực về tính pháp lý của số đất đai đó. Nay nếu nói đó là không đúng sự thật, trước tiên cần làm rõ liệu Công ty Alibaba có làm giả các tài liệu về đất đai mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu?
Hai nữa, trong việc để người dân bị lừa trong chuyện sở hữu đất đai này, chắc chắn không thể thoái thác trách nhiệm của bên gọi là đại diện chủ sở hữu” – một luật sư nhấn mạnh về điều cần được làm đến nơi đến chốn, nhưng lại chưa hề được bàn luận tại hội thảo “Quan điểm và định hướng quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam trong bối cảnh mới”.