Việt Nam Thời Báo

VNTB – Báo cáo nhân quyền năm 2022 của tổ chức Quan sát Nhân quyền

Các quyền dân sự và chính trị cơ bản bị đàn áp một cách có hệ thống ở Việt Nam. Chính quyền, dưới chế độ cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), xiết chặt vòng kiềm tỏa các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo.

Năm 2021, các công đoàn độc lập hay bất kỳ một tổ chức, hội nhóm nào bị coi là có nguy cơ đối với sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản vẫn bị cấm thành lập và hoạt động. Nhà cầm quyền chặn đường truy cập tới các trang mạng nhạy cảm về chính trị và gây sức ép với các công ty viễn thông và mạng xã hội buộc gỡ bỏ hoặc hạn chế các nội dung phê phán chính quyền hoặc đảng cầm quyền.

Những người lên tiếng phê phán đảng hay chính quyền phải đối mặt với việc bị công an đe dọa, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị câu lưu và bắt giữ tùy tiện, và bị bỏ tù sau các phiên tòa không công bằng. Công an giam giữ các nghi can chính trị hàng tháng trời mà không cho tiếp xúc với luật sư và thẩm vấn họ thô bạo. Các tòa án do đảng kiểm soát kết án các nhà hoạt động và blogger dựa trên các cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia.

Tháng Giêng năm 2021, ĐCSVN tổ chức đại hội lần thứ 13, trong dịp đó đã bầu ra bộ chính trị mới. Trong số 18 thành viên, có ít nhất là bảy người, bao gồm cả tân thủ tướng chính phủ, Phạm Minh Chính, liên quan tới Bộ Công an. Vào tháng Năm, Việt Nam tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội được kiểm soát và chỉ đạo rất chặt chẽ, trong đó tất cả các ứng cử viên phải được ĐCSVN phê duyệt. Vài chục ứng cử viên độc lập bị đe dọa và loại bỏ và có hai người bị bắt giữ.

Việt Nam tự xưng đã thành công trong việc chống dịch Covid-19 trong năm 2020 và năm tháng đầu năm 2021. Nhưng khi biến thể Delta tràn vào khu vực, tính đến đầu tháng Mười một đã có hơn 939.000 ca dương tính và hơn 22.000 người chết. Các lực lượng thực thi pháp luật đã vi phạm nhân quyền khi sử dụng vũ lực quá mức để cưỡng chế người dân xét nghiệm Covid-19 hay đi cách ly bắt buộc, và để ép buộc thi hành lệnh phong tỏa.

Chính quyền các cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương khác đã dựng rào chắn và khóa cổng để ngăn cản người dân đi lại trong thời gian phong tỏa mà không có biện pháp sẵn có để bảo đảm cho người dân có thể sơ tán khi có tình huống khẩn cấp, hoặc tiếp cận được dịch vụ y tế khẩn cấp hay mua được thức ăn và các nhu yếu phẩm khác. Gói hỗ trợ khắc phục dịch bệnh không được chính quyền cung cấp đủ. Rất nhiều người, đặc biệt là những người lao động nhập cư và lao động tự do, phải phụ thuộc nặng nề vào sự cứu trợ của mạng lưới cộng đồng, cả về thực phẩm cũng như dịch vụ y tế. Hàng trăm ngàn người tháo chạy khỏi Thành phố Hồ Chí Minh để về quê ngay sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng.

Tự do Biểu đạt, Tự do Chính kiến và Tự do Ngôn luận

Các nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị sách nhiễu, đe dọa, bắt giữ tùy tiện và cầm tù. Trong năm 2021, các tòa án Việt Nam đã xử ít nhất là 32 người có tội chỉ vì đăng các ý kiến phê phán chính phủ, rồi kết án họ nhiều năm tù giam. Công an đã bắt ít nhất là 26 người khác với các cáo buộc chính trị ngụy tạo.

Chính quyền thường xuyên vận dụng điều 117 bộ luật hình sự có nội dung hình sự hóa các hành vi “làm, lưu giữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước” để trừng phạt các nhà hoạt động xã hội dân sự. Tháng Giêng, một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh đưa các thành viên nổi tiếng của Hội Nhà báo Độc lập ra xét xử. Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đều bị kết luận có tội và bị kết án từ 11 đến 15 năm tù giam. Tháng Năm, một tòa án ở tỉnh Hòa Bình xử nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Cấn Thị Thêu và con trai bà Trịnh Bá Tư mỗi người tám năm tù giam. Vào tháng Bảy, một tòa án ở Hà Nội kết luận nhà văn Phạm Chí Thành có tội và xử ông năm năm sáu tháng tù giam. Nhà cầm quyền cũng kết án tù ít nhất 12 người khác vì vi phạm điều 117, trong đó có Đinh Thị Thu Thủy ở Hậu Giang (bảy năm); Vũ Tiến Chi ở Lâm Đồng (10 năm); Lê Viết Hòa, Ngô Thị Hà Phương và Nguyễn Thị Cẩm Thúy ở Khánh Hòa (lần lượt là năm, bảy và chín năm); Trần Thị Tuyết Diệu ở tỉnh Phú Yên (tám năm); Đặng Hoàng Minh ở Hậu Giang (bảy năm); Cao Văn Dũng ở Quảng Ngãi (chín năm); N.L.Đ. Khánh ở Đà Nẵng (bốn năm); Nguyễn Văn Lâm ở Nghệ An (chín năm); Trần Quốc Khánh ở Ninh Bình (sáu năm sáu tháng); và Nguyễn Trí Gioãn ở Khánh Hòa (bảy năm).

Công an bắt giữ nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh vào tháng Tư, blogger Lê Văn Dũng (bút danh Lê Dũng Vova) vào tháng Sáu, và cựu tù nhân chính trị Đỗ Nam Trung vào tháng Bảy, cũng vì bị cho là đã tuyên truyền chống nhà nước. Những người khác cũng bị bắt và giam giữ theo cùng điều luật nêu trên gồm có Lê Trọng Hùng, Nguyễn Duy Hướng, Nguyễn Bảo Tiên, Trần Hoàng Huấn, Bùi Văn Thuận, Nguyễn Duy Linh, Đinh Văn Hải và Lê Văn Quân. Nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Phạm Đoan Trang bị tạm giam hơn một năm mà không được gặp luật sư hay gia đình thăm gặp.

Năm 2021, các tòa án Việt Nam đã xử có tội và kết án ít nhất là 11 người trong đó có Lê Thị Bình, em gái cựu tù nhân chính trị Lê Minh Thể, về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 331 của bộ luật hình sự. Công an cũng bắt giữ ít nhất là 12 người khác theo tội danh nói trên, trong đó có các thành viên Báo Sạch, một nhóm nhà báo độc lập đấu tranh chống tham nhũng và lạm quyền. Tháng Mười, một tòa án ở tỉnh Cần Thơ kết án các thành viên Báo Sạch từ hai đến bốn năm rưỡi tù giam.

Không có tự do báo chí, cản trở tiếp cận thông tin

Chính quyền cấm các kênh báo chí độc lập hoặc thuộc sở hữu tư nhân, và áp đặt sự kiểm soát nghiêm ngặt đối với các kênh truyền hình và truyền thanh cũng như các nhà xuất bản. Nhà cầm quyền chặn đường truy cập một số trang mạng, thường xuyên đóng các blog và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet gỡ bỏ thông tin hay các tài khoản mạng xã hội bị cho là không chấp nhận được về chính trị.

Tháng Bảy năm 2021, báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin rằng Bộ Thông tin và Truyền thông khen ngợi Facebook và Google vì đã đáp ứng các yêu cầu từ phía chính quyền Việt Nam. Họ đưa tin rằng trong sáu tháng đầu năm 2021, Facebook đã gỡ 702 bài viết và tài khoản, còn Google đã gỡ 2.544 video và kênh YouTube “xuyên tạc về các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.” Chính quyền Việt Nam cũng đưa tin rằng Facebook đã đáp ứng tích cực được 97 phần trăm và Google được 98 phần trăm đối với các yêu cầu từ phía chính quyền, và thường thực hiện trong vòng 24 tiếng.    

Hãng tin Reuters đưa tin rằng Facebook cũng đã gỡ bỏ một số nhóm và tài khoản thân chính quyền Việt Nam vì đã “điều phối kế hoạch báo cáo nội dung đồng loạt.”

Facebook không bình luận gì về phát biểu nói trên của chính quyền Việt Nam, nhưng trong một lần trao đổi với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vào tháng Mười một năm 2021 ghi nhận rằng “chúng tôi có hạn chế một số nội dung ở Việt Nam để đảm bảo cho dịch vụ của mình được duy trì cho hàng triệu người cần sử dụng hàng ngày.” Google vẫn chưa hồi đáp lại yêu cầu bình luận của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tính đến thời điểm viết phúc trình này.

Trong năm 2021, nhà cầm quyền Việt Nam cũng đã phạt tiền hàng trăm người vì đã phát tán các tin tức bị chính quyền cho là sai lạc về dịch Covid-19 và cách thức xử lý dịch bệnh của chính quyền. Một vài người bị bắt vì đăng tải các thông tin bị cho là bịa đặt, bóp méo hoặc ngụy tạo.

Quyền tự do lập hội, nhóm họp và đi lại

Công đoàn độc lập, các tổ chức nhân quyền và đảng chính trị vẫn bị cấm. Những người cố gắng thành lập công đoàn hay các nhóm hội của người lao động bên ngoài cơ cấu đã được chính phủ phê chuẩn phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa và trả đũa từ phía nhà cầm quyền. Chính quyền Việt Nam quy định các cuộc biểu tình và tụ tập đông người phải được phê duyệt, và từ chối cấp phép một cách hệ thống đối với bất kỳ một cuộc gặp mặt, tuần hành hay nhóm họp đông người nào bị coi là không chấp nhận được về chính trị.

Chính quyền Việt Nam thường xuyên vi phạm quyền tự do đi lại dưới hình thức buộc các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động vì môi trường, những người bảo vệ nhân quyền và những người khác phải chịu quản chế tại gia với thời hạn tùy tiện, đe dọa, thậm chí bắt cóc để ngăn chặn không cho họ tham dự các cuộc biểu tình, các phiên tòa hình sự, gặp gỡ giới ngoại giao hay các sự kiện khác. Trong tháng Giêng, một số nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động trong đó có Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Thúy Hạnh, Đinh Đức Long, Trương Thị Hà, Trần Bang, Mạc Văn Trang và Nguyễn Thị Kim Chi cho biết họ bị quản chế tại gia trong kỳ Đại hội Đảng Cộng sản. Tháng Tám, trong thời gian Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tới thăm Hà Nội, ông Huỳnh Ngọc Chênh cũng bị an ninh Việt Nam quản chế tại gia.

Nhà cầm quyền Việt Nam ngăn chặn việc đi lại trong nước và ra nước ngoài của những người phê phán chính phủ, kể cả bằng cách chặn họ ngay tại sân bay hay từ chối cấp hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác theo quy định để họ đủ thủ tục xuất, nhập cảnh.

Tự do Tôn giáo

Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, bằng các quy định về đăng ký và theo dõi. Các nhóm tôn giáo phải được phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước kiểm soát. Dù nhà cầm quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ nhưng vẫn cấm các hoạt động tôn giáo bị tùy tiện quy kết là đi ngược lại với “lợi ích quốc gia,” “trật tự xã hội” hay “khối đại đoàn kết dân tộc” trong đó có nhiều hoạt động tôn giáo thông thường.

Công an Việt Nam giám sát, sách nhiễu và đôi khi dùng vũ lực đàn áp các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài hệ thống tôn giáo do nhà nước kiểm soát. Các nhóm tôn giáo không được công nhận, trong đó có một số nhóm Cao Đài, Hòa Hảo, Cơ Đốc giáo, và Phật giáo phải đối mặt với nguy cơ bị theo dõi liên tục, bị sách nhiễu và đe dọa. Tín đồ của các nhóm tôn giáo độc lập có thể bị đấu tố đông người, buộc từ bỏ đạo, giam giữ, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù.

Tháng Tám, một tòa án ở Gia Lai đưa Rah Lan Rah, Siu Chõn và Rơ Mah Thêm ra xử vì tham gia một nhóm tôn giáo độc lập không được chính quyền phê chuẩn, và kết án họ từ năm đến sáu năm tù.

Quyền của phụ nữ và trẻ em

Bạo hành đối với trẻ em, bao gồm cả lạm dụng tình dục, lan tràn ở Việt Nam, ở nhà cũng như ở học đường. Nhiều bài báo Việt Nam đưa tin về các trường hợp người giám hộ, giáo viên hay nhân viên các cơ sở nhà nước lạm dụng tình dục hoặc đánh đập trẻ em bằng tay chân hoặc thậm chí bằng roi gậy. Trong sáu tháng đầu năm 2021, giữa thời gian phong tỏa vì bệnh dịch, có tin tức về tình trạng gia tăng các vụ xâm phạm thân thể và tình dục đối với trẻ em ở Việt Nam.

Bệnh dịch cũng liên quan tới, có một phần trong năm 2021, tình trạng gia tăng bạo hành đối với phụ nữ, trong khi các tổ chức hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành theo giới tính đang chật vật cố gắng thích nghi và duy trì hoạt động hỗ trợ thời kỳ trong dịch bệnh.

Xu hướng tính dục và bản dạng giới

Trong vài năm gần đây, chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến khiêm tốn về công nhận quyền của những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT), trong đó có việc gỡ bỏ quy định cấm quan hệ đồng giới và đăng ký chuyển giới theo thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam chưa bổ sung các quy định công khai bảo vệ người LGBT. Các thanh thiếu niên LGBT Việt Nam phải đối mặt với nạn kỳ thị và bạo hành tràn lan, cả ở nhà và ở trường. Các huyền thoại hoang đường phổ biến về xu hướng tính dục và bản dạng giới, trong đó có niềm tin sai lệch rằng hấp dẫn tính dục đồng giới là một triệu chứng tâm lý có thể chẩn đoán và chữa trị được, rất phổ biến trong ngành giáo dục nói riêng và dân chúng nói chung.

Các đối tác quốc tế chủ chốt

Việt Nam tiếp tục cân bằng quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, và Hoa Kỳ, đối tác thương mại lớn thứ hai.

Các tranh chấp lãnh hải tiếp tục làm phức tạp mối quan hệ với Trung Quốc. Trong khi Việt Nam liên tiếp lên tiếng phản đối, Trung Quốc vẫn tiến hành các cuộc tập trận trên vùng biển có tranh chấp trong năm 2021. Tuy nhiên, trong các chuyến thăm cấp cao, quan chức hai đảng cộng sản công khai biểu dương tình hữu nghị và tình đoàn kết giữa hai bên.

Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục vững mạnh. Việt Nam đón Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris vào tháng Tám. Trong chuyến thăm, bà Harris có đề cập qua về nhân quyền. Hà Nội phóng thích hai tù nhân người Mỹ gốc Việt bị kết tội tham gia các nhóm chính trị bị chính quyền Việt Nam đặt ra ngoài vòng pháp luật và trục xuất họ về Mỹ trước khi bà Harris tới Việt Nam.

Trong khi đàn áp đang gia tăng ở Việt Nam, Ủy ban Liên Âu chưa làm gì để thể hiện được vị thế mạnh hơn đối với khả năng giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền với Hà Nội, vốn đã được ghi nhận trong Hiệp ước Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng Tám năm 2020. Tháng Giêng, cơ quan ngoại giao EU và Nghị Viện Liên Âu đã phản đối bản án nặng nề đối với nhà báo Phạm Chí Dũng, người bị giam giữ từ năm 2019 vì cố liên hệ với Nghị Viện Liên Âu trong bối cảnh EVFTA đang ở quy trình xét duyệt, cũng như đối với hai cộng sự của ông là Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Tháng Bảy, EU không công khai phản ứng việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ nhà báo Mai Phan Lợi và luật sư Đặng Đình Bách với các cáo buộc gán ghép khi họ đang tìm cách vận động cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập tham gia vào Nhóm Tư vấn Quốc nội (DAG) đã được quy định trong EVFTA.

Quan hệ song phương với Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển ngay cả khi một công dân Australia, ông Châu Văn Khảm, vẫn đang phải ngồi tù ở Việt Nam vì bị cho là liên quan tới một đảng chính trị hải ngoại bị chính quyền Việt Nam quy kết là bất hợp pháp.

Nhật Bản vẫn đang là nhà tài trợ song phương quan trọng nhất của Việt Nam. Cũng như các năm trước, Nhật Bản từ chối sử dụng đòn bẩy kinh tế để công khai kêu gọi Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền.

Nguồn: HRW


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam ứng cử vào Hội Đồng Nhân quyền LHQ: thảm hoạ cho Hội đồng Nhân quyền LHQ!

Phan Thanh Hung

VNTB – HRW kêu gọi Liên minh Châu Âu xem xét lại đối thoại nhân quyền với Việt Nam

Do Van Tien

BBC – Mỹ – Trung tranh đấu, Biden có bỏ quên nhân quyền ở Việt Nam?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo