Thảo Vy (VNTB) Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an TP.Yên Bái đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nhà báo Lê Duy Phong – Trưởng ban Bạn đọc báo Giáo dục Việt Nam – về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Nhà báo Lê Duy Phong lúc bị CA Yên Bái”bắt quả tang” |
Như vậy, nếu coi nhà báo Lê Duy Phong là người có quyền hạn, chức vụ, thì những ngưởi đưa tiền cho ông Lê Duy Phong là hành vi “đưa hối lộ”, không phải người bị chiếm đoạt tài sản. Và nếu họ khai nhận về số tiền đã đưa cho nhà báo Lê Duy Phong, họ sẽ bị xem xét truy tố về tội đưa hối lộ theo Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Công an cáo buộc gì?
Hôm qua, 28-6, tại buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm 2017 của Bộ Công an, đại diện Bộ này nói rằng phía Công an tỉnh Yên Bái có gửi lên Bộ Công an một báo cáo về chuyện ngày 16-6, phóng viên Lê Duy Phong đã đến Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này, nêu một số vi phạm của Sở và yêu cầu ông Sáng chuyển 200 triệu đồng để bỏ qua các sai phạm, không đăng tải các thông tin lên báo. Sau đề nghị của Phong, ông Sáng không đủ tiền nên đã chuyển cho Phong 100 triệu đồng trước, sau đó chuyển tiếp 100 triệu còn lại cho Phong.
Còn Thượng tá Chu Văn Hải, Phó trưởng Phòng tham mưu, Công an tỉnh Yên Bái, cho biết vào khoảng 12 giờ 45 ngày 22-6, ông Lê Duy Phong đi ô tô biển số 30E-35481 tới nhà hàng Oanh Hiện (ở tổ 66, phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái) để ăn uống cùng với một số người. Tại đây, cơ quan công an cho biết ông Phong đã có hành vi nhận tiền của một doanh nghiệp hoạt động tại tỉnh Yên Bái và đã bị cơ quan Công an TP Yên Bái bắt quả tang.
Trao đổi với báo chí, Thượng tá Chu Văn Hải cho biết, tại thời điểm bắt quả tang, công an xác định Lê Duy Phong nhận 50 triệu đồng của phía doanh nghiệp, nhưng Thượng tá Hải lại từ chối tiết lộ thông tin của doanh nghiệp này, vì cho rằng cần phải bảo vệ thông tin của bị hại do vụ án đang trong quá trình điều tra. Ngoài ra, theo lời khai ban đầu, Phong cũng nhận hàng trăm triệu đồng của một số cá nhân, doanh nghiệp khác trên địa bàn Yên Bái.
Liên quan đến vụ việc, trên mạng xã hội xuất hiện một bản tường trình của nhân chứng về vụ việc nhà báo Lê Duy Phong bị bắt. Trao đổi với đồng nghiệp, lãnh đạo báo điện tử Giáo dục Việt Nam xác nhận đây là bản tường trình của nhân chứng đi cùng và chứng kiến vụ việc nhà báo Lê Duy Phong bị bắt. Theo nhân chứng này, ngày 22-6, nhà báo Lê Duy Phong có cuộc gặp một người bạn học và một giám đốc doanh nghiệp tại một nhà hàng ở TP Yên Bái. Sau khi nhậu say, ông giám đốc doanh nghiệp rút 50 triệu đồng đưa nhưng nhà báo Duy Phong không nhận. Cũng theo tường trình của nhân chứng, vị giám đốc doanh nghiệp đã cố nhét tiền vào túi ông Phong và sau đó ít phút công an ập vào bắt. Trả lời về vấn đề này, Thượng tá Chu Văn Hải nói: “Mục đích đưa và nhận tiền, sau này kết quả điều tra của cơ quan công an sẽ làm rõ. Với tài liệu điều tra ban đầu, cơ quan công an khởi tố nhà báo Duy Phong về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình điều tra sẽ làm rõ mục đích nhận tiền”.
Như vậy, nếu đúng là ông Phong nhận hối lộ thì nên sắp tới đây sẽ xem xét trách nhiệm hình sự của Tổng biên tập báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về dấu hiệu bao che tội phạm. Còn nếu đúng là ông Phong bị người ta nhét tiền vào túi khi say, thì nên khởi tố các công an ở Yên Bái và chủ doanh nghiệp về tội cưỡng ép bắt người vô tội.
Hành vi đưa hối lộ
Nhà báo Lê Duy Phong là tác giả loạt bài về biệt phủ ở Yên Bái của gia đình Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu – Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, và gia đình ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trưởng tỉnh Yên Bái.
Nếu so sánh với tội nhận hối lộ, thì người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như người phạm tội nhận hối lộ ở chỗ: Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội rộng hơn, chỉ khác nhau ở chỗ: Người phạm tội nhận hối lộ lại không có hành vi chiếm đoạt tài sản, mà là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ.
Chủ thể của tội nhận hối lộ, chủ thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới chiếm đoạt được tài sản của người khác. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức, còn người thực hành, thì nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.
Như vậy, như tường trình của nhân chứng đi cùng và chứng kiến vụ việc nhà báo Lê Duy Phong bị bắt, khả năng ở đây đồng phạm với người đưa hối lộ với số bạc được cho là 50 triệu đồng, không chỉ là nam đồng nghiệp công tác bên đài truyền hình đang ngồi cùng bàn với nhà báo Lê Duy Phong, mà có thể còn là những nhân viên công lực đã “giăng bẫy – xúi” vị doanh nhân này “dúi” số bạc vào túi nhà báo Lê Duy Phong.
