Hoài Nguyễn
(VNTB) – Ca sĩ Thuỷ Tiên đã gửi đơn đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM phong tỏa tài khoản, kê biên 2 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại quận 1, quận 3 (TP.HCM) và cổ phần tại Công ty cổ phần Đại Nam do bà Hằng là chủ sở hữu.
Dường như cô ca sĩ Thủy Tiên thích ‘chơi nổi’ với những ý kiến tạo sốc.
Trong vụ án liên quan điều luật hình sự 331 của bà Nguyễn Phương Hằng, Giám đốc Khu du lịch Đại Nam, với tư cách ‘bị hại’, ca sĩ Thủy Tiên (tên đầy đủ Trần Thị Thủy Tiên), theo kết luận điều tra, vợ chồng ca sĩ này đã yêu cầu bà Hằng và đồng phạm bồi thường tổn thất về vật chất gần 31 tỷ đồng; và bồi thường tổn thất về tinh thần là 14,9 tỷ đồng.
Sau khi báo chí đăng tải kèm hình ảnh trích từ kết luận điều tra về số tiền bồi thường dân sự trên, hứng sự chỉ trích về những đòi hỏi quá đáng và không phù hợp pháp luật đó, phía ca sĩ Thủy Tiên lên tiếng đính chính rằng “yêu cầu bồi thường về tinh thần là 14,9 triệu đồng, khi vụ án còn ở giai đoạn Công an tỉnh Bình Dương giải quyết; và bồi thường tổn thất về vật chất là gần 31 tỷ đồng”.
Mới đây, nữ ca sĩ này đã gửi đơn đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM phong tỏa tài khoản, kê biên 2 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại quận 1, quận 3 (TP.HCM) và cổ phần tại Công ty cổ phần Đại Nam do bà Hằng là chủ sở hữu.
Mục đích của yêu cầu trên là để đảm bảo cho việc thi hành án.
Về vấn đề này, một nguồn tin riêng cho biết phía Viện kiểm sát đã nhận được đơn của ca sĩ Thủy Tiên nhưng hướng xử lý thế nào thì chưa được công bố.
Phiên tòa hình sự sơ thẩm chưa diễn ra, và căn cứ nào để quy kết là bà Hằng cùng các đồng phạm sẽ nhận phần bản án dân sự về đền bù thiệt hại đúng như số tiền bạc tỷ mà ‘bị hại’ Trần Thị Thủy Tiên yêu cầu?
Nhiều khả năng các tin tức liên quan bạc tiền này là một chiêu trò mang tính đánh bóng hình ảnh của giới giải trí.
Căn cứ vào Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về kê biên tài sản như sau:
Kê biên tài sản
1. Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.
2. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh kê biên tài sản. Lệnh kê biên của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.
3. Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Theo quy định trên thì chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Vì vậy, không được kê biên tài sản lớn hơn mức bị can, bị cáo có thể bị phạt tiền.
Một lưu ý rằng các tài sản được đề nghị kê biên nêu trên, cần được làm rõ là thuộc quyền sở hữu độc lập của cá nhân bà Nguyễn Phương Hằng, hay là đồng sở hữu theo pháp luật về thừa kế, pháp luật về hôn nhân gia đình? Ngoài ra cũng cần biết rằng cho đến nay pháp luật chưa có quy định riêng về thủ tục kê biên tài sản thuộc sở hữu chung.
Ngoài ra cho đến nay chưa ghi nhận về một án lệ nào cho thắc mắc có tổn thất dân sự trong vụ án liên quan điều luật hình sự 331 hay không trong yêu cầu đền bù?