Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần trả lại quyền tự do kinh doanh xuất nhập khẩu vàng miếng

Hàn Lam

 

(VNTB) – Ngân hàng Nhà nước nên trả vàng về cho thị trường, tức là để cho thị trường – các công ty kinh doanh vàng tự xuất và tự nhập khẩu

 

Thời gian gần đây, giá vàng liên tục có những biến động mạnh trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đặc biệt là giai đoạn gần ngày Vía Thần Tài vừa qua. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề thu hút được nhiều dư luận quan tâm là việc sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và khả năng sẽ xóa độc quyền vàng miếng. Theo đó, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Kể từ năm 2008 đến năm 2012, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam được cho là cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, lạm phát gia tăng và tăng nhu cầu nắm giữ vàng trong nền kinh tế. Trong giai đoạn này, mỗi khi giá vàng biến động, thị trường xuất hiện “cơn sốt vàng” do tâm lý người dân bị xáo trộn, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thường gây sức ép lên tỷ giá chính thức USD/VND, ảnh hưởng bất lợi tới thị trường ngoại tệ, dự trữ ngoại hối Nhà nước, càng làm gia tăng tình trạng “vàng hóa”, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Vậy là Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) với 2 mục tiêu chính được ra đời nhằm: (i) Tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng, đặc biệt là thị trường vàng miếng; (ii) hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế. Theo đó, Nhà nước thông qua Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, chỉ có Ngân hàng Nhà nước được phép sản xuất vàng miếng, kể từ ngày 25-5-2012, không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được quyền sản xuất vàng miếng.

Trong giải thích tiếp theo vì sao lại chọn thương hiệu vàng miếng SJC của Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng vàng miếng SJC chiếm trên 90% lượng vàng miếng trong lưu thông.

Giới kinh doanh nhìn nhận vàng ngoài độc quyền thì lẽ ra vẫn nên phải sản xuất, phải cung ra, nhưng trên thực tế thì hầu như không có chuyện sản xuất thêm vàng miếng. Trong khi tâm lý của người dân là tích trữ vàng để phòng rủi ro, do đó đương nhiên dân chọn vàng SJC- thương hiệu quốc gia để tích lũy. Cung không có mà cầu có thì sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu và giá vàng sẽ tăng.

Một khi không có chuyện liên thông xuất nhập khẩu vàng, không cân bằng được giữa thị trường vàng trong nước và thế giới, tất yếu dẫn đến tình trạng giá vàng thế giới chỉ tăng một chút thì trong nước tăng rất cao. Có những thời kỳ tăng đến 20 triệu một lượng, điều này là rất phi lý, người dân bị thiệt hại, phải mua vàng với một cái giá rất cao. Mặt khác, có sự không bình đẳng giữa những loại vàng miếng như nhau, có thể chất lượng cùng là vàng 9999 nhưng vàng tên SJC do Nhà nước bảo hộ thì giá rất cao.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng, các nước trên thế giới, kể cả các nền kinh tế lớn, các ngân hàng trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng. “Với người dân, vàng là phương tiện để tích trữ, phòng ngừa rủi ro. Nhưng thực tế là đồng tiền Việt Nam những năm qua rất ổn định, do đó người dân không dùng vàng để làm phương tiện thanh toán và không có khái niệm “vàng hóa”. Do đó, cần thay đổi cách quản lý. Khi vàng đã không còn là hàng hóa thì ngân hàng Trung ương không cần quản lý trực tiếp thị trường vàng nữa”, ông Hùng nêu.

Giới kinh doanh thẳng thắn chỉ ra rằng Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ, lại trực tiếp gánh thêm trách nghiệm cân bằng cung – cầu vàng thông qua xuất – nhập khẩu và điều tiết thị trường vàng thì bản thân Ngân hàng Nhà nước sẽ trở thành người gánh rủi ro của thị trường. Thêm vào đó, nếu để doanh nghiệp tự xuất và nhập khẩu vàng thì luồng vàng ra vào Việt Nam sẽ nhanh hơn, cân bằng được giá trong nước với giá thế giới.

Tựu trung lại Ngân hàng Nhà nước nên trả vàng về cho thị trường, tức là để cho thị trường – các công ty kinh doanh vàng tự xuất và tự nhập khẩu. 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tăng giá điện để bù lỗ

Do Van Tien

VNTB – Lỗ nhưng sao vẫn cắn chặt không nhả?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Khuyến cáo của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.