Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Nội các chính phủ của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 14 đang bị ‘thay máu’ để phù hợp với cơ cấu nhân sự của Đảng.
Có lẽ trong lịch sử Quốc hội của Việt Nam từ sau 1975 đến nay, đây là lần đầu tiên dàn nội các của chính phủ bị buộc phải thay đổi để phù hợp với nhân sự khóa mới của Đảng, bất chấp điều này đã vi phạm Luật tổ chức Quốc hội phiên bản năm 2020, Luật tổ chức Chính phủ phiên bản năm 2019, và trên hết là vi phạm Hiến pháp 2013.
Chợt nhớ tới câu để đời của cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?”.
Và lúc này là chuyến tàu vét của những quan chức đang phải chịu cách ‘thay máu’ – dĩ nhiên thiệt hại vẫn là người dân khi đã quyết sai khi chọn các đại biểu của mình tại Quốc hội để dẫn đến những cú áp phe ‘hốt hụi chót’ ở hiện tại.
Báo chí đưa tin, trong một văn bản do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký thay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 6-4 gửi UBND tỉnh Quảng Trị và các bộ liên quan về triển khai dự án cảng hàng không (sân bay) Quảng Trị.
Theo đó, việc Thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền để tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay Quảng Trị được dựa trên đề nghị của Bộ Giao thông – vận tải, ý kiến của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Văn bản trên cho thấy đây là chuyến tàu vét quyền lực của ông Nguyễn Xuân Phúc, người vừa rời ghế Thủ tướng để chuyển sang làm Chủ tịch nước. Gọi là chuyến tàu vét vì câu chuyện sân bay Quảng Trị vốn gây tranh cãi lâu nay với cùng câu hỏi: một tỉnh như Quảng Trị – cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) và sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) chỉ chưa đến 100 km – thì việc xây dựng sân bay có hợp lý không và con số hơn 8.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho sân bay này có quá sức với nhu cầu của một tỉnh nhỏ như Quảng Trị?
Phía chính quyền tỉnh Quảng Trị giải thích như sau: nói Quảng Trị lâu nay vốn là trung tâm tâm linh. Người dân cả nước có sẵn nhu cầu về Quảng Trị viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm các khu di tích hoài niệm như Thành cổ, địa đạo Vịnh Mốc…, nhất là các dịp lễ như 30-4, 27-7, 2-9. Ngoài ra, Quảng Trị còn là nơi có trung tâm hành hương Đức mẹ La Vang – một địa chỉ tâm linh lớn của Công giáo. Mỗi năm nơi này đón hàng trăm ngàn lượt người từ khắp cả nước về hành lễ.
Thật ra ở đây còn thêm một ý nữa: vì sao đã có sân bay Quốc tế Đà Nẵng lại vẫn đang có thêm sân bay Quốc tế Chu Lai của tỉnh Quảng Nam với khoảng cách đường chim bay giữa hai nơi chỉ là 89 km?
Đã có sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, vẫn tiếp tục đầu tư mới sân bay Quốc tế Long Thành ở Đồng Nai, vậy thì Quảng Trị sao lại không được quyền xây dựng sân bay cho nhu cầu du lịch tâm linh – một biểu hiện rất rõ để có thể truyền thông rằng Việt Nam luôn luôn tạo điều kiện cho thể hiện quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo…
Hôm 5-4-2021, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng ký thay cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc văn bản Quyết định số 525/QĐ-TTg, phê duyệt dự án sân golf tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) được khai thác trong 50 năm do Công ty cổ phần tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.
Dự án sân golf của FLC được sự chấp thuận của ông Nguyễn Xuân Phúc về việc ‘chuyển đổi’ 155,93ha rừng thành ‘đất sân golf’.
Gọi là chuyến tàu vét, vì vào đầu tháng 12/2020, theo phản ánh của báo chí, nhiều chuyên gia cảnh báo, việc triển khai đầu tư dự án sân golf Đak Đoa phải chuyển đổi hàng trăm ha rừng, trong đó gần 156 ha rừng thông ba lá gần 50 tuổi quý giá và thảm thực vật tại đây biến mất, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.