Nha Trang
(VNTB) – Cuối tháng 12-2019, phát biểu trong phiên họp chính phủ, ông Nguyễn Phú Trọng có câu ví von được rất nhiều báo chí rút ra để làm tít tựa hoặc làm phần đề dẫn: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”.
Có lẽ vì Việt Nam luôn có mặt trời tỏa sáng như thi sĩ Tố Hữu hồi nào ví von “mặt trời chân lý chói qua tim”, nên ngay cả trong bối cảnh cả thế giới tiếp tục căng thẳng vào cuộc chống dịch virus Corona đến từ Vũ Hán, Trung Quốc thì giới truyền thông Việt Nam loan tin từ các phát ngôn của quan chức chính phủ, rằng Việt Nam chuẩn bị “xóa” dịch và tuyên bố trị được virus đến từ Trung Quốc đại lục này.
Nhà báo tự do Nguyễn Huy Cường nói rằng ông rất muốn tin vào những điều tốt đẹp mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đang ra sức tuyên truyền đó. Qua quan sát diễn biến sơ bộ, nhà báo Nguyễn Huy Cường nêu bốn vấn đề mang tính cảnh báo.
Thứ nhất, nước Nga chính thức ngưng cấp visa, cấm nhập cảnh với người Trung Quốc từ ngày 20-2, vào thời điểm ở Việt Nam đang chuẩn bị tuyên bố “hết dịch”. Cùng lúc đó, Pháp lo ngại dịch bệnh do virus này sẽ sớm được đổi thành đại dịch, nếu xét theo các tiêu chuẩn của các tổ chức y tế quốc tế.
Thứ hai, thông tin từ một cơ quan nghiên cứu ở Bắc Kinh nhìn nhận số cán bộ Y tế nước này nhiễm bệnh vì Corona cao hơn con số chính phủ công bố hai lần. Nghĩa là khoảng hơn 3.000 người bị, trong đó diện nhiễm nặng, nguy cơ cao khoảng 1.700 người. Một trong những lý do đội ngũ bác sĩ nhà nghề này “bị” nhiều là vì họ không được phổ biến, không sẵn sàng nhưng vẫn phải làm việc.
Nếu cảnh báo về Corona của bác sĩ Lý Văn Lượng cùng nhóm 8 người ngay khi dịch khởi phát được nhìn nhận, lan tỏa thì có lẽ 3.000 người này không “bị”. Khi 3.000 bác sĩ này “bị”, có thể hiểu Trung Quốc mất đi năng lực điều trị cho 100.000 người, tạm tính trong hai tuần lễ cao điểm.
Thứ ba, đến ngày 18-2-2020, trên du thuyền 5 sao của Nhật Bản đã có ít nhất 542 người nhiễm virus Corona. Nên nhớ, môi trường cách ly, quan tâm của chính phủ Nhật, Mỹ, Canada và vài nước có người trên tàu là tuyệt vời. Con tàu neo đậu biệt lập ngoài khơi, khác hẳn vùng Vũ Hán của Trung Quốc hay Sơn Lôi của Việt Nam.
Thứ tư, cho đến hôm nay ở Việt Nam dường như chưa nghe thông báo về một cơ quan cấp quốc gia mang tính chuyên nghiệp với đặc tính nhanh – gọn – nhạy – mạnh mẽ, để chuyên tiếp nhận cảnh báo dịch bệnh các loại, kể cả không phải virus Corona.
Theo góc nhìn của phóng viên chuyên trách mảng y tế, nhà báo Kim Sơn nói rằng điều thứ tư của lo lắng kể trên là có cơ sở. Bởi nếu có một cơ quan chuyên nghiệp như vậy, sẽ không xảy ra việc lúng túng lúc này ở ngành y tế Đà Nẵng. Theo đó, chiều ngày 19-2, giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến có báo cáo về trường hợp bệnh nhân người Hong Kong mắc bệnh COVID-19 có đi du lịch đến Đà Nẵng.
Theo bà Yến, thông tin từ chính quyền Hong Kong nêu bệnh nhân là đàn ông, 45 tuổi, được gọi là bệnh nhân thứ 59. Thời điểm bệnh nhân rời khỏi Đà Nẵng ngày 1-2, đến lúc phát bệnh ngày 12-2 là 11 ngày. Điều này cho thấy nhận định bệnh nhân ủ bệnh trong thời gian ở tại Đà Nẵng là không chắc chắn và thiếu cơ sở.
Bà Yến cho rằng nếu bệnh nhân ủ bệnh trong thời gian lưu trú tại Đà Nẵng thì đó là thời điểm 3-4 ngày đầu của giai đoạn ủ bệnh. Lúc đó, nồng độ virus rất thấp, khó có khả năng lây bệnh cho người tiếp xúc gần. Thông thường, nồng độ virus COVID-19 cao nhất để lây là thời điểm 1-2 ngày trước khi khởi bệnh.
Kể từ ngày bệnh nhân rời Đà Nẵng đến nay đã quá thời gian 14 ngày, nhưng các ca bệnh nghi ngờ phát hiện tại Đà Nẵng đều có kết quả âm tính với COVID-19. Do vậy, khả năng bệnh nhân này mắc bệnh tại Đà Nẵng hoặc lây truyền bệnh cho người dân Đà Nẵng hầu như không có.
Người đứng đầu ngành y tế của thành phố lớn nhất miền Trung này cũng chỉ dám dùng các từ ngữ ở mức ‘nước đôi’, không khẳng định mà cũng chẳng phủ định.