VNTB – Công nhân bị đem thế chấp nuôi chính phủ

Nguyễn Thiện Nhân (VNTB) Người Việt Nam đóng BHXH 32,5% lương tháng, cao nhất khu vực ASEAN. Hầu hết quỹ BHXH được đem cho chính phủ vay nhằm bù đắp thâm thủng ngân sách trầm trọng. Số liệu cảnh báo cho thấy nền kinh tế VN không an toàn, có thể khủng hoảng ngân sách làm mất niềm tin dẫn đến khủng hoảng tài chính. Nếu điều đó xảy ra sẽ làm lạm phát tăng phi mã, người lao động sẽ bị tổn thất nặng nề do số tiền đóng hàng tháng nằm trong quỹ BHXH bỗng bốc hơi vì đồng tiền mất giá.


Theo quyết định 959/QĐ-BHXH 2015 có hiệu lực từ 1.1.2016, mức đóng BHXH(26%) + BHYT(4,5%) + BHTN(2%) = 32,5% quỹ lương. Đó là chưa kể kinh phí công đoàn(2%) và đoàn phí(1%).
Báo Tiền Phong ra ngày 8.8.2016, cho biết người Việt Nam đóng BHXH 32,5% lương tháng, cao nhất khu vực ASEAN. Cụ thể: VN: 32,5 %. Malaysia: 13%. Philippine: 10%. Indonesia: 8%. Thái Lan: 5%.
Điều đáng nói là hầu hết quỹ BHXH được đem cho chính phủ vay nhằm bù đắp thâm thủng ngân sách trầm trọng(dưới hình thức mua TPCP và cho ngân sách vay).
Tại thời điểm 31/12/2015, số tiền dành cho ngân sách nhà nước vay, mua trái phiếu Chính phủ và đầu tư vào dự án thủy điện Lai Châu đã chiến tỷ lệ tới 86,3% số đầu tư của quỹ BHXH, phần còn lại là cho các ngân hàng thương mại nhà nước vay.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về đầu tư của quỹ BHXH, tổng số dư nợ từ đầu tư của các quỹ BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đến cuối năm 2015 vào khoảng 435.129 tỉ đồng. Trong số này, tiền mua trái phiếu chính phủ là 45.500 tỉ đồng; cho ngân sách nhà nước vay 324.000 tỉ đồng; cho ngân hàng thương mại nhà nước vay 59.629 tỉ đồng; cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ 6.000 tỉ đồng.
Tình hình ngân sách và nợ công hiện nay đang căng như quả bóng. Thu Ngân sách dự kiến 2016 không đủ chi thường xuyên, chính phủ phải vay tiền để bù đắp thâm hụt (chủ yếu chi trả nợ và đầu tư các dự án dang dở). Dự kiến tổng số tiền chính phủ vay năm 2016 là 452.000 tỷ đồng. Nợ công VN hiện gần chạm ngưỡng cho phép là 65% GDP, rất cao so với các nước ASEAN. Số liệu cảnh báo cho thấy nền kinh tế VN không an toàn, có thể khủng hoảng ngân sách làm mất niềm tin dẫn đến khủng hoảng tài chính. Nếu điều đó xảy ra sẽ làm lạm phát tăng phi mã, người lao động sẽ bị tổn thất nặng nề do số tiền đóng hàng tháng nằm trong quỹ BHXH bỗng bốc hơi vì đồng tiền mất giá.
Tư duy “trái phiếu chính phủ rất an toàn” đã không còn đúng nữa bởi nếu lạm phát tăng phi mã thì TPCP sẽ sụt giá thê thảm theo thị trường tài chính. Tư duy “cho chính phủ vay rất yên tâm” càng sai bởi Chính phủ lấy tiền đâu để trả nợ khi ngân sách trống rỗng đồng thời lạm phát mất kiểm soát xảy ra? Do đó, việc đem trên 80% Quỹ BHXH cho Chính phủ vay dưới nhiều hình thức là rất nguy hiểm. Chính phủ hãy tự lo liệu vấn đề ngân sách, đừng bắt công nhân phải chịu rủi ro cho sự chi tiêu hoang phí và tham nhũng của chế độ. Cải cách thể chế và siết chặt chi tiêu mới là điều nên làm.
Tham khảo:

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)