Nguyễn Nam
(VNTB) – Gọi là báo chí nhà nước, vì đây là các tòa soạn hoạt động theo giấy phép và định hướng tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Còn “bệnh phu” là chữ Hán, có ‘nghĩa đen’ là sự bạc nhược, yếu đuối, không có tinh thần, vô dụng.
Các quốc gia Tây phương thì gọi nước Trung Hoa là “the sick man of Asia”. Đông Á chỉ những người Trung Quốc, bệnh phu là sự bạc nhược, yếu đuối, không có tinh thần, vô dụng. Tất cả điều này là do Nha phiến – một chất gây nghiện được chiết xuất từ cây thuốc phiện. Ban đầu thực dân Anh đưa nha phiến vào Trung Quốc chỉ muốn kiếm tiền mà không nghĩ tới làm suy yếu đất nước Trung Hoa.
Nhưng thật không ngờ đất nước này lại bạc nhược đến như vậy, chỉ trong vòng gần 40 năm từ một triều đình mạnh nhất phương Bắc, đã trở thành một quốc gia không còn ý chí chiến đấu.
Đi qua một trăm năm mươi năm, Trung Quốc vẫn là “Đông Á bệnh phu” với đủ các giá trị của một nền chính trị chuyên chế, toàn trị; với những mỹ từ phủ lên trên nội hàm đầy trí trá và luôn đe dọa bạo lực.
Hiện tại trong các bài báo về dịch virus Corona, chỉ cần quan sát cách mà các tòa soạn báo chí Việt Nam rút tít tựa, viết đoạn mở đầu…, là hiểu ngay về một “Trung Quốc bệnh phu” của năm 2020.
Đơn cử ở bài “Số nhân viên y tế nhiễm virus corona ở Trung Quốc có thể hơn 3.000 người” trên báo Tuổi Trẻ ngày 18-2, có đoạn viết: “Một nghiên cứu mới đây ở Trung Quốc cho thấy sự lây nhiễm virus corona chủng mới nơi các nhân viên y tế Trung Quốc trên thực tế cao gấp đôi so với số liệu của chính phủ về vấn đề này”.
Ở bài “Áp lực về tính minh bạch số liệu corona của Trung Quốc”, báo Tuổi Trẻ ngày 16-2, có đoạn mở đầu: “Dù Trung Quốc được nhận xét đã minh bạch hơn về số liệu trong đợt bùng phát dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới, chính quyền Mỹ vẫn không tin tưởng Bắc Kinh”. Bài báo viết rằng chính quyền Trung Quốc từng bị cáo buộc che đậy, quản lý kém và chậm trễ trong đợt bùng phát đại dịch SARS, dẫn tới sự chỉ trích rộng rãi từ các lãnh đạo thế giới khi nó lan ra hàng chục nước. Đến nay, nhiều thông tin nói rằng ca SARS đầu tiên bắt đầu từ tháng 11-2002, còn cơ quan y tế Trung Quốc cảnh báo dịch bệnh hô hấp vào giữa tháng 12 cùng năm, nhưng phải mất vài tháng mới tiết lộ với công chúng…
Tuy nhiên – nói theo kiểu dân dã Việt Nam, dường như nhà nước Trung Quốc vẫn ‘chứng nào tật nấy’. “Trung Quốc tiếp chuyên gia Mỹ nhưng không hứa cho đi Vũ Hán” là bài báo ngày 17-2 trên tờ Tuổi Trẻ. Diễn biến chuyến đi này đúng là đoàn chuyên gia Mỹ cùng tổ chức Y tế thế giới đều không được phép đến Vũ Hán, nơi được cho là đã phát sinh virus Corona, với nghi vấn từ sơ suất của một phòng thí nghiệm sinh học nằm gần chợ thực phẩm Vũ Hán.
Chiều 13-2, trên các báo đều có chung tin tức với nội dung vào sáng 13-2, thế giới bị sốc khi chứng kiến số liệu thống kê dịch COVID-19 do Trung Quốc công bố trên toàn đại lục tính đến hết ngày 12-2 là 15.152 ca nhiễm mới và 254 người chết. Riêng tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch, là gần 15.000 ca nhiễm mới và thêm 242 người chết. Điều đáng nói chỉ mới một ngày trước, nhiều quan chức còn lạc quan vì dịch có dấu hiệu chậm lại, thậm chí tin tưởng nó sẽ kết thúc vào khoảng tháng 4.
Theo giới quan sát, thay đổi đột ngột trong thống kê ở Trung Quốc càng gây thêm khó khăn cho các chuyên gia trong việc xác định quy mô thật sự của dịch COVID-19, giữa lúc những hiểu biết của khoa học về chủng virus corona mới này còn rất ít.
Trong một diễn biến khác, chính phủ Việt Nam đã loan tin rằng họ đang chuẩn bị công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam. Mặc dù vậy, hai chính quyền ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Sài Gòn vẫn bảo lưu ý kiến cần cho học sinh, sinh viên trên địa bàn nghỉ học đến hết tháng 3-2020 để ngừa lây lan của dịch COVID-19.
Để không là một phiên bản của “Trung Quốc bệnh phu” như những gì mà báo chí Việt Nam tường thuật, có lẽ những nhà kỹ trị Việt Nam cần chấm dứt tâm bệnh, qua việc ràng buộc trong cái không gian u tối Đông Á bởi những câu mỹ miều:
“Sơn thủy tương liên
Văn hóa tương đồng
Lý tưởng tương thông
Vận mệnh tương quan”.