Lâm Viên
(VNTB) – Sài Gòn chỉ tạm thời ngủ đông một thời gian ngắn. Rồi sẽ qua cơn bão táp, sẽ lại hồi sinh… Cầu nguyện cho Sài Gòn yêu thương, cầu nguyện cho Việt Nam yêu thương bình an trong đại dịch này.
Bà bạn Nguyễn Thị Mỹ Hương của tôi là bác sĩ chuyên khoa thận, làm việc tại một bệnh viện tư nhân ở tỉnh Bình Dương. Cuối ngày 26-3, bà bạn kể rằng nhận được tin nhắn của đứa con gái: “Mẹ ơi! Nhìn Sài Gòn tan nát vì dịch cúm, con đau lòng quá!”.
“Gia đình tôi, ba thế hệ đã sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Tôi yêu Sài Gòn vô cùng tận. Tôi cũng đau lòng khi thấy Sài Gòn đang vật vã trước đại dịch. Nhưng bây giờ, đóng cửa ở nhà là thượng sách, là cứu cánh. Khả năng nhà nước có hạn. Khả năng ngành y tế vô cùng có hạn. Còn dịch virus Vũ Hán này tàn khốc vô hạn. Chỉ có ai vì mưu sinh, vì công việc mới phải ra ngoài đường. Sài Gòn chỉ tạm thời ngủ đông một thời gian ngắn. Rồi sẽ qua cơn bão táp, sẽ lại hồi sinh… Cầu nguyện cho Sài Gòn yêu thương, cầu nguyện cho Việt Nam yêu thương bình an trong đại dịch này” – cô bạn học cũ giờ là bà bác sĩ kể.
Trong một kế hoạch được đưa ra, khả năng kể từ ngày 28-3, hệ thống xe buýt công cộng tại Sài Gòn sẽ tạm dừng hoạt động. Từ ngày 27-3, bất kỳ người dân nào ra đường ở Sài Gòn đều bị bắt buộc đeo khẩu trang đề ngừa dịch lây lan, nhà chức trách sẽ xử phạt nếu ai vi phạm lệnh này.
Việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly cũng đã xảy ra ở Sài Gòn. Điều đó rất đáng sợ, khi ổ dịch đe dọa xảy ra ở nơi đang tập trung lên đến cả ngàn người.
Từ những diễn biến trên, chiều ngày 26-3, Bộ Y tế Việt Nam đã đưa ra hàng loạt các điểm mới trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, tóm tắt như sau:
1. Hướng dẫn này đã thay đổi định nghĩa ca bệnh nghi ngờ, vì tình hình dịch tễ đã thay đổi, có nhiều vùng dịch, ổ dịch tại các địa phương ở Việt Nam.
2. Bỏ các định nghĩa ca bệnh có thể, vì năng lực xét nghiệm cao hơn trước.
3. Về điều trị: Tập trung chính là điều trị suy hô hấp, cập nhật những khuyến cáo mới nhất theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới về oxy liệu pháp và đích oxy máu.
4. Yêu cầu theo dõi sát bệnh nhân, đặc biệt ngày thứ 7-10 của bệnh, trong đó hướng dẫn này sử dụng các dấu hiệu lâm sàng, các thang điểm cảnh báo sớm, theo dõi tiến triển hàng ngày của Xquang phổi của bệnh nhân để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng/ tiến triển nặng của bệnh. Theo các báo cáo trên y văn cũng như thực tế các ca bệnh nặng ở Việt Nam trong thời gian qua, đa số đều diễn biến nặng nhanh trong khoảng thời gian này.
5. Với bệnh nhân suy hô hấp nặng, nên đặt ống nội khí quản sớm và thở máy xâm nhập. Chỉ cân nhắc các biện pháp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập cho từng trường hợp cụ thể chứ không áp dụng thường quy và cần theo dõi sát bệnh nhân.
6. Về các thuốc kháng virus đặc hiệu như Lopinavir/Ritonavir, Chloroquine, Hydroxychloroquine, Remdesivir…, do chưa có đủ các bằng chứng về hiệu quả và an toàn của những thuốc này trong điều trị Covid-19 nên chưa khuyến cáo áp dụng thường quy trong điều trị, (ngoài phạm vi sử dụng trong các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam). Bộ Y tế sẽ ra các khuyến cáo bổ sung dựa trên những kết quả của các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam tới đây.
7. Tiêu chuẩn ra viện: cải thiện các dấu hiệu lâm sàng, cần có hai mẫu liên tiếp bệnh phẩm đường hô hấp (cả dịch tỵ hầu và dịch họng), lấy cách nhau tối thiểu 24 giờ âm tính với SARS-CoV-2.
8. Sau khi ra viện, người bệnh tiếp tục được cách ly tại nhà 14 ngày nữa. Người bệnh cần được ở phòng riêng thoáng khí, đeo khẩu trang, ăn riêng, vệ sinh tay, hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình, và không được ra ngoài. Theo dõi sát thân nhiệt 2 lần/ngày, khám lại ngay nếu sốt hoặc có dấu hiệu bất thường khác.
Cập nhật tên bệnh và tên virus: hướng dẫn trước không phải virus gọi là SARS-CoV-2 và bệnh là Covid-19, mà gọi chung là nCoV. Hiện nay, được gọi lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới là SARS-CoV-2.