Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bầu lớp trưởng

Út Sài Gòn

 

(VNTB) – Khi bầu nó làm lớp trưởng rồi mới thấy những điều nó hứa hẹn, hình như trật lất hết ráo.

 

Một câu chuyện nhỏ, không diễn ra tại xóm nhỏ của Út Sài Gòn. Chỉ là trong một lần vô tình, ngồi cà phê bệt ở góc một công viên, vô tình lắng nghe và nhớ lại…

– Biết vậy tao đã không bầu con Lê lên làm lớp trưởng rồi.

– Ủa, là sao? Lúc trước khi nó lên làm lớp trưởng, mày với mấy đứa học sinh giỏi khác ủng hộ nó lắm mà. Còn kêu nó lên làm lớp trưởng sẽ là một làn gió mới, một hơi thở mới, tốt hơn, trong lành hơn cho lớp mình mà.

– Thì tại vì tao lầm, tao cũng như mấy đứa khác bị nó gạt.

– Gạt sao? Học sinh trung bình, chữ nghĩa ít như tao còn không bị nó gạt thì mắc gì học sinh giỏi như mày?

– Mày đừng chọc quê tao. Tao đâu có biết nó có chiến thuật “vận động hành lang” tốt dữ vậy. Tới khi nó làm lớp trưởng rồi mới thấy những điều nó hứa hẹn, hình như trật lất hết ráo.

– Chọc quê con khỉ khô. Về học lực tao thua mày, về chữ nghĩa tao cũng không nhiều bằng mày, làm thơ tao cũng không làm được, viết văn cũng không xong. Nhưng tao biết tính con Lê ngay từ đầu rồi. Tại mày cố chấp với cái suy nghĩ của mày thôi, đổ hô cho ai.

– Lại dóc đi.

– Ai mà thèm nói dóc. Trước khi nó ứng cử vai trò lớp trưởng, thời cấp hai, nó cũng từng xài chiêu đó rồi. Tao có hai con nhỏ bạn thân, chị em ruột, tính tình cũng hơi dị đoan nên ngoài cái tên ra, tụi nó tự thêm một cái số, ngụ ý là lộc phát. Một đứa là Nhã 6 và một đứa là Ca 8…

– Rồi liên quan gì?

– Hấp tấp nữa rồi. Bình tĩnh bạn hiền. Như tao nói đó, cái thời cấp hai, tụi nó học chung với con Lê, cũng bị nó chơi cái chiêu y chang, rồi cũng lên được lớp trưởng, mấy năm trời luôn đó. Nên tụi nó rành tính tình con nhỏ này lắm. Lúc tụi bây ủng hộ nó lên lớp trưởng, nhớ lại đi. Tao có khuyên nên tỉnh táo, lắng nghe lời con Nhã 6 và con Ca 8 nói. Bình tĩnh mà phân tích, mà lựa chọn bầu con Lê hay không! Mà tụi bây có nghe đâu.

– Ờ mà sao lúc đó tao không nghe ta?

– Làm sao tao biết được? Chắc là do mày nghĩ mày là học sinh giỏi, biết nhiều, có đa tài hay sao đó!

– Chọc quê tao nữa hả? Tại tao bị nó dùng chiêu nó gạt tao thôi.

– Dân gian có câu, trâu không muốn uống nước, ai đè được đầu trâu? Chỗ bạn bè tao không nói nặng nhưng không thể đổ hết mọi lý do là do mình bị gạt là an ủi bản thân đâu. Nếu nói vậy, bài học từ những năm cấp hai của con Nhã 6 và con Ca 8 để ở đâu? Là một học sinh, một sinh viên, để đưa ra một kết luận phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu, tham khảo dẫn chứng rồi mới đưa ra đáp án cuối chớ.

– Mày nói cũng có lý.

– Thôi, chấp nhận đi. Số phận đã an bài, đừng cố gắng ngụy biện…

Út tui chợt mỉm cười. Một câu chuyện nhỏ của hai cậu, có thể là học sinh, chẳng đầu cũng chẳng đuôi nhưng đã để lại trong Út tui nhiều suy nghĩ. Ừ thì cũng đúng, trước khi đưa ra quyết định, cần phải suy xét cho rõ ràng, tường tận mọi thứ, cần nhất là lắng nghe.

Trong các thể loại của văn học dân gian, có đề cập đến khái niệm truyện ngụ ngôn. Truyện ngụ ngôn là truyện kể có thể kể bằng văn xuôi hoặc văn vần, có tính chất đối nhân xử thế, dùng cách ẩn dụ hoặc nhân hóa loài vật, con vật hay kể cả con người để thuyết minh cho một chủ đề luân lý, triết lý một quan niệm nhân sinh hay một nhận xét về thực tế xã hội hay những thói hư tật xấu của con người. Có một số truyện ngụ ngôn gây cười nhưng cũng ngụ ý bóng gió, kín đáo khuyên nhủ, răn dạy con người.

Câu chuyện nhỏ ở một góc nhỏ của một công viên nhỏ, nó cũng có thể, hoặc không thể, được xem như là một câu chuyện ngụ ngôn. Thôi thì cứ xem nó như một câu chuyện vui những ngày Tết sắp tới vậy…

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – In nổi dòng chữ trên mũ bảo hiểm để cảnh sát dễ nhận biết!?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bổ nhiệm tân thứ trưởng: thêm một “tướng” không chuyên ngành

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Thế nào là bung, là toang?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo