Trường Sơn
(VNTB) – Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương đang đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa khi hết thuốc tê
Tại bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, kháng sinh và thuốc tê là hai nhóm thuốc được sử dụng nhiều nhất. Thế nhưng, bệnh viện đang đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa khi thuốc tê chỉ còn đủ cho đến cuối tháng 9 này.
Hai tháng đi qua, quyền bộ trưởng Y tế đã làm gì?
Theo đó, tại bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, kháng sinh và thuốc tê là hai nhóm thuốc được sử dụng nhiều nhất. Với thuốc kháng sinh, bệnh viện vẫn đảm bảo đủ nguồn cung trong thời gian qua, không xảy ra thiếu hụt. Tuy nhiên với thuốc tê, nguy cơ hết thuốc đang hiện hữu.
Thuốc gây tê được chia làm 2 loại là chứa chất gây co mạch và chống gây co mạch. Loại thuốc tê có chứa chất gây co mạch có khả năng tê sâu hơn, nhưng lại có nhược điểm là gây tăng huyết áp. Vì thế, người bệnh bị tăng huyết áp, nhịp tim nhanh không chỉ định dùng loại này.
Với một số loại thuốc tê đã hết, bệnh viện phải thay thế bằng loại thuốc tê khác tính năng tương tự nhưng cũng rất khó. Bởi, hiện nay, theo các công ty dược, giấy phép chưa được gia hạn. Sắp tới, vấn đề cung ứng thuốc tế sẽ rất khó khăn.
Tại thời điểm ngày 17-9, trong kho dược của bệnh viện này chỉ còn 500 ống thuốc tê. Nhà cung cấp thuốc tê cho bệnh viện dự kiến sẽ cung cấp thêm 1.000 ống vào đầu tuần sau nhưng không chắc chắn.
Chi tiết hơn, trong thời gian vừa qua các công ty cung ứng thuốc tê có thông báo tới bệnh viện về tình trạng khan hiếm thuốc tế nồng độ Lidocaine 2%. Lãnh đạo bệnh viện đã chủ động, linh hoạt liên hệ với các nhà cung ứng thuốc tê khác cung cấp thuốc tê nồng độ Lidocaine 2% và artecaine 4% đắt hơn thuốc tê hiện tại đang dùng và dùng xen kẽ.
Theo các chuyên gia răng hàm mặt, miệng chứa nhiều đầu mút thần kinh cảm giác, cũng là nơi chứa nhiều niêm mạc nên rất nhạy cảm với bất kỳ can thiệp răng miệng nào. Vì vậy gây tê, đặc biệt là gây tê tại chỗ là một giai đoạn quan trọng nhằm giảm cảm giác đau đớn, giúp người bệnh sẽ thoải mái hơn khi bác sĩ thực hiện các thao tác trong quá trình điều trị các bệnh răng miệng; và có khoảng 23 dịch vụ tại bệnh viện Răng Hàm mặt Trung ương Hà Nội cần thuốc tê.
Trước đó, bệnh viện Bạch Mai đã có công văn gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) về việc đề nghị khẩn cấp nhập khẩu các thuốc thiết yếu cho điều trị. Theo thông tin từ bệnh viện Bạch Mai, một số loại thuốc chuyên khoa dùng cho một số bệnh đặc biệt như: Suy tuyến thượng thận, ngộ độc kim loại nặng… không có sẵn, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và khó khăn trong công tác cấp cứu, điều trị của bệnh viện.
Bệnh viện Bạch Mai đề nghị nhập khẩu 12 loại thuốc của 3 chuyên khoa gồm: Chống độc, tim mạch và nội tiết; trong đó, có 8 loại để điều trị chống độc như ngộ độc kim loại nặng, ngộ độc chì, ngộ độc cồn công nghiệp, ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat, sốc phản vệ…, và 4 loại thuốc điều trị nội tiết và tim mạch.
Vấn đề ở đây là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nghiêm trọng xảy ra trên toàn quốc từ tháng 4-2022. Tại Hà Nội, các bệnh viện thiếu vật dụng cơ bản như kim luồn và các thuốc điều trị ít gặp; TP HCM thiếu thuốc cục bộ tại một vài đơn vị như bệnh viện Thủ Đức, bệnh viện Chợ Rẫy. Ngoài nguyên nhân từ chậm gia hạn giấy đăng ký thuốc và ảnh hưởng từ đại dịch hai năm qua, quy trình đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư y tế gian nan được ghi nhận cũng tác động lớn đến nguồn cung thuốc.
Chuyện thiếu thuốc điều trị cũng không mới mẻ gì ở Việt Nam
Đầu năm 2018, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thông báo, Glivec là thuốc điều trị nhắm đích cho bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy – một dạng ung thư máu mạn tính. Thời điểm đó có hai nguồn cung cấp thuốc này là từ viện trợ và quỹ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên khi ấy, thuốc viện trợ tạm thời đang hết. Vì thế, để phục vụ nhu cầu điều trị của bệnh nhân, Viện Huyết học đã xin phương án điều chỉnh thuốc từ nguồn bảo hiểm y tế sang thuốc viện trợ. Dự kiến khi có thuốc viện trợ sẽ lại bù cho thuốc bảo hiểm y tế.
Trong thời gian chờ đợi, các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân ung thư máu dùng thuốc Glivec với liều ít hơn liều thường ngày. Cụ thể, một bệnh nhân ung thư máu trước đây dùng 3 viên Glivec một ngày, nay giảm còn hai, thậm chí một viên. Tình trạng thiếu thuốc Glivec viện trợ này cũng xảy ra tại một số cơ y tế khác ở TP.HCM.
Lúc đó sở dĩ có tình trạng trên được cho là từ vướng mắc nảy sinh khi nghị định số 54 của Chính phủ có hiệu lực vào ngày 1-7-2017. Theo đó, quy định hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo phải đầy đủ như một hồ sơ xin cấp giấy phép lưu hành sản phẩm. Việc thẩm định hồ sơ cũng phải thực hiện đúng trình tự và thời gian theo quy định. Do đó Novartis (Thụy Sĩ – nhà sản xuất thuốc Glivec) gặp khó khăn trong việc chuẩn bị, và cung cấp hồ sơ để xin phép nhập khẩu thuốc viện trợ, cũng như các vấn đề liên quan tính bảo mật.
Sau đó, gọi là “để tháo gỡ khó khăn”, Chính phủ đã đồng ý cho các cơ sở tiếp nhận thuốc viện trợ với hồ sơ nhập khẩu thực hiện theo quy định cũ. Nhờ vậy nên sau đó, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương được tiếp nhận 247.440 hộp Glivec, bệnh viện Chợ Rẫy 1.888 hộp, bệnh viện Ung bướu TP.HCM 1.603 hộp và bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP.HCM 4.804 hộp.
Hợp lý chứ không có nghĩa rẻ nhất
Tư cách là người trong cuộc, dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan – cựu phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong một tham luận đã nhìn nhận về khách quan, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều nhà máy trên toàn cầu bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy với cả hàng nhập khẩu lẫn hàng sản xuất trong nước khi nhập khẩu nguyên liệu.
Lượng bệnh nhân tăng sau dịch, việc dự trù thuốc của các bệnh viện căn cứ vào lượng sử dụng của năm 2021 nên hiện nay không đáp ứng kịp nhu cầu. Trong khi đó, để mua sắm thuốc theo gói thầu rộng rãi phải mất từ 3 đến 6 tháng.
Nguyên nhân chủ quan là tâm lý ngán ngại, lúng túng, sợ sai sót của nhân viên y tế trước những sự cố gần đây liên quan đến thanh kiểm tra, điều tra về đấu thầu, mua sắm.
