VNTB – Câu chuyện vỉa hè: Có đúng là như vậy?

VNTB – Câu chuyện vỉa hè: Có đúng là như vậy?

Út Sài Gòn

 

(VNTB) – Thời điểm cả thành phố giãn cách thật sự khó quên, ghi vào đó là một chương buồn trong lịch sử.

 

Vài ý kiến “nhớ nhớ, quên quên” cho rằng Sài Gòn có thể ‘kỷ niệm’ tròn năm bùng dịch – giãn cách?

Theo dõi ý kiến trong một cộng đồng mạng, thoạt đầu, đó là một cảm xúc bồi hồi khi lần về quá khứ. Tuy nhiên, sau khi “dừng khoảng chừng là 2 giây”, hình như, cái cảm xúc được chủ topic đó chia sẻ, không đúng.

Không nhớ rõ ràng về câu từ, đại ý chỉ nhớ, theo chủ topic, những ngày này của một năm về trước, đặc biệt là lúc 30/4 – 1/5, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải sống trong cảnh bùng dịch, giãn cách.

Không rõ chủ topic có phải là người sống ở thành phố hay miền Nam hay không, tuy nhiên, nếu nói thời điểm 30/4 – 1/5 thành phố bùng dịch để rồi giãn cách là sai hoàn toàn. Vì sao?

“Đơn giản thôi, vì thời điểm 30/4 của năm ngoái, tôi còn về quê thăm gia đình được cơ mà. Nếu giãn cách theo chỉ thị 16, có về quê được không? Có thông chốt được không? Như đợt giãn cách theo chỉ thị 16 rồi 16 siết, số phận của những người về quê như thế nào?”, anh Tám xe ôm vừa sát khuẩn bằng cồn vừa cười, thắc mắc.

Có thể nói, cái gọi là giãn cách, cách ly tập trung là một khoảng thời gian “cực kỳ ám ảnh”.

Mỗi ngày số ca nhiễm tăng cao do liên tục bắt phải cách ly tập trung; không biết sáng nay, mở mắt dậy, con đường, hẻm hay nhà mình có bị giăng dây; rồi giãn cách, rồi công ăn việc làm; rồi sữa, tã cho em bé; thức ăn, nhu yếu phẩm, thuốc men cho gia đình; phiếu đi chợ… Đó là chưa kể đến việc phải bị xét nghiệm diện rộng, thần tốc, truy vết liên tục. Thật khó có thể quên được cái thời gian từ 9/7/2021 cho đến đầu tháng 10 khi ấy.

Cho nên, việc nói 30/4 thành phố là hoàn toàn “trật lất”. Bởi, sau cái ngày gọi là “giải phóng miền Nam”, là cái ngày “bầu cử toàn dân”. 23/5/2021, toàn dân đi bầu, người dân thành phố đi bầu, chính quyền tổ chức kiểm soát chặt chẽ dịch ở các điểm bầu, thì làm sao gọi là giãn cách hay bùng dịch?

“Tôi nhớ mà, 23/5, tôi đi bầu đây, điểm bầu rất kỹ lưỡng trong phòng dịch. Vừa vào cổng là xịt khử khuẩn, vô bàn, nếu không tiện, người ta sẵn sàng rút giấy ra cho mình, rồi vào phòng, thông thoáng. Sau đó ra khử khuẩn. Nhiều điểm bầu nên mỗi điểm không xảy ra tình trạng ùn ứ” – vẫn anh Tám xe ôm, nói.

Thậm chí cho đến khi các ca nhiễm có liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, quận Gò Vấp theo chỉ thị 16, các nơi khác theo chỉ thị 15, người dân ở các tỉnh vẫn còn có thể đi xuống thành phố để khám chữa bệnh.

Chợt nhớ lại, cái thời gian khó khăn trong giãn cách, cũng có ý kiến cho rằng, dịch bùng như vậy lỗi đến từ người dân trong dịp 30/4 – 1/5. Thế nhưng, thời điểm đó, không cấm người dân đi lại, không cảnh báo dịch khuyên người dân nên ở lại, thì không thể không cho dân về quê, thăm gia đình. Việt Nam là một đất nước tự do, dân chủ, của dân, do dân và vì dân không thể tự ý ép dân phải ở nhà nếu không có lý do chính đáng.

Đúng là thời điểm cả thành phố giãn cách thật sự khó quên, ghi vào đó là một chương buồn trong lịch sử. Song, cũng gần 1 năm rồi, thiết nghĩ cũng nên nhìn lại, lỗi có phải hoàn toàn do người dân vào dịp 30/4 – 1/5 hay không? Có phải do dòng người về quê, thăm gia đình hay không?

Hay lỗi phần nhiều là do từ sai lầm trong đường lối chống dịch bảo thủ, duy ý chí đến từ trưởng ban phòng chống dịch Covid-19 quốc gia khi đó, phó thủ tướng đương nhiệm Vũ Đức Đam?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)