(VNTB) – Bộ trưởng Tài chính cố tình ‘không thuộc bài’

(VNTB) – Bộ trưởng Tài chính cố tình ‘không thuộc bài’

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Vì ‘không thuộc bài’ nên ông mới ‘giao’ chuyện giá xăng sang cho ông Bộ trưởng Công thương.

 

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói trước bá quan văn võ nghị trường Quốc hội: “Thời gian tới, chúng tôi đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95, giao toàn diện vấn đề xăng dầu về cho Bộ Công Thương, kể cả quyết định giá và chi phí định mức để đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động”.

Sở dĩ gọi là ‘không thuộc bài’ vì Luật Giá 2012 quy định, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá. Nghị định 87 năm 2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính cũng phân công Bộ tài chính thực hiện “nhiệm vụ và quyền hạn” về giá.

Xin trở lại một chút với câu chuyện từ năm 2013.

Nhà báo Hoàng Tư Giang kể, một ngày cuối năm 2013, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận được một câu hỏi của cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển: “Quy luật chính của kinh tế thị trường là gì?”. Ông Thiên, sau một hồi suy nghĩ, đáp ngắn gọn “cạnh tranh”.

Ông Tuyển cần làm rõ ý này vì đang chuẩn bị bản thảo “thông điệp đầu năm mới” của Thủ tướng. Tuy nhiên, những cuộc thảo luận trước đó làm ông băn khoăn vì nhiều người nói quy luật đó là quy luật cung – cầu.

Song, ông Tuyển có vẻ không thông: “Tôi nghĩ cung – cầu là quy luật của một nền sản xuất hàng hóa chứ không phải là kinh tế thị trường. Tôi vẫn nghĩ đó phải là quy luật lợi nhuận và cạnh tranh. Quy luật kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng phải là cạnh tranh”.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh thêm: “Chúng ta chưa bao giờ xác định được thế nào là định hướng xã hội chủ nghĩa để xem Nhà nước có thể can thiệp đến đâu. Rút cuộc là Nhà nước đã trở nên ôm đồm, không có luật chơi, không có định hướng”.

Góc nhìn khác cũng liên quan “định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trên báo chí đưa tin, đến tháng 10-2022, y tế cả nước đã chi hết 96.532 tỷ đồng, và quỹ bảo hiểm y tế đã thanh toán 84.038 tỷ đồng. Trong khi quỹ của cả năm chỉ có 110.000 tỷ.

Để bảo vệ quỹ, bảo hiểm y tế phải làm rất nhiều cách. Đầu tiên, thuốc và vật tư y tế phải mua rẻ, thậm chí là rẻ nhất, để cho cùng một đồng tiền có thể chữa được cho nhiều người hơn. Nhiều nhân viên y tế than vãn về “y tế giá rẻ”, nhưng về pháp lý thì nên biết rằng thuốc dù rẻ đi chăng nữa, nếu được chính Bộ Y tế cấp phép lưu hành thì về mặt lý thuyết thuốc đó có đủ chất lượng chữa bệnh. Còn nếu vung tay hết số tiền ít ỏi vào thuốc xịn, y tế sẽ thiếu trước hụt sau ở những yêu cầu khám chữa khác.

Giật gấu vá vai ở trên xuất phát từ nền kinh tế như tranh luận ở trên của cựu bộ trưởng Trương Đình Tuyển.

Niên giám y tế Việt Nam 2020 cho biết, chi ngân sách nhà nước cho y tế là 124.700 tỷ đồng, chiếm 7,14% tổng chi ngân sách nhà nước. Nguồn thu khác cho y tế (viện phí, bảo hiểm y tế, hoạt động dịch vụ…) ước khoảng 147.540 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm y tế chiếm khoảng 100.000 tỷ.

Tổng chung chi cho y tế 2020 là 272.240 tỷ đồng, bằng 11 tỷ USD, tức là khoảng 115 USD/người. So sánh với Mỹ, con số của năm 2016, tổng chi cho y tế Mỹ là 3.300 tỷ USD (17,9% GDP), tương đương 10.438 USD/người.

Nói một cách nhẹ nhàng, thì các con số trên cho thấy quy mô kinh tế Việt Nam còn nhỏ nên chi cho y tế còn thấp, và nguồn thu từ bảo hiểm y tế chỉ chiếm hơn 1/3 tổng chi. Đây là lý do lớn nhất giải thích nhiều bất cập của ngành y chậm được thay đổi. Tất cả do thiếu tiền.

Còn nói gay gắt hơn thì sở dĩ nền kinh tế chưa thể lớn vì “bề trên” vẫn loay hoay “định hướng xã hội chủ nghĩa” nhưng lại không biết hình hài của định hướng này ra sao…

Như với thời sự xăng dầu. Trong nền kinh tế thị trường, giá hình thành và vận động theo quy luật của nó. Đó là quy luật giá trị và quy luật cung cầu. Con người chỉ có thể vận dụng quy luật, chứ không sáng tạo quy luật; đi ngược lại quy luật thì trả giá rất đắt, điều nền kinh tế này đã trải qua thời bao cấp khốn khó.

Ấy vậy mà nhân danh “định hướng thị trường xã hội chủ nghĩa”, Bộ Tài chính lại áp cho cửa hàng xăng dầu phí bằng 0. Người ta không hiểu, phí của cửa hàng bán lẻ xăng dầu là một loại giá; giá đó cũng như cước vận tải hành khách. Không có lãi thì không ai làm dù xăng đầy trong kho.

Tương tự, lương quá thấp cũng trái quy luật cung cầu và giá trị. Việc rời bỏ nơi lương thấp đến nơi lương cao là dòng chảy tự nhiên mà thôi. Phàm đã làm trái quy luật, áp dụng ý chí chủ quan thì cái giá là rất lớn. Làm gì có nhanh nhiều tốt rẻ kiểu ‘thuốc bảo hiểm y tế’…


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)