Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bố thí mùa Vu Lan và nhân – quả của chế độ

Nguyễn Ngọc Tâm

(VNTB) –  Theo nghĩa nhân – quả, có lẽ với những chính khách đương quyền thì mùa Vu Lan, họ cần trả tự do cho tù chính trị, như một cách “bố thí” thiện lành cho chế độ.

 

“Tháng Bảy mùa Thu lá rụng vàng/ Ấy mùa nhân loại đón Vu Lan”. Đây không chỉ là một nghi lễ Phật giáo mà còn là nét đẹp trong văn hóa Việt, là dịp để mọi người thể hiện lòng hiếu thảo, làm việc thiện.

Những Pháp thoại mùa Vu Lan kể rằng, Mục Kiền Liên Bồ tát (một trong những đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni) đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) nhờ tấm lòng hiếu thảo của mình.

Chuyện kể rằng khi mẹ của ngài là bà Thanh Đề mất đi, ngài đã dùng thần lực tìm kiếm khắp nơi xem bà đang ở đâu. Không ngờ, ngài nhìn mẹ mình đang bị đày thành ngạ quỷ, đi lang thang khắp nơi, cực khổ, đói khát bởi đây là quả báo từ những việc ác trước đây của bà. Quá đau lòng, Mục Kiền Liên liền dùng phép biến ra cơm đưa tới cho mẹ nhưng tiếc thay những thức ăn ấy đều bị hóa thành lửa.

Ngài Mục Kiền Liên vội vàng đến bạch Đức Phật để tìm cách cứu mẹ. Đức Phật chỉ dạy rằng vào ngày rằm tháng Bảy chính là ngày Tự tứ, là lúc chư tăng vừa hoàn thành an cư kiết hạ, thần lực mạnh mẽ, Mục Kiền Liên cần sắm sửa đủ đầy lễ vật, món ăn chay được đựng trong bình bát thanh tịnh để cúng dường Tam Bảo và chư tăng mười phương, nhờ các vị ấy cùng cầu nguyện cho mẹ.

Ngài Mục Kiền Liên đã dùng tấm lòng thành của mình và thực hiện việc cúng dường. Nhờ công đức đó, mẹ của ngài đã được giải thoát. Phật dạy rằng tu trăm hạnh vạn hạnh mà chưa tu hạnh hiếu thì chưa phải là tu. Kể từ đó, lễ Vu Lan (hay còn gọi là Pháp Vu Lan Bồn) ra đời để những người con có dịp bày tỏ lòng tri ân đến cha mẹ, tổ tiên, rộng hơn là “Tứ đại ân” gồm có ơn cha mẹ, ơn Trời Đất, ơn quốc gia và ơn chúng sinh.

Đó là truyện cổ Phật giáo. Nếu liên tưởng đến vấn đề “trị nước – an dân”, khi mà vào các dịp lễ trọng quốc gia, người ta vẫn thường thấy ân xá phạm nhân, vậy thì mùa “xá tội vong nhân” tháng Bảy âm lịch, vì sao không được “vận dụng” theo nghĩa “mở lòng” cho chấp nhận việc “dừng kết tội” với những người bị kết án liên quan đến “quyền tự do biểu đạt chính trị” – tức một dạng của “tù chính trị”.

Hiện nay, thuật ngữ chính trị phạm này không còn được sử dụng. Những người hoạt động được chính quyền gọi là “phản cách mạng” và phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia khi bị kết án được gọi là người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia…

Tuy không còn sử dụng thuật ngữ “chính trị phạm”, nhưng giới học thuật đều nằm lòng phần lý thuyết ở đây là: “Tù nhân chính trị hay phạm nhân chính trị, chính trị phạm là một người bị giam giữ trong nhà tù hay quản thúc tại gia do hình ảnh hay chánh kiến, hành động của người này bị chính quyền xem là đe dọa, hay thách thức đến quyền lực của chính quyền hay an ninh và chủ quyền quốc gia.

Đây cũng là trường hợp một phạm nhân chính trị bị giam giữ nhưng không qua xét xử công khai theo đúng thủ tục pháp lý. Một tù phạm chính trị cũng có thể là tù nhân lương tâm bị tước quyền tại ngoại hầu tra có bảo lãnh và quyền được tha theo lời hứa danh dự. Trong nhiều án, tòa án sẽ đưa ra các chứng cứ ngụy tạo để che giấu tính chất chính trị của vụ án để tránh bị trong quốc tế và trong nước quốc gia đó lên án là vi phạm nhân quyền và đàn áp những người bất đồng chính kiến”.

Trước tháng 4-1975, sở dĩ chính trị phạm bị xử nặng vì đơn giản đây là những cá nhân thuộc các tổ chức có vũ trang nhằm đến mục đích lật đổ chế độ. Hiện tại thì “xâm phạm an ninh quốc gia” như cáo buộc của điều luật hình sự số 117, thì chỉ là việc người đó bày tỏ chính kiến với những lập luận không đồng ý, hoặc phản bác, chỉ trích, lên án và đề xuất giải pháp xử trí với nhà cầm quyền đương thời về vấn đề cụ thể nào đó.

Vì pháp luật đương thời không cho phép người dân chỉ trích, chê bai, đả kích chính quyền nên những bày tỏ chính kiến dễ bị kết tội hình sự. Và điều thiếu hợp lý này, theo triết lý nhân – quả, sẽ là ngấm ngầm gây ra những bất mãn tiềm tàng không chỉ trong cộng đồng, mà ngay cả ở nội bộ đảng cầm quyền.

Như vậy, khi “bố thí” qua việc “không chấp nhất nữa về những ý kiến đả kích” để trả tự do cho các tù nhân chính trị sau khi họ đã phải trải qua thời gian tù đày của đợi chờ phiên xét xử sơ thẩm đến phúc thẩm, cũng như thi hành án sau đó… vào mùa Vu Lan, thì điều này có lẽ tạo thêm thiện lành trong tương lai của đảng chính trị đó.

Bởi, theo Từ điển Phật học Huệ Quang: “Bố là lấy của cải của mình phân phát cho người khác; thí là đem lòng của mình lo lắng cho mọi người”. “Bố thí” đơn giản là mở lòng ra đối với mọi người xung quanh, là điều kiện tất yếu vượt qua tập khí tham chấp, khổ đau.

Vậy thì khi cả người đứng đầu đảng cho đến Quốc hội đều “lễ bái” đúng ngày giỗ chạp, Tết nhứt ở nơi thờ cúng tại nhà số 67, Phủ Chủ tịch, và nhiều quan chức cũng nhang khói như hình ảnh đăng trên báo chí nhà nước, thì chuyện nhân – quả chế độ qua việc “mở lòng” này, có lẽ là điều phải nên nghĩ đến cho kế sách an dân bền vững.


Tin bài liên quan:

RFA- Tù chính trị Nguyễn Đoàn Quang Viên suy kiệt sức khoẻ ở Trại giam Gia Trung

Do Van Tien

VNTB – Xuân Lộc và lương tâm

Phan Thanh Hung

VOA – Gia đình nói các tù nhân chính trị ở Việt Nam tuyệt thực tập thể để phản đối ngược đãi

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.