Hoài Nguyễn
(VNTB) – Sự gương mẫu, ‘nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói’ của Tổng bí thư là chỗ dựa vững chắc…
Trước thềm Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 (dự kiến diễn ra ngày 30-6), Trưởng Ban Nội chính trung ương Phan Đình Trạc cho biết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua đạt được nhiều kết quả to lớn.
Theo ông Trạc, nguyên nhân có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, mà trực tiếp, thường xuyên là sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước.
Cạnh đó là sự gương mẫu, “nói đi đôi với làm” của Tổng bí thư, trưởng Ban Chỉ đạo và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành. Sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà trước hết là kiểm tra Đảng, nội chính, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương và địa phương.
Đặc biệt, theo ông Trạc, là vai trò vô cùng quan trọng của người đứng đầu và các lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt của Tổng bí thư, trưởng Ban Chỉ đạo, của nhân dân và báo chí.
“Sự gương mẫu, quyết liệt “nói đi đôi với làm” và “làm đi đôi với nói” của Tổng bí thư, trưởng Ban chỉ đạo và các lãnh đạo chủ chốt; là chỗ dựa vững chắc, đảm bảo về mặt chính trị và tạo động lực to lớn. Do đó, đây là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua”, ông Trạc nêu rõ.
Với những gì mà ông Phan Đình Trạc – người từng là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, nói về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy nếu nhìn bằng con mắt của học trò bậc phổ thông trung học, thì hóa ra ở những nhiệm kỳ trước đó, cũng như các tiền nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng đều là các “đầu lĩnh” toàn là “nói không đi đôi với làm”, và “làm không hề đi đôi với nói” – nôm na là “đừng nghe những gì người cộng sản nói mà hãy nhìn những gì mà người cộng sản làm” (?!).
Như vậy phải chăng thể chế chính trị Việt Nam hiện nay đang đeo đuổi “Đức trị” thay vì “Pháp trị” như nêu tại Điều 2.1 của Hiến pháp 2013: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Lý thuyết cho biết, đức trị là học thuyết cai trị con người theo đạo đức. Việc cai trị cũng chính là việc giáo dục đạo đức, làm cho con người nhận ra sự suy đồi của mình, từ đó sửa chữa bản thân để trở nên có đạo đức, nhờ vậy xã hội sẽ trở nên ổn định, trật tự và tốt đẹp hơn.
Học thuyết này coi tư cách người cầm quyền quan trọng hơn luật lệ, hễ có người yêu dân, làm gương cho kẻ dưới thì nước sẽ an bình. Khổng Tử nói: “Nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp chế, cấm lệnh mà dắt dẫn dân chúng; chuyên dùng hình phạt mà trị dân, thì dân sợ mà chẳng phạm pháp đó thôi, chứ họ chẳng biết hổ ngươi. Vậy, muốn dẫn dắt dân chúng, nhà cầm quyền phải dùng đức hạnh; muốn trị dân, nhà cầm quyền phải dùng lễ – tiết, thì chẳng những dân biết hổ ngươi, họ lại còn cảm hóa mà trở nên tốt lành”.
Còn pháp trị là học thuyết cai trị con người dựa trên luật pháp buộc mọi người phải tuân theo.
Những người chủ trương pháp trị đa số cho rằng, bản chất con người là tư lợi, nên giáo dục đạo đức là không cải thiện gì nhiều, cách duy nhất cai trị hiệu quả là dùng pháp luật, hình phạt nghiêm khắc, thưởng phạt công bằng, như vậy nhà cầm quyền chẳng cần tài đức mà nước cũng được yên.
Các nhà tư tưởng ở phương Tây cho rằng: Nhân dân phải đấu tranh bảo vệ pháp luật như bảo vệ chốn nương thân của chính mình. Xã hội không thể tồn tại nếu thiếu pháp luật. Nhà nước phải tôn trọng, phục tùng pháp luật, tôn trọng pháp luật là tôn trọng lý trí, công bằng và trí tuệ phổ biến, nếu không quyền lực sẽ lạc lối.
Các nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời cổ đại, cũng khẳng định rằng pháp luật thống trị tất cả và đã đưa ra lý thuyết về sự tổ chức hợp lý quyền lực nhà nước.
Một quốc gia phải lệ thuộc vào đạo đức của lãnh đạo tối cao như cách mà ông Phan Đình Trạc tụng ca Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, xem ra nên lo nhiều hơn là vui mừng của việc ra đời một đấng minh quân xã hội chủ nghĩa.
Phải không chỉ khi nào pháp trị song hành và phát huy sức mạnh cùng đức trị thì chúng ta mới có thể từng bước tạo ra sức mạnh bảo vệ công lý và công bằng xã hội – những cơ sở quan trọng làm nên sự bền vững của một thể chế và hạnh phúc của mỗi con người.