Dĩ nhiên chuyện “đưa hối lộ” cũng sẽ thoát nếu như kịch bản tiếp theo từ CQĐT là viện dẫn khoản 6 Điều 289 Bộ luật hình sự: “Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”.
Tại họp báo hôm qua 28-6, về việc Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái đưa tiền cho Lê Duy Phong có bị xem xét về hành vi đưa hối lộ hay không, trung tướng Trần Kim Tuyến – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, việc này đang xem xét, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý. Theo ông Tuyến, vụ việc đang trong quá trình điều tra nên không thể cung cấp thông tin nhiều hơn.
Kịch bản… facebooker Trần Minh Lợi
Tháng 9-2016, Công an tỉnh Đăk Nông cho rằng ông Trần Minh Lợi (48 tuổi) đã “gài bẫy” trung uý hình sự nhận 60 triệu đồng để “chạy” tại ngoại cho các bị can đánh bạc.
Theo kết luận điều tra, hồi tháng 1-2016, Công an huyện Đăk Mil, Đăk Nông bắt 6 người đánh bạc tại xã Thuận An. Người thân của các con bạc gọi điện cho trung úy Lãnh Thanh Bình (cảnh sát hình sự Công an huyện) để hỏi về việc làm đơn xin bảo lãnh thì được cán bộ này “gợi ý chung tiền”. Thông qua Facebook, Nguyễn Xuân An (31 tuổi) biết ông Lợi thường xuyên nhận đơn thư, tố cáo giùm người dân về các hành vi tiêu cực của cán bộ nên đã liên hệ nhờ ông này trợ giúp. Ông Lợi nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn An quay phim, chụp ảnh lại quá trình đưa 60 triệu đồng cho vị cảnh sát này.
Khi có bằng chứng sai phạm của trung úy Bình, ông Lợi gọi điện cho cảnh sát hình sự này uy hiếp trả lại tiền, đưa tiền cho mình, đồng thời tác động để cho các con bạc được tại ngoại. Sợ bị tố cáo, Bình trả tiền, còn việc tại ngoại thì không thể giúp. Vài ngày sau toàn bộ hình ảnh trên được ông Lợi đưa lên trang Facebook cá nhân để tố cáo hành vi nhận hối lộ của trung úy Bình.
Trở lại với vụ nhà báo Lê Duy Phong. Ngày 26-6-2014, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã tới Yên Bái công bố quyết định thanh tra đột xuất về một số vấn đề liên quan đến việc “sở hữu” nhiều đất đai của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này. Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết: Việc thanh tra được tiến hành trên cơ sở phản ánh của các cơ quan báo chí, ý kiến đại biểu quốc hội về vấn đề tài sản, đất đai của gia đình ông Phạm Sĩ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, cũng như các ý kiến băn khoăn về tính khách quan nếu tỉnh Yên Bái tự thanh tra. Bên cạnh đó, chính quyền Yên Bái cũng có ý kiến đề nghị Thanh tra Chính phủ làm rõ dư luận này, thay vì tự thanh tra như dự kiến ban đầu.
“Phản ánh của các cơ quan báo chí” mà ông Phạm Trọng Đạt nói tới, chính là loạt bài báo điều tra mà nhà báo Lê Duy Phong là tác giả, trong vụ việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép đối với hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý – PV), sử dụng đất đai tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, TP Yên Bái. Ông Phạm Sỹ Quý là em trai Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái – bà Phạm Thị Thanh Trà. Bà Trà cũng là người ký quyết định bổ nhiệm ông Quý làm Giám đốc Sở TN&MT chỉ vài ngày trước khi thôi làm Chủ tịch UBND tỉnh để làm Chủ tịch HĐND trong kỳ họp bất thường của cơ quan dân cử này.
Như vậy, với việc dàn dựng kịch bản đầy lộ liễu “dúi 50 triệu” trên bàn nhậu, và “báo cáo án 200 triệu của giám đốc sở” để sau đó khởi tố nhà báo Lê Duy Phong, cho thấy dường như có một thế lực phe nhóm nào đó đang muốn triệt tận gốc quyền lực của bà Phạm Thị Thanh Trà, qua việc tạo làn sóng truyền thông phản đối chuyện “bẫy nhà báo” của Công an Yên Bái.
1 comment
"Nhà báo Lê Duy Phong là tác giả loạt bài về biệt phủ ở Yên Bái của gia đình Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu – Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, và gia đình ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trưởng tỉnh Yên Bái".
Vậy một trong hai ông này đều có thể gài bẫy để khởi tố nhà báo lê Duy Phong, trả thù và bịt đầu mối. Với ông tướng GĐ công an cs thì vu cáo nhét giẻ vào mồm nhà báo đang có bài viết tố cáo về mình là quá dễ như sấp ngửa bàn tay.
Khi quyền lực thối ruỗng thì kẻ nắm quyền bất kể ở cấp nào dù là tội phạm vẫn có thể ngang nhiên được ngồi ghế phán xử khép tội bất kể ai mà nó muốn. Kẻ bị tố cáo lập tức xử tội người tố cáo.
Tội ác lên ngôi