Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chủ tịch: chức vụ nguy hiểm nhất Việt Nam

Cảnh Chân


(VNTB) – Nguy hiểm nhất là ghế chủ tịch nước

 

 

Ghế nguy hiểm nhất

Nguy hiểm nhất phải nhắc đầu tiên là ghế chủ tịch nước: hai đời chủ tịch nước gần đây, không ai ngồi yên cho đến hết nhiệm kỳ.

Ông Trần Đại Quang đột tử do “nhiễm virus lạ” khi mới lên chức chủ tịch được 2 năm 172 ngày. Tiếp theo, ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ ngay lúc đương nhiệm chủ tịch nước kiêm tổng bí thư. Còn ông Nguyễn Xuân Phúc thì bị đồng đảng phế truất theo dạng “buộc phải từ chức” khi làm chủ tịch nước chưa được 22 tháng”.

Ông Võ Văn Thưởng mới lên chưa ổn định vị trí, chưa biết tương lai nhiệm kỳ sẽ như thế nào. Và những ngày gần đây, tin đồn tổng bí thư nguy kịch đang râm ran khắp mạng xã hội, báo hiệu một thay đổi lớn cho vị trí đứng đầu đảng cầm quyền Việt Nam.

Mới khai trương đầu năm, ngày 02/01/2024, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, Trần Văn Hiệp mở hàng “checkin trại giam” với tội “Nhận hối lộ”. Vì có hành vi nhận hối lộ trong vụ án Vạn Thịnh Phát liên quan đến Dự án khu đô thị Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng. Cũng trong vụ Vạn Thịnh Phát, hồi tháng 3/2023 công an đã bắt ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng và tới tháng 8/2023 thì bắt thêm bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ I của Văn phòng Chính phủ do liên quan tới siêu dự án Đại Ninh.

Nhìn lại năm 2023

Dịp Noel, 25/12/2023, ông Nguyễn Thanh Bình, đương kim chủ tịch tỉnh An Giang bị bắt tạm giam vì liên quan vụ khai thác cát lậu. Không chỉ chủ tịch tỉnh, mà tháng 8/2023, công an cũng đã bắt tạm giam Trần Anh Thư, phó chủ tịch tỉnh An Giang và Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cùng về tội “Nhận hối lộ”.

Ngày 18/12, hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh bị HĐXX tuyên phạt tổng cộng 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án Nha Trang Golden Gate, số 28E Trần Phú, TP Nha Trang. Cùng vụ án, ông Võ Tấn Thái (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT, Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa) bị tuyên phạt mức án 4 năm tù.

Ngày 14/12/2023, bí thư tỉnh Bến Tre, Lê Đức Thọ bị bắt về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, theo Điều 358 Bộ luật Hình sự. Ông này bị kỷ luật và cách hết mọi chức vụ vào tháng 8/2023 do bị phát hiện liên quan tới bê bối của Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.

Tại Thanh Hoá, nguyên chủ tịch – phó bí thư tỉnh Nguyễn Đình Xứng cùng hai thuộc cấp là Cù Đình Hiền (cựu phó chánh Văn phòng UBND tỉnh); Bùi Văn Nam (cựu phó trưởng Phòng kinh tế tài chính) bị khởi tố ngày 21/10/2023. Do liên quan đến vụ án xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng công trình Hạc Thành Tower, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền gần 56 tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng loạt quan chức khác ở Thanh Hoá gồm cựu bí thư, phó bí thư, cựu chủ tịch, phó chủ tịch, tỉnh uỷ viên, giám đốc sở… cũng bị kỷ luật, cách chức do liên quan tới những vụ án FLC, AIC. Nổi bật nhất là ông Trịnh Văn Chiến, cựu chủ tịch kiêm cựu bí thư tỉnh.

Tại Lào Cai, bộ ba quan chức gồm Nguyễn Văn Vịnh (cựu Bí thư tỉnh Lào Cai), Doãn Văn Hưởng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai) và Nguyễn Thanh Dương (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai) bị bắt ngày 18/5/2023. Công an cáo buộc dàn lãnh đạo này đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác quặng Apatit trái phép.

Ở Phú Yên, ngày 14/9/2023, Phạm Đình Cự, cựu chủ tịch tỉnh và Đỗ Duy Vinh cựu Giám đốc Sở Tài chính bị khởi tố vì gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Quay ngược thời gian trở về những năm về trước

Ngay tại thủ đô Hà Nội, hai đời chủ tịch liên tiếp là Nguyễn Đức Chung và Chu Ngọc Anh đều bị bắt giam khi còn tại chức do liên quan tới hối lộ. Ở Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất Việt Nam, bí thư Đinh La Thăng cũng bị bắt khi còn đương nhiệm, và đang chịu án 13 năm tù với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đà Nẵng, thành phố được cho là đáng sống nhất Việt Nam có tới hai chủ tịch là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đang thụ án tổng cộng 27 năm tù do liên quan tới Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm).

Bình Dương, thủ phủ công nghiệp có tới 2 chủ tịch và 1 bí thư đang ngồi tù, gồm Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 2 cựu Chủ tịch tỉnh Trần Thanh Liêm và Lê Thanh Cung. Đó là chưa kể các quan chức thuộc cấp của những người này.

Giáp Bình Dương là Đồng Nai, có 2 lãnh đạo ngồi tù từ 2022 vì tội nhận hối lộ gồm Đinh Quốc Thái, cựu chủ tịch tỉnh và Trần Đình Thành, cựu bí thư tỉnh Đồng Nai. Kế bên Đồng Nai, nguyên chủ tịch tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Ngọc Hai đang thụ án 5 năm tù do sai phạm liên quan dự án Khu dân cư Tân Việt Phát 2 gây thất thoát hàng chục tỷ đồng.

Nếu phải thống kê thêm đại biểu quốc hội, bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng, chủ tịch mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, chủ tịch, bí thư huyện/xã, giám đốc, thủ trưởng các phòng, sở ban ngành… thì danh sách này có thể dài hơn đường Quốc lộ 1A. Bộ Nội vụ cho biết, từ ngày 1-1 đến 15-12-2023, tổng số cán bộ đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật là 17.808 người.

Tại Việt Nam, người ta kết nạp đảng và làm chính trị để tìm kiếm lợi ích cá nhân. Cho nên những con số này chỉ một phần nhỏ trên bề nổi của tảng băng chìm, trong số 5,5 triệu đảng viên hiện nay. Nhưng nó thể hiện rõ bộ mặt của một bộ máy cầm quyền thối nát và vô cùng nguy hiểm, không chỉ cho dân mà còn cho chế độ, cho chính những người đảng viên trong bộ máy đó. Ngay cả những vị trí cao nhất như chủ tịch, bí thư, đại biểu quốc hội, bộ trưởng còn thi nhau từ chức, đột tử, đi tù…, thì quả thật, bây giờ làm cộng sản coi bộ hết an toàn rồi!


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Cộng sản gửi thư dụ dỗ người tị nạn quay về: mật ngọt chết ruồi

Bùi Ngọc Dân

VNTB – ĐBQH muốn dân đổi nhà cho nhau: Chiêu trò cướp đất mới

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Sư Thích Minh Tuệ “được hộ tống” về đất Phật

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo