VNTB – Chỗ nào cũng phải chung chi

VNTB – Chỗ nào cũng phải chung chi

Hoài Nguyễn

(VNTB) –  Cáo trạng của vụ án “chuyến bay giải cứu” đọc công khai tại tòa, cho thấy đến thủ tục nào cũng buộc phải chung chi…

 

Vậy là một khi đã đâm lao, đành theo lao. Đó có thể là tâm trạng chung của những doanh nghiệp tham gia vào những dịch vụ của “chuyến bay giải cứu”.

Với khẩu hiệu “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch Covid-19, tháng 4-2020, Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân đang mắc kẹt ở nước ngoài hồi hương.

Nhiệm vụ này được giao cho tổ công tác 5 bộ: Ngoại giao, Y tế, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng. Trong đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) sẽ phê duyệt hoặc từ chối kế hoạch tổ chức chuyến bay (số lượng, tần suất chuyến bay, doanh nghiệp thực hiện, nơi cách ly, người dự kiến về…) trên cơ sở đề xuất của Bộ Ngoại giao.

Thực hiện chủ trương trên, số liệu cho biết các cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức được hơn 1.000 chuyến bay giải cứu, chuyến bay ‘combo’ đưa hơn 200.000 người dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các quy định mang tính thủ tục cho việc “không để ai bị bỏ lại sau lưng” thì cứ đến bộ nào là phải biết “chung chi” theo yêu cầu từ những viên chức thẩm quyền trong vụ này.

Theo cáo trạng, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan chủ yếu chỉ lựa chọn các doanh nghiệp được cấp trên chỉ định, do người thân nhờ hoặc doanh nghiệp đã chi tiền trước để đưa vào danh sách đề xuất cấp phép chuyến bay.

Nữ cục trưởng còn hướng dẫn doanh nghiệp mượn nhiều pháp nhân khác để được cấp nhiều chuyến bay mà không bị chú ý.

Với doanh nghiệp chưa thỏa thuận đưa hối lộ, bà Lan và nhiều thuộc cấp gây khó dễ bằng cách không đưa vào danh sách (dù lãnh đạo Chính phủ đồng ý chủ trương cấp phép), thường xuyên thông báo ngày bay sát với ngày doanh nghiệp nhận được thông báo hoặc đổi kế hoạch bay… Mục đích việc gây khó này là để ép doanh nghiệp phải gặp gỡ và đưa hối lộ mới đề xuất cấp phép.

Đến cửa của bà Lan vẫn chưa đủ, tiếp đến là phần “phải quấy” với ông Tô Anh Dũng – cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao – có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay theo đề xuất của Cục Lãnh sự – tức đề xuất của bà Lan, trước khi xin ý kiến của tổ công tác năm bộ.

Theo kết luận điều tra, cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng và đại diện 13 doanh nghiệp không thỏa thuận về số tiền sẽ phải chung chi, nhưng cả hai bên đều hiểu việc doanh nghiệp được tham gia tổ chức chuyến bay sẽ có lợi nhuận.

Đại diện doanh nghiệp sẽ phải chi tiền “cảm ơn”, và thực tế ông Dũng đã nhiều lần nhận tiền “hậu tạ” này. Ông Dũng hơn 30 lần nhận tổng số 21,5 tỷ. Những lần nhận tiền diễn ra tại phòng làm việc của thứ trưởng, ngoài quán cà phê hoặc nhà hàng.

Xong phần thủ tục bên Bộ Ngoại giao, bước sang Bộ Y tế, một lần nữa các doanh nghiệp phải “bôi trơn theo yêu cầu”. Theo đó, Phạm Trung Kiên, khi làm thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, có đến 253 lần nhận tiền hối lộ với số tiền lên đến 42,6 tỷ. Cáo trạng thể hiện thời điểm đó, Bộ Y tế phân công thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo và xin cho khách lẻ được về nước.

Phạm Trung Kiên là “gác cửa” trong chuyện “trình ký” này ở khâu thủ tục hành chính tại Bộ Y tế cho “chuyến bay giải cứu”.

Tại Bộ Công an, cựu cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh Trần Văn Dự được phân công duyệt, ký các văn bản trả lời Bộ Ngoại giao về kế hoạch tổ chức chuyến bay combo. Hai thuộc cấp Vũ Anh Tuấn (phó Phòng tham mưu) và Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Phòng tham mưu) được giao giúp việc cho ông Dự. Ba cựu cán bộ công an này đã tạo thành “một nhóm lợi ích” từ liên hệ, gặp gỡ đến yêu cầu doanh nghiệp chung chi để được cấp phép chuyến bay.

Xâu chuỗi lại trong chuyện qua cửa nhà quan, đã hối lộ lần đầu thì buộc các bước tiếp theo cũng phải chung chi tiếp, nếu không sẽ là “công dã tràng” của những cú áp phe “chuyến bay giải cứu”.

Điểm chung nhất ở các cửa nhà quan, đó là những người nắm giữ trọng trách đều là đảng viên đảng cộng sản; họ luôn được cho là thấm nhuần Tư tưởng Hồ Chí Minh…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)