Việt Nam Thời Báo

VNTB –  Công khai số điện thoại lãnh đạo: dân tuý để mị dân

Trần Chân Dân

 

(VNTB) – Chính cái quy trình “hành là chính” đó lại là nguồn gốc của những bức xúc, bất cập.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải vừa có chuyến kiểm tra việc thực thi công vụ về lĩnh vực đất đai và các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Tại nơi kiểm tra, ông Hải đã trực tiếp gắn đường dây nóng có số điện thoại của cá nhân mình và số của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh để người dân có thể phản ánh các vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính, hồ sơ về đất đai.

Chỉ sau hai ngày công khai số điện thoại ông Hải cho biết đã tiếp nhận trên dưới 1.000 cuộc gọi và hàng loạt tin nhắn của người dân. Theo ông thì người dân gọi điện, nhắn tin chủ yếu liên quan đến vấn đề giải quyết đất đai, tồn đọng từ năm 1980 trở về trước.

Báo chí đặt câu hỏi về việc là chủ tịch UBND tỉnh nhưng với tần suất cuộc gọi nhiều như vậy liệu có ảnh hưởng đến cá nhân cũng như công việc điều hành chung hay không? Ông Hải cho biết trên thực tế sau khi công khai số điện thoại, cả hai máy điện thoại của ông liên tục đổ chuông, tuy nhiên việc này không ảnh hưởng đến công việc chung. “Công khai số điện thoại cũng vì phục vụ người dân. Khi giải quyết công việc chung, họp hành thì tôi để chế độ im lặng, hết giờ tôi sẽ gọi lại” – ông Hải trả lời báo chí.

Các nhân viên, công chức tại Hà Tĩnh cũng cho biết nhờ có đường dây nóng này mà họ bị áp lực hơn, từ những áp lực đó khiến cho họ co thêm tinh thần giải quyết công việc tốt hơn. Bà Trần Hà Phương – chuyên viên Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Thạch Hà – Lộc Hà làm việc tại Trung tâm Hành chính công huyện Lộc Hà nói: “Tôi cảm thấy áp lực hơn khi lãnh đạo tỉnh dán số điện thoại làm số đường dây nóng như vậy. Áp lực nên tôi sẽ làm việc tâm huyết, trách nhiệm, nghiêm túc hơn nữa để người dân hài lòng, tin yêu”.

Dựa vào câu trả lời của cán bộ thuộc cấp của ông Hải thì đã thấy mâu thuẫn. Vì nhờ chủ tịch công khai số điện thoại mà cán bộ mới có tinh thần, tâm huyết hơn. Vậy trước đây những viên chức này làm việc như thế nào?  Có phải các cơ quan hành chính ở tỉnh này chủ yếu hành là chính, trì trệ đến mức chủ tịch tỉnh phải công khai số điện thoại thì bộ máy mới vận hành trơn tru?

Đó là chưa kể nếu chỉ trong 2 ngày công khai số điện thoại mà chủ tịch tỉnh nhận tới 1000 cuộc gọi thì có phải Hà Tĩnh đang có rất nhiều bất cập. Người dân gặp muôn vạn rắc rối nên mới phải gọi liên tục cho người đứng đầu tỉnh như vậy?

Bên cạnh đó, với 1000 cuộc gọi như vậy thì cứ khoảng hơn một phút là có một cuộc gọi. Vậy ông chủ tịch có trả lời hết không? Trước đây đã có nhiều trường hợp các lãnh đạo tỉnh công khai số điện thoại để người dân có thể liên lạc trực tiếp. Trong thời gian đầu thì báo chí khen ngợi rất nhiều. Nhưng chỉ sau một thời gian thì các đường dây nóng đã tự nguội, vì các lãnh đạo không nghe máy hoặc có gọi cho chủ tịch, thậm chí tổng bí thư cũng không giải quyết được gì.

Còn nhớ năm 2015, bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng đã công khai số điện thoại và email cá nhân. Và cũng chưa đầy một ngày sau thì ông này nhận được khoảng 150 cuộc điện thoại, gần 1.000 tin nhắn SMS và hơn 100 email phản ánh hầu hết các lĩnh vực. Trong thời gian đó báo chí và truyền thông đã thi nhau ca ngợi cách tiếp cận người dân của ông bí thư này. Nhưng chỉ một khoảng thời gian sau, Nguyễn Xuân Anh bị cách hết mọi chức vụ vì liên quan tới hàng loạt sai phạm. Ông này cũng được cho là liên quan tới đại án Vũ Nhôm với cáo buộc nhận nhà và xe do Phan Văn Anh Vũ hối lộ.

Ngoài ra, thông tin của các cấp lãnh đạo Việt Nam cũng từng được công khai trong sách “Niên giám Quốc hội – Chính phủ khóa XIV và Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021”. Tuy nhiên việc công khai này cũng không mang lại nhiều hiệu quả, khi mà hàng loạt lãnh đạo các cơ quan ban ngành từ trung ương tới địa phương trong nhiệm kỳ này đã bị kỷ luật, ra toà, vào tù trong nhiều đại án khác nhau như Việt Á, “chuyến bay giải cứu”, Nhật Cường, Vũ Nhôm, Tân Thuận…

Vì vậy việc công khai số điện thoại, email của các quan chức hoàn toàn không giải quyết được gì mà còn cho thấy rất nhiều bất cập và tồn đọng trong xã hội Việt Nam hiện nay. Những vấn đề về đất đai, tham nhũng, hay những tố cáo, bức xúc của người dân thì để phải được xử lý đúng quy trình của đảng cộng sản đề ra. Nhưng chính cái quy trình “hành là chính” đó lại là nguồn gốc của những bức xúc, bất cập. Muốn xử lý tận gốc các nan đề này thì chỉ có một cách là đổi mới cơ chế, nhưng liệu có quan chức lãnh đạo nào dám đứng ra làm đổi mới?


 

Tin bài liên quan:

Gánh nặng quê nghèo: Ròng rã hơn 10 năm gánh các khoản thu phi lý (II)

Phan Thanh Hung

Gánh nặng quê nghèo: Sức tàn lực kiệt (III)

Phan Thanh Hung

Huyện Kỳ Anh đuổi 155 học sinh cắp sách đến trường

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo