Hà Nguyên
(VNTB) – “Ông Đinh La Thăng phải đền bù 600 tỷ đồng, đã đi tù rồi. Đây là bản án khó thi hành nhưng không tuyên không được. Cách nào để bản án thực thi trên thực tế thì chúng tôi chưa nghĩ ra giải pháp” – Nguyễn Hoà Bình
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình dẫn lại vụ án OceanBank liên quan ông Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng và đã đi tù, nhưng đây là bản án khó thi hành.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình biện minh rằng việc thu hồi tài sản tham nhũng ở tất cả các nước “không bao giờ triệt để”. Tại Việt Nam, thời gian qua các cơ quan tố tụng đã phối hợp tốt nên tỷ lệ thu hồi được 40% tổng số tài sản đã tham nhũng. Đây là con số mà ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng rất đáng ghi nhận, biểu dương.
Ông Bình cho hay, trên thế giới xem tham nhũng là tội đặc thù nên bên cạnh nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản tham nhũng, họ còn có cơ chế khác là tăng nghĩa vụ giải trình của nghi can. Ví dụ, nếu như nghi can có tài sản mà không chứng minh, giải trình được nguồn gốc hợp pháp bị xem là tài sản tham nhũng và bị tịch thu.
“Nếu chúng ta làm được điều này như các nước thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong tương lai sẽ rất cao”, ông Bình nêu.
Lý giải về bản án khó thi hành, theo ông Bình, có hai nguyên nhân. Một là tuyên án không rõ nên khó thi hành, tuy nhiên tỷ lệ tuyên không rõ của các bản án đã được khắc phục rất nhiều. Nguyên nhân thứ 2 là những bản án tuyên rõ rồi, đúng nhưng không thi hành được.
Ông Bình ví dụ vụ Trustbank (Ngân hàng Xây dựng), bà Hứa Thị Phấn làm mất của ngân hàng hơn 10.000 tỷ đồng. Tòa buộc phải tuyên bà Phấn bồi thường số tiền đó, nhưng tuyên xong bà Phấn chết. “Đây là bản án tuyên đúng pháp luật, không thể không tuyên bà Phấn phải bồi thường”, ông Bình khẳng định.
Ví dụ khác được ông Bình nêu là xoay quanh vụ án OceanBank, liên quan đến ông Đinh La Thăng, vụ án này làm mất 800 tỷ đồng, trách nhiệm dân sự các bị cáo trong vụ án phải chia đều theo thị phần bồi thường 800 tỷ đồng đó.
“Ông Đinh La Thăng phải đền bù 600 tỷ đồng, đã đi tù rồi. Đây là bản án khó thi hành nhưng không tuyên không được. Cách nào để bản án thực thi trên thực tế thì chúng tôi chưa nghĩ ra giải pháp”, ông Bình nhìn nhận.
Ở đây, theo ý kiến của người viết thì trách nhiệm liên đới chính là sự thụ động của những nhà lập pháp. Sự thụ động này, hiểu theo cách mà Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đã được báo chí đăng cách đây mấy hôm quanh việc góp ý luật Đất đai sửa đổi, đó là, “Đối với những ý kiến đúng đắn, cần thiết nhưng chưa có kết luận của Trung ương Đảng thì có thể nghiên cứu, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền”.
Người viết cho rằng chính việc phải chịu định hướng từ Trung ương Đảng trong chuyện làm luật đã khiến Việt Nam lâm vào tình cảnh hiện tại trong việc xử trí tài sản được cho là liên quan tham nhũng.
Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (The United Nations Convention against Corruption – UNCAC) có hiệu lực từ ngày 14/12/2005, gồm 8 chương với 71 điều quy định về các biện pháp mang tính phòng ngừa và xử phạt, hợp tác quốc tế và thu hồi tài sản tham nhũng, nhằm tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện thúc đẩy công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở tất cả các nước thành viên.
UNCAC ngày càng được thừa nhận rộng rãi khi được dẫn chiếu trong nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là trong những cam kết về chống tham nhũng trong các hiệp định thương mại.
UNCAC là khung pháp lý quốc tế toàn diện làm cơ sở cho các chính phủ ngăn ngừa và xử lý hiệu quả hơn nữa vấn đề tham nhũng. Công ước đề ra một khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong chống tham nhũng thông qua các biện pháp phòng, chống hữu hiệu.
Điều 1 Công ước khẳng định: “Thúc đẩy và tăng cường các biện pháp nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả hơn… Thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và trợ giúp kỹ thuật trong phòng, chống tham nhũng, bao gồm cả việc thu hồi tài sản”.
Theo quy định tại Điều 3 Công ước, phạm vi áp dụng của Công ước bao trùm tất cả các lĩnh vực của công tác chống tham nhũng, gồm: phòng ngừa, điều tra, truy tố tham nhũng và việc phong toả, tạm giữ, tịch thu và hoàn trả tài sản có được do phạm các tội quy định trong Công ước.
Như vậy, việc xây dựng, thực thi Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc là một công cụ phòng, chống tham nhũng toàn diện, đáp ứng được các yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tham nhũng của mỗi quốc gia cũng như từng khu vực và trên toàn thế giới.
Tuy nhiên rất đáng tiếc là UNCAC dường như không nhận được sự quan tâm đúng mức của người đứng đầu Ban phòng chống tham nhũng, tiêu cực của quốc gia. Chính lẽ đó dẫn đến việc khi người này cũng đồng thời là đứng đầu Trung ương Đảng, đã “không định hướng” thích hợp cho những nhà lập pháp, để rồi như xác nhận của Chánh án Nguyễn Hòa Bình là ông đang “bó tay” khi muốn thu hồi 600 tỷ đồng gây thiệt hại từ khối tài sản của cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.
1 comment
Nói dại VN có vài thằng như Đinh La Thăng thì dân VN chỉ có “tay gậy, tay bị khắp nơi tung hoành mà thôi”