VNTB – Con nhà nghèo đừng mơ vào đại học

VNTB – Con nhà nghèo đừng mơ vào đại học

Mai Lan

(VNTB) – Đâu chỉ nhà nghèo, với những gia đình trung lưu, thì gánh nặng học phí ở bậc đại học sắp tới đây cũng có thể khiến họ ‘sấp mặt’ chạy tiền.

Học phí chương trình đào tạo đại học chính quy của trường Đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) là 11,7 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, học phí các chương trình theo đề án trong năm 2020-2021, cao nhất lên tới 44 triệu đồng.

Học phí trường ĐH Y dược TP.HCM hiện nay thu theo nghị định Chính phủ, với tất cả các ngành là 13 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, trường vừa công bố học phí khóa năm 2020, từ 30-70 triệu đồng/năm tùy theo ngành.

Khoa y – ĐH Quốc gia TP.HCM đào tạo ba ngành y khoa, răng hàm mặt và dược. Năm nay, học phí khoa này tiếp tục tăng so với khóa tuyển sinh 2019. Cụ thể, ngành răng hàm mặt 88 triệu đồng/năm học (tăng 8 triệu đồng), y khoa 60 triệu đồng (tăng 4 triệu đồng) và dược học 55 triệu đồng… Trường ĐH Y dược Cần Thơ công bố học phí khóa năm 2020 theo đề án tự chủ của chương trình đại trà, cũng tăng lên 24,6 triệu đồng.

Trường ĐH Luật TP.HCM đưa ra mức học phí năm học 2020-2021 dự kiến là: lớp đại trà 18 triệu đồng; lớp Anh văn pháp lý: 36 triệu đồng; lớp chất lượng cao ngành Luật và ngành Quản trị kinh doanh: 45 triệu đồng…

Theo công bố của trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP. HCM) mức học phí năm học 2020-2021 chương trình đại trà là 20 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao là 35 triệu đồng, chương trình tiên tiến là 40 triệu đồng/năm, tăng từ 2 triệu đến 5 triệu đồng/năm so với năm học trước.

Về phía quản lý nhà nước, đã đưa ra lập luận sau đây cho việc tăng học phí đại học công lập: việc duy trì chế độ bao cấp giáo dục đại học trong thời gian dài chính là lý do khiến giáo dục đại học ở Việt Nam kém phát triển so với các nước trong khu vực. Hầu hết các nước trên thế giới, nhà nước chỉ có thể  bao cấp cho giáo dục bắt buộc, còn giáo dục không bắt buộc thì người học phải tự chi trả hoặc cùng chia sẻ với nhà nước.

Lập luận nêu trên khi so với thế giới là khập khiễng, vì giáo dục đại học ở Việt Nam vẫn tiếp tục ‘bao cấp học thuật’, tức vẫn chưa có được quyền tự do hàn lâm, hay còn gọi là tự do dạy và học. Tự do hàn lâm được xem như là thành tố quyết định của giáo dục đại học, bất kể trường đại học ấy có được tự trị về mặt tài chính và tổ chức hay không.

Đại học không phải là nơi truyền thụ kiến thức sao chép, mà là nơi truyền thụ phương tiện nhận thức. Nhờ đó, những kiến thức mới mẻ sẽ được sản sinh ra từ tư duy mang tính chất sáng tạo của con người. Đại học luôn cần một không gian mở cho sự tự do hàn lâm, và tư duy sáng tạo để thực sự là một cái nôi đào tạo cho nhiều thế hệ.

Ở Việt Nam một khi vẫn buộc các trường đại học phải bảo thủ với tư tưởng của đảng chính trị, thì với những giới hạn của quyền tự do dạy và học, sẽ khó ‘đồng bộ’ với số học phí tương ứng khi mang so sánh với những quốc gia khác.

Tạm gác qua những yêu cầu về tự do học thuật, tự do giảng dạy, chỉ tính về khoản học phí này với gia đình trung lưu, giả dụ có hai đứa con cùng học bậc đại học công lập, thì với mức tăng cao như kể trên đang khiến họ không dễ xoay sở; vì bên cạnh học phí, còn là những khoản tiền cho giáo trình, cho ký túc xá và các sinh hoạt tối thiểu khác của sinh viên.

Có thể phần nào hình dung khó khăn này của bậc phụ huynh, qua câu chuyện công ty PouYuen cuối tuần qua đã thông báo cho nghỉ việc gần 3.000 công nhân, trong tổng số khoảng 62.000 lao động do đơn hàng liên tục giảm mạnh, không xác định sẽ kéo dài đến khi nào vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

PouYuen được xem là một trong những công ty sản xuất giày có quy mô lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Việc cắt giảm lao động của công ty này không quá bất ngờ đối với nhiều doanh nghiệp ngành dệt may và da giày. Nhiều doanh nghiệp dệt may tại TP.HCM hoặc phải cho nghỉ 30 – 40% lao động, hoặc đóng cửa tạm nghỉ kể từ đầu tháng 4 đến nay.

Trong khó khăn được dự báo là sẽ còn kéo rất dài đó vì dịch bệnh Covid, sắp tới đây xem ra túi tiền của mỗi gia đình sẽ thâm thủng mạnh, nếu như họ vẫn cố kham khoản học phí cho con em mình tiếp tục theo đuổi bậc đại học công lập.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (2)
  • comment-avatar
    Anh Quang 4 years

    Vào đại học là vì tương lai tươi sáng, nhưng cũng không đồng nghĩa ai cũng phải có cái bằng đại học. Ông bà mình đã nói, nhất nghệ tinh nên học một cái nghề tử tế, kiếm sống lương thiện và làm giàu từ cái nghề học được có khi là còn tốt gấp vạn lần học đại học rồi đi làm nhà nước, học cái thói hư tật xấu hư hết con người.

  • comment-avatar
    Minh 4 years

    Chuan khong can chinh