Phú Nhuận
(VNTB) – Sắp tới đây sẽ có những… “tòa án ca”. Và khi “nghệ thuật hóa – thăng hoa hóa” những câu chuyện chốn pháp đình
Đầu tháng 11-2023, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp tổ chức lễ phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về Tòa án nhân dân.
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) nhấn mạnh, trải qua gần 80 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong các giai đoạn lịch sử, TAND các cấp đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử, thực hiện quyền tư pháp, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; vững bước dưới lá cờ của Đảng, các Tòa án đã trưởng thành vượt bậc cả về tổ chức đội ngũ và trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực thơ ca – nghệ thuật, hình tượng người thẩm phán, cán bộ tòa án dũng cảm đấu tranh vì công lý, liêm chính và tận tụy phục vụ nhân dân, dường như chưa được quan tâm nhiều, chưa được đề cập và khắc họa rõ nét.
Để góp phần bồi đắp, làm giàu thêm kho tàng văn học – nghệ thuật về TAND; khắc họa đậm nét, mang hình ảnh người thẩm phán, cán bộ tòa án đến gần hơn nữa với nhân dân, TANDTC phối hợp Hội nhạc sỹ Việt Nam tổ chức Lễ phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về TAND. Qua cuộc thi sáng tác này nhằm ca ngợi, tôn vinh những cống hiến của tòa án và đặc biệt là đội ngũ thẩm phán.
Sắp tới đây sẽ có những… “tòa án ca”. Và khi “nghệ thuật hóa – thăng hoa hóa” những câu chuyện chốn pháp đình, nếu xét theo lăng kính mỹ học của cái đẹp – cái bi – cái hài – cái trác tuyệt, thì cần chấp nhận những ca khúc bi hùng tương tự như “Màu tím hoa sim”, tức thi phẩm “Khóc vợ” của Hữu Loan; chấp nhận “Áo bào thay chiếu/ anh về đất – Sông Mã gầm lên khúc độc hành” của Quang Dũng…, khi cái bi đạt đến độ rung cảm, tất cả đều là cái đẹp cần được sẻ chia.
Để tôn vinh những thẩm phán liêm chính, đòn bẩy sẽ là nói về những vị thẩm phán sẵn sàng đưa những oan án như: Trần Văn Thêm – người đã mang thân phận “tử tù” hơn suốt 40 năm; Nguyễn Thanh Chấn ngồi tù 10 năm đầy oan khiên khiến gia đình tan nát; Huỳnh Văn Nén một trong những nạn nhân hai vụ án oan trong suốt 18 năm tại Bình Thuận; Hàn Đức Long và những uẩn khúc chưa được làm rõ; Nguyễn Minh Hùng hai lần bị tuyên án tử hình tội vận chuyển trái phép 25 bánh heroin; Bùi Minh Hải – án oan tù chung thân vì chiếc đồng hồ đánh rơi;…
Mỗi phận người tù chịu oan án sẽ là chất liệu để làm nên giai điệu cho cái bi và cả cái hài của công lý. Và nếu sáng tác đạt đủ độ rung, nó sẽ là cái đẹp khi người ta có cái nhìn đa chiều về nền tư pháp ở Việt Nam qua đúng lý thuyết về mỹ học mà sinh viên nào cũng được học như là một tín chỉ bắt buộc ở bậc đại học.
Có lẽ giải thích rõ hơn về “cái bi” đang rất cần thiết trong ngành tòa án nhân việc ông Nguyễn Hòa Bình phát động cuộc thi sáng tác “tòa án ca”.
Trước hết, nói theo cách diễn giải của giáo trình đại học tại Việt Nam, thì cái bi là phạm trù mỹ học cơ bản chỉ sự thất bại hay cái chết của cái đẹp trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với lực lượng đối lập; là thắng lợi của lực lượng phản động, lạc hậu trước các lực lượng cách mạng, tiến bộ; là những hy sinh, tổn thất mà phía cách mạng phải gánh chịu trong cuộc đấu tranh với giai cấp lạc hậu.
Cái bi là sự xung đột giữa yêu cầu tất yếu về mặt lịch sử với việc không đủ khả năng thực hiện được yêu cầu đó trong thực tiễn. Bản chất thẩm mỹ của cái bi là sự xung đột dẫn đến mất mát đau thương.
Song, không phải mọi sự xung đột dẫn đến mất mát đau thương đều là cái bi. Cơ sở để xem xét việc nảy sinh cái bi là sự xung đột giữa yêu cầu tất yếu về mặt lịch sử với việc không đủ khả năng thực hiện được yêu cầu đó trong thực tiễn (C. Mác). Như vậy, những xung đột thông thường của đời sống không phải cơ sở nảy sinh cái bi.
Pháp chế xã hội chủ nghĩa luôn tự hào là “sự tôn trọng, tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh hiến pháp, pháp luật của các cơ quan, nhân viên nhà nước, của các tổ chức xã hội và mọi công dân”. Vậy thì khi những giai điệu da diết với các câu chuyện có thật từ oan án sẽ là cái bi chạm vào nỗi đau của mỗi trái tim, qua đó mỗi khi ngân nga, các vị thẩm phán sẽ tự răn mình… Điều này giống như những khúc quân hành của người lính thuở nào.
… Từ góc nhìn trên, người viết hoan nghênh TANDTC đã rất dũng cảm khi phát động “tòa án ca”; bởi đúng không, bi kịch làm trong sạch hóa những cảm xúc, và cảm xúc thẩm mỹ đối với cái bi vẫn là tình cảm tích cực của việc người thẩm phán cộng sản không hề tránh né sự thật…