Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cái nết đánh chết cái đẹp

Quang Nhựt

 

(VNTB) – “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Cái thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi nhớ mình đã được dạy những bài học về tôn sư trọng đạo, về tôn trọng người thầy người cô.

 

Những bài học đầu tiên ở lứa tuổi tiểu học, mỗi khi gặp thầy cô trên đường, trên trường hay đi ngang qua thầy cô, người học sinh nên chào thầy chào cô, hoặc nếu không, cúi đầu chào cũng có thể chấp nhận.

Lần giở lại một số chuyện xưa tích cũ, một người học trò dùi mài kinh sử, thi được công danh, sau đó là hình ảnh quen thuộc, vinh quy bái tổ. Thiết nghĩ, với những nề nếp như thế, thì việc một cô hoa hậu về thăm trường là chuyện rất ư là bình thường.

Nói theo lời của PGS.TS Phạm Hồng Chương – hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân trên báo Tuổi Trẻ, “…Từ trước đến nay, các đoàn học sinh giỏi đi thi về thì nhà trường đều có buổi gặp mặt, khen thưởng, đó là điều rất bình thường. Huống hồ bao năm nhà trường mới có một sinh viên đạt hoa hậu như Đỗ Thị Hà”.

Nếu mọi thứ đều bình thường như lời ông Chương, tại sao dư luận lại dậy sóng, bênh vực có, phản bác có, chỉ vì một, hai bức hình?

“Đọc trên báo Tuổi trẻ, theo như lời ông Chương, mình cảm thấy thế này. Việc các học sinh, sinh viên cố gắng học tập, đi thi học sinh giỏi được nhà trường khen thưởng là điều rất bình thường. Bởi bao năm, đều có học sinh học giỏi hết. Trong khi đó, lâu rồi – không biết trước đây đã từng có chưa, tại vì ông dùng từ bao năm, mới có người đạt hoa hậu. Nó giống như cái kiểu chức danh hoa hậu cao hơn những học sinh giỏi vậy.

Với học sinh giỏi thì là điều rất bình thường. Với hoa hậu là huống hồ và bao năm. Mà ngẫm lại cũng đúng, người ta đẹp, người ta có quyền, ví dụ như có được ưu ái hơn cũng là điều đương nhiên. Con người mà, đa số thích cái đẹp”, anh Minh, một cựu sinh viên của một trường đại học ở Sài Gòn chia sẻ.

Nhà giáo Trần Minh Quốc, chia sẻ cảm xúc trên trang facebook cá nhân về vấn đề này: “Thật vớ vẩn!! Học trò về thăm trường thì dù thành đạt tới đâu thì cũng vẫn tư cách là học trò cũ của trường! Phải khoanh tay cui đầu kính chào thầy cô. Riêng thầy cô thì phải giữ đúng cương vị là bậc “tiên sinh” của học trò mình. Sao lại có cái chuyện thầy cô phải khép nép khúm núm…  trước mặt học trò hoa hậu của mình?

Càng bi thảm hơn: chính thầy hiệu trưởng lại xoa xoa 2 bàn tay, cũng với bộ dạng khép nép khúm núm “vui mừng” “báo cáo!” với hoa hậu !!! và “tréo cẳng ngỗng”, hơn nữa là: “Học trò cũ (Hoa Hậu) lại nhắc nhở, căn dặn “thầy cô và nhà trường phải phát huy thành quả hon nữa, dạy tốt, học tốt!!!”.

Riêng tôi dù được làm thầy giáo, mỗi khi họp đồng hương, vẫn phải khoanh tay cúí đầu kính chào thầy là quý vị giáo sư cao tuổi năm xưa! Và thỉnh thoảng rất vui và cảm động được tiếp nhận “kính chào thầy” của học trò cũ thân thương, dù các em ấy hiện là gì đi nữa (Phu hồ, tài xế, hoặc là CNVC, nông dân, doanh nghiệp, KS, BS, GSTS chính quy… ) ! Tiếc quá, phải chi cô Hoa Hậu này, thay vì “ban huấn từ “ mà chỉ cần nói: “Vô cùng biết ơn cha mẹ và quý thầy cô….” thì hay biết mấy! Có Văn có chất mới ra con người, mà con người hiển thị nơi đây lại là một… Hoa Hậu!”.

Theo một tờ báo điện tử, nói về bức ảnh cho là “khúm núm”, ông Phạm Hồng Chương ‘đính chính’ không phải ông đang ‘báo cáo’ với tân hoa hậu mà là ông đang đáp từ với nhà báo Lê Xuân Sơn – trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Và cũng từ báo chí, điều này cũng được ông Sơn xác nhận.

“Mình hoàn toàn đồng ý với điều này, mặc dù có thể biết rõ nhất có đúng hay không là những người có trong cuộc gặp đó hay phóng viên báo Tiền Phong đã chụp bức ảnh đó. Thôi thì mình dễ tin, nghe theo ông Chương vậy. Nhưng mình thấy cái hơi lạ, ánh nhìn khi đó của ông Chương, không hướng về ông Sơn mà lại nhìn vào cô hoa hậu. Không lẽ ông Chương có cái tật nói chuyện với người ta mà không nhìn vào người ta?

Ngay cả ánh mắt của ông Sơn, hình như cũng không nhìn ông Chương khi đó. Hay là ông Sơn cũng bị cái tật như ông Chương? Tôi tin chắc là không. Bởi, ngoài bức hình đó ra, còn một số bức hình khác. Trong đó có một tấm, một người khác đứng lên phát biểu, ông Chương, ông Sơn, cô hoa hậu cũng như nhiều người khác đều hướng ánh nhìn vào người đó. Xem ra cái lý lẽ của ông Chương đưa ra có chút vấn đề ấy nhỉ?” – một ý kiến thắc mắc.

“Việc chắp tay nói chuyện, thể hiện thái độ tôn trọng đối phương là điều hoàn toàn chấp nhận được. Song, với bức hình mà nhiều người ý kiến bàn ra tán vào đó nhìn cứ tựa như trong phim, kiểu thái giám đang bẩm báo với hoàng thượng vậy. Dưới góc nhìn cá nhân, trường rất đàng hoàng, lễ phép, song về mặt giáo dục, nhất là về nhân cách, có lẽ nên xem lại” – bà Út, nhận xét.

Ông bà ta nói: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Sắc đẹp theo thời gian rồi cũng phai tàn. Đó là chưa kể đến việc với khoa học kỹ thuật phát triển, cho dù sinh ra là con một con vịt xấu xí, cũng có thể biến thành con thiên nga xinh đẹp.

Tuy nhiên, cái nết không hẳn như thế, chưa hẳn có nhiều tiền là đồng nghĩa với việc mua được cái nết. Và cái nết nó không chỉ chịu ảnh hưởng bởi gia đình mà còn ít nhiều do sự giáo dục từ chính nhà trường mà ra.

Tin bài liên quan:

VNTB – Không lẽ văn học dân gian Việt Nam nghèo nàn đến thế sao?

Phan Thanh Hung

VNTB – Người về từ Đà Nẵng: cẩn trọng nhưng cũng cần ý thức

Phan Thanh Hung

VNTB – Cấm loa kéo: ‘bẻ gậy’ người mù mưu sinh?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo