Việt Nam Thời Báo

VNTB – Còn ác hơn cả mẹ Cám

Nghĩa Thục

 

Bạn đọc viết

 

(VNTB) – Đến năm 2021, tại Saigon Pearl, mới thấy một câu chuyện thực, còn hơn cả Tấm Cám.

 

Sự việc thương tâm về bé gái 8 tuổi ở căn hộ tại Saigon Pearl, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM đang là vấn đề gây bức xúc cho nhiều cư dân mạng.

Càng bức xúc nhiều hơn nữa khi bản thân là cha ruột của bé, có ăn học đàng hoàng, gia đình cũng thuộc hàng trí thức, có gia thế, song lại chọn phương án im lặng, để cho ‘mẹ kế’ hành hạ con gái mình đến chết.

Nhớ lại câu chuyện từ lúc còn tấm bé, được mẹ kể, rồi sau đó được học dưới mái trường, mang tên Tấm Cám. Đây là một câu chuyện cổ tích, mà ngày xưa theo lời thầy cô, có nhiều dị bản khác nhau ở các quốc gia.

Nhắc đến Tấm Cám, có lẽ, đa số nhiều người đều biết đến. Trong câu chuyện cổ tích này, nếu nhớ không lầm, cha của Tấm mất sớm, Tấm sống với dì ghẻ (mẹ kế) và em kế là Cám. Cái thuở xưa ấy, “mấy đời bánh đúc có xương…”, Tấm luôn bị chèn ép từ lúc còn trong gia đình cho đến khi trở thành hoàng hậu, là lẽ dễ hiểu.

“Trong các câu chuyện cổ tích Việt Nam, có lẽ, Tấm Cám là câu chuyện ác nhất”, một người thầy đã nói với tôi như vậy. Có lẽ đúng như thế, năm lần bảy lượt người mẹ ghẻ hại Tấm; rồi Tấm trả thù, làm mắm cô em gái gửi về cho mẹ….

Song, dù sao đi chăng nữa, đó cũng là một câu chuyện cổ tích, là một sản phẩm của văn học dân gian. Đến năm 2021, tại Saigon Pearl, mới thấy một câu chuyện thực, còn hơn cả Tấm Cám.

Một nét chung ở cả hai câu chuyện, cổ tích và đời thực, đều liên quan đến mẹ ghẻ. Song, ở Tấm Cám, người cha của Tấm đã mất sớm, còn đằng này, cha của bé V.A. vẫn còn sống. Không những thế, người cha “học thức” đó còn biết bé bị mẹ kế bạo hành, bị mẹ kế đánh đập. Thế mà vẫn dửng dưng…

Đây là một sự độc ác không thể chấp nhận được đến từ vai trò đấng sinh thành ruột thịt. Nếu trách người mẹ kế một, thiết nghĩ, người cha ruột, trách trăm, trách ngàn, vẫn chưa hết tội.

Trong Tấm Cám, dù có thế nào đi chăng nữa (chặt cây, chặt xoan đào, giết vàng anh…) thì những hành động đó cũng chỉ xảy ra một lần, không đem đến nỗi đau dai dẳng. Nhưng điều mà bé V.A. phải gánh chịu là nỗi đau của ngày này qua ngày nọ; là những trận la mắng, nói theo kiểu của truyền thông, hàng xóm nghe thường xuyên.

Tấm khi còn trong gia đình, chỉ có một thân một mình, nhưng bé V.A. thì khác, có cha ruột, có ông bà nội ruột, gia đình biết lễ nghĩa. Thế nhưng, buồn nhiều khi số phận của bé không khác gì cô Tấm trong truyện. Cô Tấm còn có chuỗi ngày (dù ít ỏi) hạnh phúc trong chốn hoàng cung, còn với bé, là chuỗi ngày, có lẽ là ám ảnh với mẹ kế cùng người cha vô trách nhiệm.

Mình thì thắc mắc, vì sao ông bà nội lại không lên tiếng trước vụ này. Không lẽ không biết cháu mình có vết thương trên người? Nếu bắt gặp, chẳng lẽ không mảy may nghi ngờ là cháu mình từng bị hành hạ? Nhất là với tin ông nội có nghiệp vụ về y khoa nữa.

Dân gian có câu “hổ dữ không ăn thịt con”. Có thể nói, ngay đến cả con vật, trước những tình huống nguy hiểm, còn sẵn sàng đứng ra che chở, bảo vệ cho con cái của mình. Vậy mà, một người có học thức, gia đình thuộc loại “khoa bảng” lại hành động như thế! (mặc dù, được biết, phần đông cái gia đình học hành đàng hoàng đều không có hành động vô nhân tính như vậy).

Không biết rằng sự việc này sẽ đi về đâu? Rồi cũng sẽ chìm xuồng như bao vụ việc khác?

Cũng mong rằng, gieo nhân gì sẽ gặt quả nấy…


Tin bài liên quan:

VNTB – Về quê ăn Tết

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Khi con bò bị miệt thị

Trương Thế Tử

VNTB – Vì sao lại yêu cầu ‘bắt khẩn cấp’ đối với ông Nguyễn Kim Trung Thái?

Phan Thanh Hung

1 comment

Giang 29.12.2021 12:26 at 12:26

Dù gia đình này là ai gia thế khủng cở nào mà độ tàn ác vô cảm với một đứa trẻ như thế xã hội cần công bố để mọi người biết mà cẩn thận giao tiếp vì bọn này tôi nghĩ bản chất nó rất tàn độc với bộ cánh che đậy bề ngoài. Có thể nguy hiểm cho xã hội!

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo