Nguyễn Thiện Nhân (VNTB) “138 hộ dân trong dự án xây nhà ở cao tầng Lô 13-14 tại phường 22, quận Bình Thạnh, Tp.HCM bị giải tỏa đền bù không thỏa đáng. Chênh lệch giữa giá trị thực tế so với giá đền bù là rất lớn. Hàng trăm tỷ chênh lệch đã chui vào túi quan chức và Công ty cổ phần đầu tư Vinh Phát – chủ đầu tư dự án kinh doanh béo bở này”.
138 hộ dân trong dự án xây nhà ở cao tầng Lô 13-14 tại phường 22, quận Bình Thạnh, Tp.HCM bị giải tỏa đền bù không thỏa đáng. Chênh lệch giữa giá trị thực tế so với giá đền bù là rất lớn. Hàng trăm tỷ chênh lệch đã chui vào túi quan chức và Công ty cổ phần đầu tư Vinh Phát – chủ đầu tư dự án kinh doanh béo bở này.
Người dân bị đẩy ra đường khi chưa tái định cư
Khi chủ đầu tư thông đồng với quan chức, hàng trăm người dân bị đẩy ra đường oan ức. Giống như những dự án “cướp đất” khác, quan chức sẽ lại lí luận rằng “đa số người dân đã đồng ý nhận tiền đền bù, chỉ có một số ít chống”, với cái cớ này chính quyền đã tổ chức cưỡng chế những hộ không chịu di dời để giao đất cho chính quyền. Tại sao đa phần người dân lại chịu thua thiệt như vậy? Chính là vì quan chức đã dùng thủ đoạn gây áp lực để người dân sợ hãi, mệt mỏi, chán nản, nuốt cay đắng ký chấp nhận bởi họ cảm thấy rằng càng chống càng thua thiệt.
Chính quyền Quận Bình Thạnh đã lập ra cái gọi là “Ban vận động” đi từng nhà để thuyết phục các hộ dân nhận tiền đền bù. Cán bộ MTTQ, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Chi bộ đảng, Công an lại đi tham gia “Ban vận động”, kéo dài năm này qua năm khác. Tâm lý tránh va chạm với chính quyền nên cho dù bị thiệt thòi, nhiều hộ dân vẫn cắn răng ký chấp nhận để khỏi phải lâm cảnh “kiến kiện củ khoai”, tiền mất tật mang. Cụ thể ở dãy B khu nhà liên kế (giáp cao ốc Sai Gon Pearl) đường Nguyễn Hữu Cảnh có 30 hộ, sau khi bị “Ban vận động” lên xuống làm việc kéo dài nhiều năm khiến nhiều hộ chán nản nghĩ rằng “không thể thắng được chính quyền”, nên đã có 18 hộ đồng ý di dời, còn 12 hộ trụ lại, đến gần ngày cưỡng chế, tiếp tục có 8 hộ nữa ngậm ngùi đồng ý di dời, chỉ còn 4 hộ bị chính quyền đem lực lượng hàng trăm người xuống cưỡng chế ngày 15/12/2015. Hiện tại, 30 căn nhà đã bị san bằng, chỉ còn bãi đất trống bị chính quyền rào lại.
Video lực lượng hàng trăm người kéo đến nhà dân cưỡng chế nhà đất ngày 15/12/2015
4 hộ dân bị cưỡng chế gồm: Lê Văn Chính, Nguyễn Văn Ân, Nguyễn Thị Cứng, Trần Công Hoàng
Ông Nguyễn Văn Ân và vợ ông (bà Huệ) đều là con của liệt sĩ, gia đình có công cách mạng. Xung quanh dãy nhà bị cưỡng chế trong đó có nhà đất của gia đình ông Ân là những cao ốc. Một căn hộ 50m2thuộc chung cư cao tầng Sai Gon Pearl kế cạnh nhà ông giá khoảng 2,5 tỷ đồng. Đất nhà ông có giá thị trường năm 2015 từ 80-100 triệu/m2 nhưng gia đình ông chỉ được đền bù 1,26 tỷ đồng cho toàn bộ 227,5m2, không đủ để tái định cư nên ông không chấp nhận.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VNTB, ông cho biết: “Theo chỉ đạo từ Trung ương hay quốc hội nói rằng bồi thường đất cho dân phải bằng hoặc hơn chỗ ở hiện tại, bây gờ chúng tôi không được bằng cũng không được hơn. Với giá đền bù như vậy so với thị trường hiện tại, chúng tôi không thể nào tìm mua một miếng đất hay căn nhà để tái định cư được. Từ ngày 15/12/2015 đến nay, chúng tôi sống trong lo âu, sợ sệt, không ổn định tinh thần, đồ đạt thì hư hao mất mát, nay ở đây, mai ở kia. Chúng tôi bị chính quyền Bình Thạnh và Phường 22 vi phạm trắng trợn quyền công dân, khủng bố tinh thần chúng tôi, ăn không ngon ngủ không yên, chúng tôi không biết sống ra sao. Chúng tôi rất bức xúc, bây giờ không biết phải làm sao”.
