VNTB – Bi ca Phan Thị Khanh

VNTB – Bi ca Phan Thị Khanh

Định Tường

(VNTB) – Khúc bi ca về một vụ án mà kẻ giết người được nhà chức trách cho là… “hết thời hiệu” để khởi tố.

Bài viết này còn nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình về phát động cuộc thi “Tòa án ca”, với hy vọng thực tế vụ án sẽ là chất liệu để Hội Nhạc sĩ Việt Nam (đơn vị đồng tổ chức với Tòa án nhân dân tối cao)… thăng hoa âm nhạc “Tòa án ca” (*).

Xin được kể lại về khúc tráng ca của một hiếu tử đã dành hết thanh xuân của mình tìm kiếm công lý, để rồi kết cuộc hung thủ giết người được lôi ra ánh sáng, nhưng rồi ‘ai đó’ cho rằng không thể khởi tố vì… hết thời hiệu (?!).

Tại phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh Bình Thuận có một tập hồ sơ vụ án “Giết người, cướp của” đã ố vàng, mờ mực bởi được lưu trữ từ năm 1980. Hơn 40 năm sau, hồ sơ ấy đã được giở lại và… khép lại đầy khó hiểu cho cái chết của một người dân vô tội.

Một chiều muộn cuối tháng 7-1980, bà Phan Thị Khanh, trú tại thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải, nay là xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, đi làm rẫy rồi không về, người làng chia nhau đi tìm thì thấy bà Khanh đã chết với nhiều nhát chém chí mạng. Thời điểm ấy bà Khanh đang sống cùng mẹ đẻ và cậu con trai là Đỗ Thành An mới 7 tuổi.

Theo tài liệu lưu trong hồ sơ thì hiện trường vụ án ở đồi dốc rẫy phía Bắc giáp quốc lộ 1A, phía Nam chính là khu rẫy có suối, xung quanh hiện trường chính cỏ rậm rạp, bên cạnh có một lối mòn.

Trên thi thể nạn nhân có 5 vết chém. Theo gia đình nạn nhân cung cấp thì 5 chỉ vàng ta mà bà Khanh luôn bọc kỹ và mang theo bên người đã biến mất. Từ kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi và tài liệu điều tra thu thập được, Công an huyện Hàm Tân đã quyết định khởi tố vụ án hình sự số 103 ngày 1-8-1980 về tội  “Giết người, cướp của” để truy tìm hung thủ.

Công an địa phương giải thích chuyện căn cứ nghi vấn ông Võ Tê là thủ phạm vì nhà ông này ở gần hiện trường nhất. Thời điểm trước khi vụ án xảy ra, ông Võ Tê ra khỏi nhà, đi câu cá gần hiện trường. Sau khi phát hiện bà Khanh bị chém thì ông đến ngay hiện trường. Vì có nghề bốc thuốc, là “thầy lang” trong vùng nên ông Tê đã thực hiện các thao tác sơ cứu bà Khanh. Khi kiểm tra nhà thì thấy trên quần ông Tê có dính máu trùng với nhóm máu của nạn nhân. Từ những căn cứ này, lực lượng điều tra đưa ông Tê về trụ sở để làm việc.

Trong hồ sơ lưu trữ có bản tờ khai do ông Tê viết vào lúc 10g sáng ngày 16-8-1980, theo đó ông Tê thừa nhận vào chiều ngày 31-7-1980, ông có gặp bà Khanh trên rẫy, ông Tê đùa giỡn vài câu và bị bà Khanh phản ứng lại nên đã dùng cây rựa của chính bà Khanh quăng vào đầu bà rồi bỏ chạy về nhà.

Từ lời khai nhận tội này của ông Võ Tê, căn cứ vào Điều 5, Điều 8, Sắc lệnh số 3 ngày 15-3-1976 của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Công an huyện Hàm Tân đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam thời hạn 4 tháng đối với ông Võ Tê về tội danh “Giết người, cướp của”. Lệnh này được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hàm Tân phê chuẩn ngày 23-8-1980. Đến tháng 9-1980, vụ án được chuyển lên Phòng Cảnh sát hình sự – Ty Công an Thuận Hải để tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền.

Ngày 30-12-1980, Ty Công an Thuận Hải đã ban hành lệnh tha đối với ông Võ Tê, căn cứ theo Quyết định miễn tố số 15 ngày 29-12-1980 khi phát hiện ra những sai sót của cấp dưới, đã kịp thời sửa sai nhằm đảm bảo quyền lợi của công dân. Sau gần 5 tháng bị tạm giam, ông Tê đã được trả tự do.

Ngay sau khi ông Võ Tê được trả tự do, một cái tên khác được đưa vào diện nghi vấn. Đó là Trương Đình Chi, một người sống ngay cạnh nhà nạn nhân, đã vắng mặt bất thường chỉ ít ngày sau khi vụ án xảy ra. Lực lượng phá án đã cử các trinh sát đi tìm kiếm Chi khắp nơi, nhưng do những khó khăn về điều kiện giao thông và liên lạc vào thời điểm những năm 1980, nên những cuộc tìm kiếm thực sự như đáy bể mò kim.

Tại xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, một tổ trinh sát Ty Công an Thuận Hải đã tìm thấy dấu vết của Chi, lúc đó lấy tên là Trương Đình Khôi, nhưng thấy “động” nên Chi đã bỏ trốn. Những năm tháng sau đó, việc tìm kiếm Chi đều không có kết quả, nên đến ngày 20-7-1984, Phòng cảnh sát hình sự – Ty Công an Thuận Hải đã tạm đình chỉ điều tra vụ án.

Người con của nạn nhân là Đỗ Thành An đã chọn việc tự mình đi điều tra. Trên chặng đường tìm kiếm kẻ sát nhân đó, An nghe một người dân kể rằng Trương Đình Chi trước ở trong Sóc Trăng gần nhà bà, nhà nghèo xơ xác không có một đồng ăn, bán hết tài sản để về ngoài Bình Thuận kiếm sống. Bất ngờ là khi đi không có đồng nào nhưng khi trở lại lại mua hẳn một cái ghe. Một đêm không ngủ được, bà nghe hai vợ chồng Chi xì xầm nói chuyện. Bà đã tò mò vạch vách lá nhìn xem thì thấy vợ chồng Chi đang đếm vàng và tiền.

Với những thông tin chắp nhặt được từ nhiều nơi, An đã ngược trở ra Quy Nhơn, Bình Định rồi lại vào Xuân Lộc, Đồng Nai, ra miền Trung… với quyết tâm sắt đá phải tìm cho ra kẻ nghi vấn gây ra cái chết của mẹ.

Từ những thông tin mà Đỗ Thành An cung cấp, năm 1999, Công an tỉnh Bình Thuận đã ra thông báo tìm người có tên Trương Đình Chi đã đổi tên thành Lê Minh Sơn.

Thế nhưng oái oăm ở chỗ là sau khi xác định được hung thủ giết bà Phan Thị Khanh để cướp tài sản là Trương Đình Khôi (hay còn gọi là Trương Đình Chi, Lê Minh Sơn), Công an Bình Thuận đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án do hết thời hiệu, dẫn đến việc hung thủ không bị xử lý, sống nhởn nhơ thách thức pháp luật và sự đau khổ của gia đình nạn nhân và người bị oan sai…

Bi ca Phan Thị Khanh, quả là không quá lời ở đây phải không, kính thưa ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình?

_______________

Tham khảo:

(*) https://vietnamthoibao.org/vntb-my-hoc-trong-ca-khuc-ve-toa-an


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)