Anh Khoa dich
(VNTB) – Quyết định cản trở nỗ lực tìm tính chính danh quốc tế của chế độ quân sự và tăng áp lực buộc Myanmar hợp tác với các nước láng giềng để giải quyết khủng hoảng chính trị
Tác giả: Feliz Solomon
Ngày 16 tháng 10
SINGAPORE — Chính quyền quân sự của Myanmar sẽ bị loại khỏi hội nghị thượng đỉnh khu vực vào cuối tháng 10, nhằm cản trở nỗ lực mới nhất của Myanmar trong việc tìm tính chính đáng quốc tế đồng thời gây áp lực buộc nước này phải hợp tác với các nước láng giềng để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lên nắm chính quyền vào ngày 1 tháng 2, lật đổ chính phủ dân cử, bỏ tù các nhà lãnh đạo và đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ mà các nhóm nhân quyền cho rằng đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.
Brunei, chủ tịch ASEAN, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, hay ASEAN, sẽ mời một “đại diện phi chính trị” của Myanmar tới hội nghị thượng đỉnh hàng năm từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 10. Quyết định được đưa ra dựa trên những gì họ cho là Myanmar tiến bộ chưa đủ trong việc thực hiện hiệp ước hòa bình trước đó và trong bối cảnh một nhóm đại diện cho chính phủ dân sự bị lật đổ đang cạnh tranh đòi ghế [quốc hội].
Tuyên bố cho biết các thành viên đã đồng ý mời một nhân vật phi chính trị sau khi họ không đạt được đồng thuận về một đại diện chính trị, lưu ý rằng Myanmar bày tỏ sự dè dặt về động thái này.
Quyết định không cho chính quyền quân sự tham gia đạt được trong cuộc họp khẩn cấp của các ngoại trưởng ASEAN hôm thứ Sáu, đánh dấu sự rời bỏ chính sách truyền thống không can thiệp của khối, báo hiệu sự thiếu kiên nhẫn của một số thành viên với việc quân đội từ chối thực hiện các thỏa hiệp có ý nghĩa thực tế. Quan chức Malaysia, Indonesia và Singapore đã bày tỏ sự thất vọng về sự thiếu tiến bộ này.
Vào tháng 4, Thống Tướng Min Aung Hlaing đã được mời đến Jakarta để họp khẩn cấp về cuộc khủng hoảng, các thành viên nhất trí đạt được sự đồng thuận 5 điểm nhằm giảm leo thang tại đó, nhưng những lời hứa chính vẫn chưa được đáp ứng. Hiệp ước kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực và bổ nhiệm một đặc phái viên được phép đến thăm Myanmar và gặp gỡ tất cả các bên liên quan.
Nhà ngoại giao Brunei Erywan Yusof được chọn làm đặc phái viên, nhưng gần đây ông đã hoãn chuyến thăm đã lên kế hoạch tới Myanmar sau khi lãnh đạo quân đội cho biết ông sẽ không được phép gặp bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân sự mà chính phủ đã bị phế truất vào tháng Hai. Bà Suu Kyi đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính và phải đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự có thể khiến bà bị cầm tù trong nhiều năm.
Bộ Ngoại giao Myanmar, hiện do quân đội kiểm soát, cho biết hôm thứ Năm rằng chương trình nghị sự được đề xuất của ông Yusof có các yêu cầu “vượt ra khuôn khổ luật hiện hành”. Bộ Ngoại Giao không nói rõ họ đề cập đến yêu cầu nào, nhưng ông Yusof trước đó đã nói rằng ông đã yêu cầu được gặp bà Suu Kyi.
Quyết định ngăn Myanmar tham gia hội nghị thượng đỉnh được đưa ra trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc ai sẽ là người đại diện cho nước này trên trường quốc tế. Chính quyền nói rằng các cuộc bầu cử năm ngoái đã bị hủy hoại bởi tình trạng gian lận tràn lan, một tuyên bố không được các giám sát viên chấp nhận và quân đội đã tìm cách hợp pháp hóa quyền đại diện. Trong khi đó, một chính quyền ngầm, Chính phủ Thống nhất Quốc gia, do thành viên của chính phủ bị lật đổ thành lập đã vận động để được công nhận là đại diện hợp pháp của đất nước này.
Vị trí của Myanmar tại Liên hợp quốc cũng đang bị tranh chấp, vì chính quyền hiện tại đang tìm cách thay thế đại diện thường trực do chính phủ dân sự bổ nhiệm bằng một người trung thành với quân đội. Cuộc tranh chấp vẫn đang tiếp tục mặc dù người do quân đội chọn không có khả năng có được phiếu đồng thuận của các quốc gia thành viên.
Nguồn: WSJ