Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cây xanh và cái thứ gọi là nhân quả báo ứng

Ngọc Nghĩa (VNTB) Một người chết vì cây xanh đổ trong đợt giông bão dữ dội vừa qua tại Hà Nội. Nhưng vấn đề không nằm ở cái chết, mà các phe nhóm tìm cách dựa vào cái chết để đả kích quan điểm lẫn nhau.


Đúng theo nghĩa “tát nước theo mưa”, các “bảo vệ cây xanh” và các bên bảo vệ “quan điểm lãnh đạo Hà Nội” coi cái chết đó là một thứ “nhân quả báo ứng.”
Ai cũng đưa ra một lý do chính đáng cả, nào là vì phản đối chặt hạ cây xanh già yếu vừa qua nên mới có người chết, nào là Hà Nội đã không làm tốt việc chặt hạ cây xanh già yếu, mà chỉ chăm chăm bòn rút qua đề án 6.700 cây xanh nên dẫn đến người chết do cây đổ.
Mỗi bên có một lý lẽ riêng, nhưng mục đích chung là đả kích quan điểm của nhau, và bằng cách nào đó, họ gặp nhau ở sự cực đoan.
Cái chết xấu số do cây đổ vô hình chung trở thành mồi châm ngọn lửa thỏa mãn tính háo thắng đầy mù quáng một số người. 
Lại tự hỏi, nếu hai bên cho đó là báo ứng, là nhân quả thì cớ sao điều đó lại áp vào trong một con người bình thường mà không phải là lãnh đạo Hà Nội hay lãnh đạo nhóm phản đối 6.700 cây xanh? 
Rất khó để hai bên trả lời được câu hỏi đó, mà thậm chí hai bên còn không có thời gian để đặt câu hỏi tự vấn đó, lý do, họ đang bận moi móc, kích động, chửi bới nhau, họ nhân danh thứ công lý của ông trời để tấn công nhóm người còn lại.
Nói thẳng thắn ra, cả 2 phía đang khích bác nhau qua quan điểm “luật nhân quả” đang hả hê trên chính nỗi đau về việc thiệt hại nhân mạng.
Nói như tác giả Tôn Trọng Dân trong những bài viết gần đây trên VNTB, đó là thứ cuồng si bạo lực, một thứ cuồng si trên máu của những người đã mất vì lý do bất khả kháng.
Những con người hào hứng trước cái chết trong đợt going bão vừa qua cũng chính là những linh hồn trống rỗng, khuyết tật, tìm cách hạ chân lý xuống tận bùn đen
Những con kền kền ăn xác chết đúng nghĩa.
Tin liên quan: (VTC News) – Hậu quả để lại của cơn dông lốc chiều 13/6 đến nay vẫn khiến nhiều người hoảng sợ, nhưng có lẽ đáng sợ hơn chính là lòng người trong cơn dông đó. 
Sự khó lường của thời tiết mà nhiều người gọi đó là hiện tượng “cực đoan” đang trở thành nỗi ám ảnh của con người. Thời tiết cực đoan hay lòng người cực đoan, khó lường, khó đoán… là vấn đề được đặt ra sau vụ dông lốc mới đây. 
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, trận dông lốc chiều 13/6 đã khiến 1.350 cây xanh bật gốc, làm 2 người chết, 7 người bị thương, 140 ngôi nhà bị tốc mái, 25 ôtô và nhiều xe máy bị hư hại… Hậu quả thật vô cùng khủng khiếp. Khủng khiếp hơn khi nó lại tiếp tục liên quan đến cả ngàn cây xanh vô tri ở Hà Nội. 
Mạng xã hội chia sẻ hàng loạt các hình ảnh tan hoang sau cơn dông lốc với đủ các lời bình luận. Sự tức giận, tiếng la ó, bất bình chủ yếu tập trung vào việc đổ tội cây xanh, đổ tội cho những người từng bảo vệ cây xanh trong vụ chặt hạ thay thế 6.700 cây của Hà Nội.
Cây gẫy đổ, người đau thương… có liên quan gì đến nhau? Tất nhiên là có. Người ta đổi tại cây xanh Hà Nội mục ruỗng quá nhiều, loại cây rễ chùm bám nông nên dễ dàng bật gốc, đổ rạp… gây ra cơ sự. Một vài người lên tiếng, sau đó là đám đông ăn theo, la ó, chửi bới, đổ tội cho các cơ quan chức năng của Hà Nội không chịu chặt hạ, thay thế những cây “đáng bị thay thế” này. 
Hàng ngàn, vạn hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội với nhiều lời bình luận, ít thấy ai tỏ ra thương xót trước sự hoang tàn đổ nát của Hà Nội, phần nhiều còn có vẻ thích thú trước hậu quả đau lòng từ cơn dông đó. 
Họ là ai? Có thể, phần lớn họ là những người đã từng bảo vệ đề án chặt cây xanh của Hà Nội mới đây, nay được dịp rủa xả những “người yêu cây xanh Hà Nội”, rằng thấy chưa, việc chặt cây là đúng, các người yêu cây sao không đứng ra bảo vệ cây trong dông tố; những lúc đó các người đang yên ấm ở đâu, để mặc cây gãy đổ… 
Thôi thì đủ các loại phát ngôn, đủ những lời rủa xả, một làn sóng chửi bới ào ào, theo kiểu “tát nước theo mưa” được dịp tuôn ra. Rất có thể, trong đám đông chửi bới kiểu “ăn theo” đó, có nhiều người trước đây từng “ăn theo” trong vụ chửi bới phản đối chặt hạ cây xanh trong đề án 6.700 cây của Hà Nội mới đây.
Lại vẫn là hiệu ứng đám đông, một người chửi, mười người, rồi trăm ngàn vạn người chửi theo. Những người từng lên tiếng bảo vệ cây xanh trước đề án chặt hạ, thay thế 6.700 cây của Hà Nội mới đây bỗng chốc biến thành kẻ tội đồ. Không biết, cuộc chiến này ai thắng, ai thua? Hà Nội có hả hê không trước cơn dông trời ban đúng nghĩa, cứu vớt đề án đang bị thanh tra, kết tội?
Nhưng sự thật, việc cây đổ trong cuồng phong chiều 13/6 với những lùm xùm trong vụ chặt hạ thay thế cây xanh chẳng liên quan gì đến nhau. Đám đông la ó, chửi bới, chắc hẳn cũng không phải là những người thực sự quan tâm đến đề án chặt cây của Hà Nội, mà phần đông, chỉ là chửi cho “hợp thời”, kiểu “té nước theo mưa”.
Mới đây, một tờ báo của Hà Nội còn lên tiếng, bảo sau dông lốc mới thấy rõ sự đúng đắn của đề án chặt hạ thay thế cây xanh của Hà Nội thế nào. 
Chắc chắn không ai phản đối việc chặt hạ, thay thế cây xanh của Hà Nội nếu như việc đó được thực hiện cẩn trọng, đúng mục đích “thay thế cây hỏng, mục ruỗng, cây có dễ bám nông…”. Không ai phản đối nếu Hà Nội làm việc đó công khai, minh bạch. Có điều, một số đơn vị, cá nhân đã sai phạm, đã mượn danh đề án để làm việc khuất tất, chặt cây tươi tốt, thay thế cây “mỡ” mà bảo “vàng tâm”, trồng cây còn nguyên lớp nilong bọc gốc…
Ai đó bảo, đừng “mượn gió bẻ măng”, bởi rõ ràng việc thiếu minh bạch trong vụ 6.700 cây xanh đã có kết luận rồi. Dông lốc lớn đổ cây đè chết người lại là câu chuyện khác. Gió mạnh đổ xe tải trên cầu Thanh Trì thì cũng sẽ làm đổ cây. Cây che chắn cho nhà cửa. Chặt hết cây, đổ nhà chết người khủng khiếp hơn nhiều…
Quả đúng, thay vì gán ghép việc này sang việc khác, hò nhau chửi bới cho hợp thời, có lẽ mỗi người hãy dành thời thời gian suy nghĩ, hiến kế cho nhà quản lý, cách nào đó để việc chặt hạ, thay thế cây đúng mục đích, để việc quản lý an toàn xây dựng, hành lang lưới điện… tốt hơn, tránh những hậu quả đau lòng từng xảy ra như chiều 13/6. 
Xin đừng “gió chiều nào, theo chiều ấy”, đừng cực đoan như thời tiết. Cuộc sống vốn đã đầy những bất an, sẽ càng bất an hơn, khi chúng ta cứ hò nhau la ó, chửi bới kiểu phong trào mà không biết, đôi khi có những chính sách ra đời, chính do bị dẫn dắt bởi hiệu ứng đám đông. Hậu quả khi đó thật khó lường!

Tin bài liên quan:

Hà Nội tính thay 4.000 cây xà cừ: Mất phố lá vàng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Cây trong thành phố cứu nhiều người

Do Van Tien

VNTB – Mong rằng vẫn giữ được mảng xanh và yên bình

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo