(VNTB) – So với Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc thì hai cuộc cải cách ở miền Nam diễn ra êm thắm thể hiện tính cách nhân đạo. Không đấu tố, buộc tội, xử án; không đánh đập, la ó; không một giọt máu nào rơi xuống!
So Sánh Hai Cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở Miền Bắc (1953-1956) Và Miền Nam (1970)
Cải Cách Ruộng Đất ở Miền Nam Việt Nam
Mục tiêu
Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa theo đuổi ý thức hệ dân chủ tự do và theo chính sách kinh tế thị trường, cổ vũ doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ cũng biết rằng sự tái phân phối ruộng đất là biện pháp tốt nhất để giải quyết bất công xã hội đã hiện hữu từ nhiều đời ở vùng nông thôn; nhất là trong giai đoạn chiến tranh chống Cộng sản, sẽ vận dụng được sự ủng hộ của quần chúng nông thôn.
Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, đã có các kế hoạch dinh điền, khu trù mật nhưng không thành công vì sự quậy phá liên tục của du kích Cộng sản. Đến thời Đệ Nhị Cộng hòa, Hiến pháp 1967 đã hứa hẹn sẽ cấp đất cho nông dân và hữu sản hóa các tầng lớp lao động để họ thoát khỏi tình trạng phải đi làm thuê cho chủ.
Sau chiến thắng Tết Mậu Thân, khi gần như toàn bộ hạ tầng cơ sở của Cộng sản bị tiêu diệt, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành hai chính sách: Người Cày Có Ruộng và Hữu Sản Hóa Công Nhân. Chính sách thứ nhất là để xóa bớt giai cấp địa chủ ở miền Nam. Trong cuộc họp tại Midway vào tháng 6 năm 1969, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã hứa giúp thêm tài khoản cho chương trình Người Cày Có Ruộng một số tiền 40 triệu đô la.
Thực Thi
Vào thập niên 1960, dân số miền Nam khoảng 17.5 triệu người với 80% là nông dân. Trong số nông dân đó, có khoảng 70% là tá điền làm ruộng nộp tô cho địa chủ.
Thời Đệ Nhất Cộng hòa: Năm 1955, khi vừa thiết lập chế độ, chính phủ đã có chủ trương cải tổ nông nghiệp. Ngày 22 tháng 10, 1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành Dụ số 57, tiến hành chính sách cải cách ruộng đất. Theo Dụ 57 này, mỗi điền chủ chỉ được giữ tối đa 100 mẫu ruộng [1], trong đó 30 mẫu trực canh, còn 70 mẫu phải cho tá điền thuê. Số đất bị truất hữu, điền chủ được chính phủ bồi thường số tiền mặt bằng 10% trị giá ruộng đất, còn lại sẽ nhận trái phiếu có lãi suất 3% trong 12 năm. Tá điền được mua ruộng tối đa năm mẫu ta, trả góp cho chính phủ trong 12 năm. Đợt đầu, có 430,319 mẫu ruộng của 1,085 điền chủ được mua lại; sau đó còn mua thêm 220,813 mẫu đất của Pháp kiều để bán cho 123,198 tá điền. Các tá điền cũng có thể mua trực tiếp từ điền chủ. Tổng cộng, chính phủ đã trưng mua 1,040,000 mẫu ruộng để cấp phát cho nông dân 600,000 mẫu. Số đất ruộng chỉ mới bằng 10% đất canh tác ở miền Nam. Từ 1956 đến 1962 , sản lượng lúa gạo tăng gấp đôi, mức xuất cảng tăng gấp năm lần. Tuy nhiên con số nông dân chưa được cấp đất canh tác vẫn còn khá cao.
Ngoài ra, Tổng thống Ngô Đình Diệm còn lập 169 Khu Dinh Điền, 25 Khu Trù Mật để định cư 250 ngàn dân. Đất đai được khai thác ở các vùng này là 109,379 mẫu. Về tài trợ, năm 1957, chính phủ lập Quốc Gia Nông Tín Cuộc để cho nông dân vay đến 4 tỷ 600 triệu đồng với lãi suất rất nhẹ và không đòi hỏi thế chấp. Nhưng các chương trình này không hoàn tất vì có nhiều vùng đất đai bị Cộng sản xâm nhập quậy phá và răn đe nông dân không được hợp tác với chính phủ miền Nam.
Thời Đệ Nhị Cộng hòa: Ngày 26 tháng 3, năm 1970, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký ban hành Đạo Luật 003/60 để thực thi chương trình “Người Cày Có Ruộng” mà An Giang là tỉnh đầu tiên được tiến hành.
Đạo luật này ấn định các điền chủ ở các tỉnh phía Nam được giữ lại tối đa 15 mẫu; điền chủ các tỉnh miền Trung ít hơn, chỉ được giữ 5 mẫu. Chính phủ bỏ tiền ra mua phần đất dư để chia lại cho tá điền và nông dân nghèo. Đối với những nông dân trước đây được Việt Cộng cấp đất, chính phủ hợp pháp hóa quyền tư hữu và cấp bằng khoán cho họ luôn. Để thực hiện chương trình này, chính phủ đã chi ra 200 triệu đô la, trong đó có 40 triệu do Hoa Kỳ yểm trợ.
Đến cuối năm 1973, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã trao bằng khoán chủ quyền 3.188 triệu mẫu đất canh tác cho hơn 858 ngàn nông dân. Số đất cấp phát này bằng 40% tổng diện tích đất canh tác ở miền Nam. Các chính sách nông nghiệp đã làm thay đổi bộ mặt và sinh hoạt ở nông thôn; nó góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế ở miền Nam dù giữa lúc quân dân phải chiến đấu chống sự xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt.
Chương trình đã giúp cho nông dân – là tầng lớp thiệt thòi nhất trong xã hội – thoát khỏi cảnh nghèo khó, làm thuê mà tiến lên hàng trung lưu ở nông thôn. Trong ba năm từ 1969 đến 1971, sản lượng nông nghiệp tăng lên 30% song song với sự gia tăng điều kiện sống của nông dân. Trên đồng ruộng miền Nam, máy móc cơ giới đã thay dần sức người. Trong các năm kế tiếp, sản lượng lại tăng gấp đôi năm trước; có nơi tăng gấp bốn do gieo cấy loại lúa Thần Nông. Trung bình, một nông dân vùng đồng bằng Cửu Long thu gặt 24 tấn lúa mỗi năm; thu nhập đạt đến hai triệu đồng/năm (khoảng 5500 đô la vào thời đó).
Tại buổi lễ phát động chương trình, Tổng Thống Thiệu tươi cười nói: “Đây là ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi.” Báo Mỹ New York Times cũng ca ngợi: “là chương trình cải cách ruộng đất của phe không Cộng sản đầy tham vọng và tiến bộ nhất trong thế kỷ 20.”
Khen là phải! So với cải cách của Cộng sản mà đưa đến cái chết của hai mươi triệu người ở Liên Xô thời Stalin; hơn năm triệu người ở Hoa Lục thời Mao Trạch Đông, nửa triệu ở miền Bắc thời Hồ chí Minh; thì hai cuộc cải cách ở miền Nam diễn ra êm thắm thể hiện tính cách nhân đạo. Không một địa chủ, điền chủ nào nào bị đấu tố, buộc tội, xử án; không có những màn đánh đập, la ó; không một giọt máu nào rơi xuống! Cùng là người Việt Nam chung văn hóa, truyền thống; nhưng miền Nam đánh động vào lương tri trong khi miền Bắc khai thác thú tính qua sự kích thích hận thù.
Nhiều nhà quan sát quốc tế đã cho rằng chính phủ miền Nam đã khá trễ khi nhận thức tầm quan trọng của cải cách ruộng đất mà để cho đến năm 1970 mới thi hành. Do đó, hiệu quả kinh tế và tâm lý dù cao, cũng không kịp làm thay đổi cục diện quân sự.
Cải Cách Ruộng Đất sau 1975
Sau khi chiếm được miền Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quá vội vàng thi hành những chính sách nhằm thay đổi tận gốc rễ kinh tế và nông nghiệp ở miền Nam bằng biện pháp hợp tác hóa toàn diện. Sự kiện này, do không hiểu tâm lý miền Nam – từng sống trong chế độ dân chủ tân tiến – nên đã mang lại nhiều xung đột giữa nhà cầm quyền và người miền Nam. Cộng sản đã chật vật nhưng không thành công được trong nhiều năm đầu tiên sau khi thống nhất cả nước. Chưa kể chính sách mới của Cộng Sản đã tạo ra một giai cấp cán bộ nhiều đặc quyền, đặc lợi và đám người này càng lạm dụng để vơ vét thêm đất đai tài sản cho họ thay vì lo đến đời sống đa số dân nghèo.
Từ 1975 đến 1985, dân miền Nam trải qua một nạn khan hiếm lương thực trầm trọng nhất trong lịch sử. Để cứu vãn cho chế độ Cộng sản khỏi suy sụp, tại Đại Hội toàn quốc lần thứ Sáu, Đảng Cộng sản Việt Nam phải tuyên bố cải cách kinh tế bằng việc chuyển hóa từ Kinh tế tập trung sang cái gọi là “Kinh tế Thị Trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”!
Trong các tội ác diệt chủng nhân loại trong thế kỷ 20 từ đông sang tây, chiến dịch cải cách ruộng đất của Cộng sản Liên Xô, Trung Cộng, Việt Nam không kém so với Holocaust của Đức Quốc Xã về sự man rợ cũng như tầm vóc.
Đã hơn 70 năm qua, những chi tiết về cải cách ruộng đất ở miền Bắc vẫn còn là những điều nhạy cảm mà ít ai dám nhắc tới. Tuy bên ngoài người ta cố gắng giữ thái độ ôn hòa, trầm lặng; nhưng sâu lắng bên trong trái tim những người miền Bắc, nỗi hận còn chất chứa. Họ mong chờ nhà cầm quyền Cộng sản lên tiếng thừa nhận tội ác và có lời sám hối tạ tội với thân nhân của hàng trăm ngàn gia đình những người bị họ thảm sát năm xưa.
_____________________
Tham Khảo:
– Cao Văn Thân. “Cải Cách Ruộng Đất và Phát Triển Nông Nghiệp, 1968-1975.” https://usvietnam.uoregon.edu/giao-su-cao-van-than-va-chuong-trinh-nguoi-cay-co-ruong-o-mien-nam-viet-nam-1969-1973/
– Dang Phong. The History of the Vietnamese Economy. Vol. 2, Institute of Economy, Vietnamese Institute of Social Sciences, 2005.
– Fall, Bernard. The Viet Minh Regime, Government and Administration in the Democratic Republic of Vietnam. Greenwood Press, Connecticut, 1975.
– Hoàng Văn Chí. From Colonialism to Communism: A Case History of North Vietnam. London: Pall Mall, 1964.
– Marx, Karl and Friedrich Engels. The Communist Manifesto. Penguin Classic, 2015.
– Munro, Don, Marx’s Theory of Land, Rent and Cities. Edinburgh University Press, 2022.
– Nguyễn Văn Canh. “Đấu Tố và Hình Phạt trong Cải Cách Ruộng Đất mà Hồ Chí Minh Thi Hành vào Đầu Thập Niên 1950 tại Bắc Việt.” August 17, 2024.
– Nguyen Ngoc-luu. Peasants, Party and Revolution the Politics of Agrarian Transformation in Northern Vietnam 1930–1975. University of Amsterdam, 1987.
– Nguyen Quang Duy. “Chương Trình Người Cày Có Ruộng tại Miền Nam.” http://www.vietnamvanhien.org/ChuongTrinhNguoiCayCoRuong.pdf#:~:text=Ch%C6%B0%C6%A1ng%20tr%C3%ACnh%20Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20C%C3%A0y%20C%C3%B3%20Ru%E1%BB%99ng%20%28NCCR%29%20l%C3%A0,gi%C3%BAp%20t%C3%B2an%20th%E1%BB%83%20n%C3%B4ng%20d%C3%A2n%20c%C3%B3%20ru%E1%BB%99ng%20c%C3%A0y.
– Phuong Anh et al. “50 Years On, Vietnamese Remember Land Reform Terror” https://www.rfa.org/english/news/in_depth/vietnam_landreform20060608.html#:~:text=It%20says%20700%2C000%20hectares%20were%20confiscated%20from%20landowners,total%20of%2044.6%20percent%20of%20total%20cultivated%20land
Tô Hoài. Ba Người Khác. Nxb Đà Nẵng, 2007
Trần Đỉnh. Đèn Cù. Người Việt Book, 2004
Turner, Robert F. Vietnam Communism: Its Origins and Development. Hoover Institution Publications, 1975.
————
Chú thích: [1] Một mẫu (hectare) bằng 10,000 mét vuông hay 2.471 acres (43,560 sqft) theo đơn vị đo lường của Mỹ.