“Tôi không ngạc nhiên trước tình trạng thiếu thuốc vì trong ngành đã nhiều lần phản ánh về bất cập trong cơ chế cung ứng, đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế. Có thể nói Covid-19 như giọt nước làm tràn ly, biểu hiện bằng thực trạng thiếu thuốc như hiện nay. Theo tôi, quan trọng nhất là nguyên nhân chủ quan, đặt ra vấn đề liệu những quy trình đấu thầu của chúng ta có phù hợp không, cần giải quyết tận gốc vấn đề.
Chúng ta đang đấu thầu theo hình thức các bệnh viện căn cứ vào số lượng tiêu thụ, danh mục thuốc hàng năm để lên kế hoạch mua sắm. Sau đó, mặt hàng giá rẻ nhất sẽ trúng thầu. Chính giá trúng thầu đó lại trở thành giá kế hoạch cho năm sau. Trong khi đó, nguyên lý của đấu thầu là giá trúng thầu không được cao hơn giá kế hoạch – có nghĩa là qua từng năm thì giá này sẽ thấp dần. Vậy, đến một lúc nào đó giá trị viên thuốc còn lại bao nhiêu?
Càng ngày, những công ty thuốc chất lượng tốt, giá cao sẽ càng không thể tham gia cuộc đua. Điều này cũng gây hại cho sự phát triển của công nghiệp dược, khó phát triển bền vững, bởi chúng ta không thể phát triển những mặt hàng chất lượng khi giá cả càng lúc càng phải rút xuống.
Lúc trước, Công ty VN Pharma trúng gói thầu cung cấp thuốc chữa ung thư tại hàng loạt bệnh viện lớn là nhờ tham gia vào gói thầu “những thuốc chất lượng cao và đưa ra giá thấp nhất”, nhưng sau này họ bị phát hiện là làm thuốc giả. Chưa kể, đấu thầu xong có thuốc rồi vài tháng sau địa phương khác trúng thầu rẻ hơn thì có khi bảo hiểm y tế lại áp theo giá rẻ hơn khiến bệnh viện rất bị động.
Tôi không cho là thuốc đắt thì tốt, nhưng tôi chắc chắn rằng thuốc rẻ sẽ kém chất lượng, và cuối cùng bệnh nhân sẽ là người gánh chịu thiệt thòi. Hiện nay, việc đấu thầu thuốc được chia theo từng nhóm thuốc, nhưng loay hoay một hồi cuối cùng trong từng nhóm cũng chọn thuốc rẻ nhất. Cùng một hoạt chất, thuốc của châu Âu, Mỹ thường giá sẽ cao hơn, chất lượng tốt hơn nên không thể cạnh tranh, trúng thầu với thuốc giá rẻ do các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ sản xuất.
Khi không có thuốc tốt, bác sĩ sẽ thiếu vũ khí điều trị bệnh nhân, nhất là những ca bệnh nặng. Chúng ta cũng chưa có những đánh giá, rằng thuốc rẻ vào bệnh viện bằng mọi giá thì có làm tăng ngày điều trị, làm bệnh nặng hơn hay không.
Điều này sẽ dẫn đến nghịch lý gì? Những thuốc giá thấp sẽ tập trung cho người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế, trong khi mặt hàng thuốc với chất lượng, giá cả hợp lý hơn thì hiện diện ngoài thị trường và người dân phải tự mua. Ở một mặt nào đó, việc này bào mòn ý nghĩa của bảo hiểm y tế, người dân sẽ nghĩ cứ thuốc rẻ, thuốc dở là thuốc bảo hiểm” – dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, biện giải.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất và cũng không là biện pháp tối ưu. Quan trọng, mục tiêu cuối cùng hướng đến là làm sao phục vụ người bệnh tốt nhất, lựa chọn những thuốc chất lượng nhất với giá cả hợp lý nhất. Hợp lý chứ không có nghĩa rẻ nhất.
1 comment
Thế người dân sắp phải nhổ răng bằng búa và đục à?