VNTB – Chưa có chính sách tiêm dịch vụ?

VNTB – Chưa có chính sách tiêm dịch vụ?

Thái An

 

(VNTB) – Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên bố chắc nịch rằng họ sẽ chích ngừa Covid-19 cho dân chúng với quyền lựa chọn vắc xin, mà sớm nhất sẽ là AstraZeneca vào tháng 7-2021.

 

“Hiện nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có kế hoạch tiêm vắc xin cho toàn dân trong tỉnh. Bên cạnh nguồn vắc xin được Bộ Y tế phân bổ và tiêm miễn phí cho từng nhóm đối tượng. Để nhanh chóng miễn dịch cộng đồng, tỉnh cũng đang tiếp cận nhiều nguồn vắc xin phòng Covid-19, cụ thể là: Vắc xin Astrazeneca (Anh), Pfizer BioNTech (Mỹ), Sputnik V (Nga).

Thông qua các đơn vị được Bộ Y tế công bố đủ điều kiện nhập khẩu và phân phối vắc xin vào thị trường Việt Nam, tỉnh sẽ tổ chức đàm phán, kiểm soát, chất lượng, số lượng, giá thành. Sau khi có giá chính thức và xác định chủng loại vắc xin cần mua, Tỉnh sẽ công bố thông tin rộng rãi cho người dân, doanh nghiệp, người lao động.

Trước mắt doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động thì chủ động đăng ký số lượng cho Sở Y tế để tổng hợp” – Trích Văn bản số 2846/SYT-NV ngày 11-6-2021 của Sở Y tế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Nhu cầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại các doanh nghiệp và người dân hiện nay là rất cao. Tuy nhiên điểm khó khăn hiện nay là chưa có chính sách, lộ trình về việc mua vắc xin và tiêm ngừa cho các nhóm (ngoài nhóm ưu tiên), kể cả trường hợp doanh nghiệp, đơn vị có nguồn vắc xin và tự trả phí.

Tại phiên họp thường trực Chính phủ diễn ra hôm 18-6, có ý kiến cho biết sau khi tiêm vắc xin cho nhóm ưu tiên xong mới xây dựng chính sách cho việc tiêm dịch vụ. Điều này cho thấy nếu không sớm có ‘lực đẩy’ về chính sách, Việt Nam vẫn sẽ triển khai tiêm lần lượt theo đối tượng ưu tiên rồi mới đến các nhóm kế tiếp.

Một chuyên gia trong ngành y tế cho rằng nếu cứ lần lượt tiêm vắc xin như dự kiến của yêu cầu Nghị quyết số 21/NQ-CP, “Về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19”, thì để đạt được 70% của 70 triệu người được tiêm phải cần thời gian rất dài. Điều này cũng khó cho việc đạt được miễn dịch cộng đồng, trở lại cuộc sống bình thường.

“Nên chăng, song song với việc tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên, chúng ta nên đồng thời mở rộng ra thêm các nhóm ưu tiên kế tiếp. Từ đó có chính sách huy động các nguồn lực, các thành phần cùng tham gia tìm nguồn vắc xin. Tuy nhiên việc tìm nguồn vắc xin COVID-19 cũng cần được giao ‘hạn mức’ cho các doanh nghiệp để tránh tình trạng dư thừa khi vắc xin về dồn dập” – vị chuyên gia đề xuất thêm.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, nếu có chính sách tiêm vắc xin ngừa COVID-19 dịch vụ và có sự giám sát của Bộ Y tế, của Chính phủ sẽ san sẻ được gánh nặng cho cơ sở y tế công lập trong thời gian tới.

“Nhu cầu tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 hiện nay là cấp bách, nếu mở rộng các hình thức tổ chức tiêm sẽ dễ đạt mục tiêu tiêm chủng. Việc giao chiến dịch tiêm chủng này cho 63 tỉnh thành triển khai, Bộ Y tế giám sát sẽ tốt hơn nhiều so với hiện nay chỉ có Ban Chỉ đạo tiêm chủng quốc gia lo cho tất cả” – một chuyên gia khác trong ngành y tế bày tỏ.

Tháng 5-2021, Moderna đã uỷ quyền cho một công ty phân phối 5 triệu liều cho Việt Nam. Chính quyền TP.HCM đề xuất sẽ dùng nguồn ngân sách địa phương để được mua toàn bộ vắc xin này; bên cạnh đó, chính quyền TP.HCM vẫn tiếp tục hưởng ứng việc quyên góp tiền vào quỹ vắc xin của Chính phủ.

Đại diện Trung tâm tiêm chủng VNVC tại TP.HCM cho biết đến thời điểm này đơn vị có gần 1 triệu khách hàng là cá nhân hoặc doanh nghiệp đăng ký tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19. Những người này khi đăng ký ở hệ thống tiêm chủng VNVC, tức là họ đã chọn chích ngừa vắc xin dịch vụ.

Ngay khi VNVC chưa công bố thời gian triển khai, giá tiền cho mỗi liều vắc xin là bao nhiêu đã có nhiều người đăng ký. Như vậy, có thể thấy nhu cầu chích ngừa vắc xin dịch vụ phòng COVID-19 là rất lớn.

Tuy nhiên tất cả vẫn đang phải chờ…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)