Kiều Phong
(VNTB) – Từng đó sự thật cho thấy ở Việt Nam, công đoàn quốc doanh bênh vực giới chủ là nhà nước nhiều hơn hẳn so với việc bảo vệ lợi ích của công nhân lao động.
Điều kiện tự thân để cá nhân chuyển đổi nghề
Thảm họa Formosa tàn phá môi trường biển miền trung Việt Nam là chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngư dân, những người bỗng dưng không còn công ăn việc làm. Nhà nước hứa đại khái là sẽ chuyển đổi nghề nghiệp cho họ, hoặc ưu tiên xuất khẩu lao động.
Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn là một học giả tầm thế giới am hiểu sâu sắc về diễn tiến lịch sử triết học và triết học chính trị nói riêng. Ông đã quan sát nhiều xã hội và từ đó rút ra những điều kiện cần để một cá nhân chuyển đổi nghề nghiệp. Ông đặc biệt chú ý đến quan điểm của các triết gia lớn là Humboldt, Hegen và Immanuel Kant. Theo ông, điều kiện cần để dễ dàng chuyển nghề là có được một sự giáo dục cần thiết, được khai triển từ khái niệm “Buildung” trong tiếng Đức mà tiếng Anh dịch là “Education”, hoặc sát nghĩa hơn, “Formation”. Buildung là tiến trình đi từ bản thể sang chủ thể ( theo Hegel). Nếu trước đây, giáo dục gắn liền với dạy dỗ và truyền đạt kiến thức theo cách hiểu thông thường thì từ Humboldt, nó mang nặng yếu tố tự chủ, tức là sự tự đào luyện nhân cách . Humboldt minh họa giản dị như sau: “ Có những kiến thức nhất định nào đó là điều ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, lại càng phải có sự đào luyện những tâm thế và tính cách không ai được phép thiếu cả. Mỗi người rõ ràng chỉ có thể trở thành một thợ thủ công, một doanh nhân, một binh sĩ hay công chức tài giỏi, khi người ấy trước hết là một con người và là một công dân được khai minh, tốt lành và đàng hoàng, độc lập với nghề nghiệp đặc thù của mình. Có được sự giáo dục cần thiết cho công việc này rồi, thì người ấy về sau sẽ dễ dàng học lấy một nghề và bao giờ cũng có thể tha hồ thay đổi nghề nghiệp như vẫn thường xảy ra trong cuộc sống”.
Humboldt là cây đại thụ được cả thế giới ngưỡng mộ, thành quả cải cách giáo dục của ông đã vực dậy nước Đức trở lại hàng siêu cường (sau khi thua cuộc trong chiến tranh với Pháp), tư tưởng giáo dục của ông ảnh hưởng tới mô hình và nguyên lý tổ chức đại học , và do đó là tổ chức xã hội trên toàn thế giới một cách sâu sắc. Vì vậy, có thể hay không thể chuyển đổi nghề nghiệp cho người Việt Nam hay không, nên đối chiếu với nguyên lý của Humboldt.
Ngư dân Việt Nam đã nhận được sự giáo dục như thế nào? Hầu hết ngư dân học chương trình học phổ thông ngắn hơn những tầng lớp khác trong xã hội Việt Nam (không vì thế mà ta nói rằng họ nhận thức về xã hội kém hơn). Cộng thêm việc chương trình giáo dục dưới đại học của Việt Nam mang nặng mục đích tuyên truyền cho đảng phái, nhà trường không giúp học sinh trở thành “chủ thể” mà biến thành “bản thể”- cụ thể là một thứ “con người xã hội chủ nghĩa” rất mơ hồ (đến nỗi cho đến nay thấy lứa nào xuất hiện). Nghĩa là khi ngư dân còn là học sinh, họ không được giáo dục để có khả năng tự chủ và tự đào luyện nhân cách. Từ nhỏ ngư dân không được khai minh, càng không có được những hành trang độc lập với nghề nghiệp của mình.
Vì vậy xét trên quan điểm triết học của Humboldt, ngư dân Việt Nam không hề có điều kiện để dễ dàng chuyển đổi sang những nghề khác.
Công đoàn nhà nước làm gì cho chuyển nghề?
Thế giới phương Tây thực hành chứng tỏ rằng, để có được một nghề nghiệp ổn định trước những biến động của thời cuộc thì người lao động phải tham gia công đoàn. Một đất nước thực sự có công đoàn đúng nghĩa thì số lượng những nghiệp đoàn độc lập hẳn phải rất đông đúc và đa dạng. Thế nhưng số lượng nghiệp đoàn của Việt Nam hiện nay thì quá ít so với nhu cầu, chất lượng của các nghiệp đoàn thì thua cả so với các làng nghề thời triều đình phong kiến.
Trên giấy tờ, Việt Nam cũng có công đoàn, nhưng công đoàn này lại đi theo chủ trương của nhà nước, mà nhà nước lại nắm giữ phần lớn tiền bạc của dân tộc thông qua những công ty quốc doanh. Nghĩa là công đoàn của Việt Nam bảo vệ vừa bảo vệ lợi ích cho giới chủ, vừa nói rằng mình bảo vệ lợi ích cho người lao động. Điều này hết sức phi logic, vì tinh thần của nghiệp đoàn hay công đoàn là sinh ra để giúp người lao động chống lại giới chủ ngõ hầu đòi được các quyền lợi chính đáng. Chủ tịch tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và chủ tịch các công đoàn thành viên hết thảy đều là do đảng- nhà nước chỉ định từ trên xuống, không có ai là do công nhân bầu từ dưới lên. Từng đó sự thật cho thấy ở Việt Nam, công đoàn quốc doanh bênh vực giới chủ là nhà nước nhiều hơn hẳn so với việc bảo vệ lợi ích của công nhân lao động.
Với một loại công đoàn như vậy, ngư dân sau khi chuyển đổi nghề nghiệp không thể yên tâm đi vào công ty và doanh nghiệp. Biểu hiện là cho đến bây giờ, chưa có văn bản chính thức nào đưa ra được con số thể hiện nhà nước đã giúp chuyển đổi nghề thành công cho bao nhiêu phần trăm ngư dân là nạn nhân của Formosa.
Xuất khẩu lao động có khả thi?
Thời Pháp thuộc, cũng như thời chính quyền Sài Gòn, con dân Việt Nam không cần phải tha hương nơi xứ người để cầu thực như ngày hôm nay. Chính sách xuất khẩu lao động giá rẻ của chính phủ Hà Nội từ lâu đã bị nhân dân phản đối. Ngày hôm nay nhà nước lại đưa ra chính sách ưu tiên xuất khẩu lao động cho ngư dân chịu thảm họa Formosa Hà Tĩnh.
Ở nước ngoài, thành phố nào có lao động Việt là nơi đó có ăn trộm và cư xử thiếu văn hóa, cảnh sát những nước đó luôn ghi nhận người Việt chiếm tỉ lệ lớn trong danh sách người cư trú bất hợp pháp nhiều nhất. Lý do là, sau khi làm một thời gian, công nhân Việt không được gia hạn hợp đồng. Nhưng nếu quay về Việt Nam thì đường sống quá khó khăn, họ đành phải sống chui lủi và trở thành dân cư bất hợp pháp ở xứ người.
Cộng với một thứ được gọi là cách mạng kỹ thuật ngày nay, những phát minh vô tình làm cho việc làm càng trở nên khan hiếm. Thanh niên các nước châu Âu cũng đang thất nghiệp rất nhiều, vì vậy cánh cửa xuất khẩu lao động đang khép lại và trở nên quá hẹp so với người của các nước nghèo, trong đó có cả Việt Nam. Hiện nay trên thế giới, người ta không còn tranh nhau miếng ăn nữa, người ta đang tranh nhau việc làm. Nhiều nước châu Âu đang mơ ước dân số có việc làm nộp thuế nuôi 6-8% dân số thất nghiệp còn lại. Nước ngoài không hề thiếu lao động. Do đó, nếu nhà nước Việt Nam phát ngôn rằng ưu tiên xuất khẩu lao động cho những ngư dân là nạn nhân của Formosa thì đó chỉ là động tác mị dư luận mà thôi.
Một chế độ cộng sản ngay cạnh Việt Nam là Trung Quốc cũng đã gặp bài toán khó này. Việc khai thác than để phát triển kinh tế quá mức chịu đựng dẫn đến thảm họa môi trường, dẫn đến việc nhà nước Trung Quốc buộc phải mạnh tay cắt giảm sản xuất ngành này. Vì vậy nhà nước phải chuyển đổi nghề cho 1,8 triệu công nhân ngành than mất việc, nhưng dự án chuyển đổi đã thất bại thảm hại. Các phóng sự phản ánh đúng thực trạng được quay bởi chính các phóng viên truyền hình nhà nước Trung Quốc. Nguyên nhân chuyển đổi thất bại có lẽ cũng vì Trung Quốc không có công đoàn độc lập.
Chúng ta hãy chờ xem nhà nước Việt Nam có xuất bản một phóng sự hay một thống kê đúng sự thật hay không.
Tham khảo: “Dao sắc mới cắt được mọi thứ”. Buildung: Cuộc phiêu lưu của một khái niệm – Bùi Văn Nam Sơn.