Bản thân bà Nguyễn Thị Huệ bị Chi bộ đảng phường 22 gọi lên đòi kiểm điểm với lý do không chấp hành giao nhà đất cho chính quyền và đi kêu oan, khiếu kiện. Bà Huệ cho biết chính quyền làm sai, gia đình bà chưa có chỗ tái định cư, chưa nhận tiền đền bù vì không thỏa đáng nên không thể di dời.
Căn cứ pháp lý
Theo kế hoạch ban đầu, dự án xây nhà ở cao tầng Lô 13-14 có diện tích 13.070m2 là “giai đoạn 2” của qui hoạch tổng thể 42.897m2 đã được chính phủ phê duyệt.
Năm 2001, chính phủ ký quyết định 247/QĐ-TTg để thực hiện “giai đoạn 1”, thu hồi 29.827m2. Đến nay, giai đoạn 1 đã thực hiện một phần và UBND Tp.HCM đã có quyết định số 5710/QĐ-UBND ngày 06/11/2015 thu hồi dự án, chấm dứt thực hiện quyết định 247/QĐ-TTg.
Ngày 18/06/2003 UBND Tp.HCM ra quyết định số 2720/QĐ-UB giao 13.070m2 đất cho Công ty TNXP để thực hiện dự án xây dựng nhà ở cao tầng.
Sau gần 3 năm kể từ khi ban hành quyết định 2720/QĐ-UB, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa triển khai thì ngày 02/04/2007, UBND Tp.HCM ra quyết định 1365/QĐ-UB điều chỉnh quyết định 2720/QĐ-UB, thay đổi chủ đầu tư, giao dự án xây dựng nhà ở cao tầng cho Công ty Vinh Phát làm chủ đầu tư.
Như vậy, theo pháp luật, việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án xây dựng nhà ở cao tầng Lô 13-14 được thực hiện theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP của chính phủ (qui định tại Khoản 2 Điều 50 của Nghị định 197/2004/NĐ-CP), nghị định này căn cứ Luật đất đai 2003.
Tất cả 60 hộ dân ở 60 gian nhà (2 dãy) được Công ty Xáng Trục Vớt (Bộ GTVT) cấp từ năm 1978-1987 (có giấy cấp cho mỗi hộ). Mỗi hộ được cấp gồm căn nhà và phần đất phía sau, nguồn tiền xây dựng 60 gian nhà này từ quỹ phúc lợi của Công ty Xáng Trục Vớt. Vào năm 1999 các hộ đã thực hiện đăng ký nhà đất và được UBND Phường xác nhận.
Căn cứ Khoản 6 Điều 8, Nghị định 197/2004/NĐ-CP, 60 hộ dân này thuộc trường hợp được bồi thường đất khi bị thu hồi.
Khoản 6 Điều 8 Nghị định 197/2004/NĐ-CP qui định về trường hợp được bồi thường đất: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất đó không có tranh chấp”.
Giá đất để tính bồi thường theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định 197/2004/NĐ-CP: “Giá đất để tính bồi thường là giá đất theo mục đích đang sử dụng tại thời điểm có quyết định thu hồi đất do ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố theo quy định của Chính phủ; không bồi thường theo giá đất sẽ được chuyển mục đích sử dụng”.
Chính quyền vi phạm pháp luật, ức hiếp dân
UBND Quận Bình Thạnh đã không thực hiện bồi thường, tái định cư đúng theo qui định của pháp luật, cụ thể như sau:
+ Theo kế hoạch, dự án xây dựng khu nhà ở cao tầng Lô 13-14 là “giai đoạn 2” có diện tích 13.070m2, thuộc một dự án lớn do chính phủ phê duyệt có tổng diện tích 42.897m2. Lẽ ra “giai đoạn 2” chỉ được thực hiện khi hoàn tất “giai đoạn 1” để đảm bảo có đất “tái định cư” cho các hộ dân di dời ở cả 2 giai đoạn. Nhưng chính quyền Tp.HCM lại cho thực hiện “giai đoạn 2” khi chưa xong “giai đoạn 1”, đáng chú ý là khu tái định cư ở “giai đoạn 1” chưa thực hiện, chưa có hộ nào nhận đất tái định cư thì đã bị thu hồi dự án, không thực hiện nữa!
Vì thế dự án xây dựng khu nhà ở cao tầng Lô 13-14 về bản chất không phải là “giai đoạn 2” của dự án 42.897m2 do chính phủ phê duyệt. Thực chất, dự án xây dựng khu nhà ở cao tầng Lô 13-14 chỉ là một dự án kinh doanh bất động sản thông thường do UBND Tp.HCM phê duyệt mà thôi. Do đó, lẽ ra UBND Tp.HCM không được đứng ra thu hồi đất và áp đặt giá bồi thường mà phải để chủ đầu tư (Công ty Vinh Phát) thỏa thuận với dân mức giá bồi thường. Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa bao giờ xuất hiện để thương lượng với dân.
Quan chức đã cố tình tạo ra sự nhập nhèm để bắt tay chủ đầu tư đẩy hàng trăm hộ dân ra đường. Một hình thức “cướp đất” đã và đang diễn ra. Chủ đầu tư dự án béo bở này trở thành kẻ đứng sau quan chức thực hiện hành vi cướp. Dân từ thua đến thua. Tài sản của dân chảy vào túi quan tham và đại gia kinh doanh bất động sản. MTTQ, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, chi bộ đảng phường 22 và hàng trăm công an đã trở thành công cụ cho quan chức thực hiện hành vi cướp vô nhân đạo.
+ Chính quyền chỉ đền bù 60% phần diện tích đất nhà ở, không đền bù phần đất nông nghiệp, vi phạm Khoản 6 Điều 8, Nghị định 197/2004/NĐ-CP. Phần diện tích đất nông nghiệp được cấp trước 15/10/1993, theo qui định phải được bồi thường, nhưng dân bị mất trắng phần đất này, nó bị tịch thu giao cho chủ đầu tư kinh doanh siêu lợi nhuận, tất nhiên quan chức sẽ được chia phần.
Giá bồi thường đất nông nghiệp trong thành phố được qui định tại khoản 1 và 2 Điều 10 Nghị định 197/2004/NĐ-CP như sau:
Điều 10. Bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân
1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng; nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền tính theo giá đất cùng mục đích sử dụng quy định tại khoản 1 Điều 9 của Nghị định này.
2. Đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, đất vườn ao liền kề với đất ở trong khu dân cư, ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp cùng mục đích sử dụng còn được hỗ trợ bằng tiền; giá tính hỗ trợ từ 20% đến 50% giá đất ở liền kề; mức hỗ trợ cụ thể do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phù hợp với thực tế tại địa phương
Nhà đất ông Ân có tổng diện tích 227,5m2, được cấp từ năm 1979 nhưng chỉ được bồi thường 53m2(60% x 53m2 x 31.000.000đ/m2), phần đất nông nghiệp phía sau nhà vẫn không được bồi thường. Ông Ân bức xúc: “Phương án bồi thường không phù hợp với Luật đất đai vì nhà chúng tôi ở từ năm 1979 được xác nhận của địa phương, khi bồi thường thì Ban bồi thường áp đặt cái giá chỉ có 60% trên 31 triệu đồng một mét vuông, tổng diện tích bị thu hồi là 227,5m2, bồi thường chỉ 53m2, phần còn lại chỉ hỗ trợ. Bồi thường toàn bộ chỉ được 1,2 tỷ đồng, giá thị trường hiện là 100 triệu đồng/m2, giá thị trường gấp hơn mười lần giá bồi thường”.
Video phỏng vấn ông Nguyễn Văn Ân
Trong ““phiếu chiết tính chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư” ngày 14/06/2011 mà Ban bồi thường gửi cho hộ ông Ân có nội dung truy thu tiền thuê nhà 11.361.610 đồng. Ông Ân cho rằng không hợp lý vì nhà của ông là nhà được giao chứ không phải thuê, trong giấy đăng ký nhà đất 1999 có ghi: “nhà cấp xong thuộc quyền sở hữu của người được cấp”. Mặt khác, nhà được xây từ quỹ phúc lợi của công ty và cấp cho nhân viên thì tại sao công ty không thu tiền mà chính quyền lại truy thu? Trong văn bản công ty gửi cho Quận Bình Thạnh, công ty đã từ chối tham gia quá trình và yêu cầu Quận Bình Thạnh “không nên dùng kiểu mệnh lệnh hành chính”, điều này cho thấy chính quyền làm việc ách trắc, gây phiền hà cho dân.
+ Năm 2011 thông báo chiết tính chi phí bồi thường dựa trên giá đất trong phương án phê duyệt năm 2009 là không hợp lý, vi phạm Khoản 2a Điều 9 Nghị định 197/2004/NĐ-CP, qui định trường hợp thực hiện bồi thường chậm: ”Bồi thường chậm do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra mà giá đất tại thời điểm bồi thường do ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường; nếu giá đất tại thời điểm bồi thường thấp hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi”.
Ông Ân cho biết giá bồi thường căn cứ vào quyết định số 2588/QĐ-UBND ngày 15/4/2009, thực tế quyết định này dựa trên giá thẩm định 2007. Mãi đến năm 2011, Ban bồi thường mới gửi “chiết tính chi phí bồi thường, hỗ trợ…” cho ông. Như vậy việc chậm trễ là do chính quyền. Giá đất năm 2011 cao hơn giá năm 2009, và cao hơn nhiều giá 2007. Vì vậy giá bồi thường phải được tính vào thời điểm công bố. Năm 2011, Ban bồi thường áp giá theo phương án được duyệt năm 2009 cho dân là sai qui định của chính phủ.
Giá bồi thường cho ông Ân đất thổ cư là 60% x 31 triệu đồng/m2 = 18,6 triệu đồng/m2 trong khi giá 2011 cao hơn rất nhiều, giá thị trường cuối 2015 đã lên đến 80-100 trđ/m2. Hiện ông Ân chưa nhận tiền bồi thường, ông yêu cầu phải tính lại giá bồi thường cho ông theo giá thực tế tại thời điểm hiện tại.
+ Không bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất.
Theo qui định tại Khoản 1a Điều 37, Nghị định 197/2004/NĐ-CP thì “người bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở” có quyền “đăng ký đến ở nơi tái định cư bằng văn bản”. Nhưng UBND Quận Bình Thạnh đã tước của dân quyền này. Hàng trăm người sẽ không có chỗ ở, số tiền bồi thường không đủ cho họ mua đất cất nhà nơi khác trên địa bàn phường. UBND Quận Bình Thạnh thực hiện cái gọi là “tái định cư” cho dân bằng cách giới thiệu cho dân mua nền đất theo giá thị trường ở các dự án khác, quan chức làm chỉ để đối phó qui định của pháp luật, quyền lợi của dân thực tế bị tước đoạt một cách tinh vi.
Khoản 1 Điều 13 Nghị định 197/2004/NĐ-CP qui định: “Người sử dụng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở được bồi thường bằng giao đất ở mới, nhà ở tại khu tái định cư hoặc bồi thường bằng tiền theo đề nghị của người có đất bị thu hồi và phù hợp với thực tế ở địa phương”. Tuy nhiên, chính quyền Quận Bình Thạnh không giao đất ở mới, cũng không “bồi thường bằng tiền theo đề nghị của người có đất bị thu hồi” như pháp luật đã qui định.
Kết luận: Người dân bị thu hồi đất ở dự án xây dựng nhà ở cao tầng Lô 13-14 bị thiệt thòi, mất quyền lợi do sự sai trái của quan chức chính quyền, dẫn đến bức xúc và khiếu kiện, mất niềm tin. Những công dân của thành phố bỗng dưng biến thành dân oan mất đất, đang kêu cứu, yêu cầu chính quyền xem xét, giải quyết lại theo đúng pháp luật. Hãy trả lại công bằng cho dân, giải quyết cho dân có chỗ ở để dân an tâm sinh sống.