Phương Thảo
(Amsterdam)
(VNTB) – Khi buông máy xuống, câu nói đầu tiên đập vô mặt tôi từ phía những người đứng sau các tấm biểu ngữ: “ Con Việt Cộng cái kia, mày cút về Việt nam đi!”
Thủ tướng Phúc đến Hà Lan.
Mỗi một lần có một người đứng đầu nhà nước/ chính phủ Việt nam ra nước ngoài, nhất là các nước phương tây, thì y như rằng sẽ có hai cuộc “đón tiếp” riêng biệt. Một của nhân viên lãnh sự Việt nam tại nước ngoài cùng “một số kiều bào”, và một của người Việt hải ngoại cũng với cờ, biểu ngữ và những lời phản kháng.
Để có được hân hạnh đi đón cùng nhân viên lãnh sự và một số kiều bào hay du học sinh thì phải có mối liên hệ mật thiết với người của lãnh sự quán cũng như kiều bào thân thiết của lãnh sự mà không có thư mời kêu gọi rộng rãi cộng đồng người Việt đi gặp gỡ nguyên thủ quốc gia. Các cuộc đón tiếp ấy luôn là tay bắt mặt mừng với cờ hoa phấp phới.
Cuộc đón tiếp của người Việt hải ngoại là những cuộc đón tiếp tự phát, do cộng đồng tỵ nạn cộng sản tự tổ chức và kêu gọi tham gia trên mạng internet. Và dĩ nhiên không hề có những cái bắt tay hay lời đối thoại nào cả.
Để được phép có được một “cuộc đón tiếp” như thế cần phải xin phép chính quyền, trong đó nêu rõ mục đích của cuộc biểu tình, thời gian và địa điểm. Khi được phép sẽ có cảnh sát hiện diện, giám sát và không được phép vượt qua khu vực đã được cấp phép để tham gia biểu tình, nơi cảnh sát đã căng sẵn một sợi dây nilon trắng đỏ làm dấu.
Lần đầu đi “coi” biểu tình …
Khi đọc được thông tin người Việt biểu tình phản đối phái đoàn của ông Phúc tại Hamburg khi tham gia hội nghị G20 với tư cách chủ nhà của hội nghị APEC vào tháng 11 tới đây, tôi tự hỏi không biết người Việt ở Hoà lan cũng có hành động tương tự. May mắn vào giờ chót biết được thông tin về cuộc biểu tình tôi quyết định đi tới tận nơi.
Ngày thứ hai dù mùa hè nhưng ở khu vực gần biển và quanh các cao ốc thường có gió rất mạnh và hơi lạnh. Tôi đi bộ một quãng sau khi xuống xe tram để tới Churchill Plein ( Quảng trường Churchill) nơi cuộc biểu tình được phép tổ chức.
Lần đầu tiên tới đây, dù có cả google maps nên tôi cũng phải lộn tới lộn lui vài vòng mới tìm ra được đúng nơi. Không đi cắt qua bãi giữ xe mà đi xuyên qua mặt tiền của khách sạn Novotel, nơi có Diễn đàn doanh nghiệp Việt nam – Hoà lan với sự tham gia của ông Thủ tướng Phúc và ông Lodewijck Asscher – Bộ trưởng Bộ Chính sách xã hội và Việc làm Hà Lan. Ngay phía bên trái của toà nhà, tôi nhìn thấy năm sáu cảnh sát Hoà lan đang túm tụm tán dóc rất vui vẻ ngay phía trước ba tấm biểu ngữ và cờ vàng lớn nhỏ.
Tôi lấy máy chụp hình ra chụp một tấm rồi tới gần hơn để chụp một tấm nữa. Vì vẫn còn đang canh chỉnh để chụp hình cho được cái biểu ngữ “ No Democary – No Trade” tôi vẫn chưa kịp nghe rõ những người tham gia biểu tình đang nói đến chuyện gì. Khi buông máy xuống, câu nói đầu tiên đập vô mặt tôi từ phía những người đứng sau các tấm biểu ngữ: “ Con Việt Cộng cái kia, mày cút về Việt nam đi!” .
Có anh nào đó nói “ đừng nói người ta vậy, có khi người ta là nhà báo thì sao”. Tôi quá thật sự bất ngờ mà không thể lên tiếng được ngay cả khi đã có tới ba người đi tới chỗ tôi, vừa hỏi cái gì đó bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Khi lấy lại bình tĩnh thì tôi thật sự nổi giận.
Tôi không nổi giận với một cá nhân nào, nhưng nổi giận với cái tư duy chụp mũ một cách hấp tấp, không cần suy xét mà họ đã mang theo từ nửa vòng trái đất qua tới tận xứ vốn rất tự do này. Một lối tư duy thiển cận tưởng chỉ là đặc trung của dư luận viên hay đám hồng vệ binh trên mạng. Lúc đó tôi hỏi các anh chị đứng ngay trước mặt rằng tại sao thay vì hỏi rõ tôi là ai, mục đích tới đây làm gì mà lại sử dụng những từ ngữ không êm tai và rằng tôi không chấp nhận chuyện miệt thị cá nhân thay vì đối thoại.
Nói qua nói lại rồi thì cũng xong, tôi chấp nhận không bàn luận nữa khi các anh chị nói rằng người phát ngôn trên là người mới tham gia lần đầu và còn trẻ ( thật ra cũng không trẻ lắm đâu với độ tuổi khoảng 35-45 nhưng thật sự trẻ so với những anh chị đã luôn lăn lộn khắp nơi mỗi khi có sự hiện diện của một lãnh đạo Việt nam nào ở Hoà lan). Cuộc biểu tình lúc đó cũng kết thúc khi mới khoảng 3 giờ dù trong thư mời có nói sẽ kéo dài tới tận 4 giờ chiều.
Mọi người lục tục kéo về, sau khi “người trẻ và mới” vẫn cố vớt một câu cuối cùng khi quay lưng đi “ con Việt cộng cái … nó đăng báo …”. Tôi chỉ biết lắc đầu và đi ra ngoài đường cùng với một anh tham gia biểu tình sau 15 phút hiện diện.
Khi đi ngang qua một nhóm người Việt nam từ trong nước qua tham gia Diễn đàn, thật dễ nhận ra họ với các bộ đồ vest sậm màu và phù hiệu cờ Việt nam trên ve áo, anh X đưa ra tấm hình nạn nhân chết trong đồn công an vì “tự tử bằng dao rọc giấy” và hỏi các vị người Việt trên rằng “ các anh chị nghĩ gì khi thấy dân mình bị cắt cổ trong đồn công an?”
Họ quay ngoắt đi như phải đỉa, và vội lên ngay xe taxi đang chờ sẵn để đi bát phố Den Haag trước khi không quên ném cho chúng tôi những cái nhìn có thể nói “ đầy thù hận” hoặc “ ghê tởm đến tột bậc”.
Ngay lập tức có một nhân viên người Hoà lan rất nhã nhặn yêu cầu anh X không được làm phiền nhóm người Việt vì anh không còn ở trong khu vực được phép biểu tình. Và tôi cũng bước đi cho kịp chuyến xe về nhà… cảm thấy thật sự chơi vơi, vô định…
Cộng sản không xong … phản động không đặng…
Những vấn đề mà các cuộc biểu tình gần đây của người Việt hải ngoại thường nêu lên là lãnh hải, Formosa, dân chủ, các vụ tử tử trong đồn công an… những vấn đề vốn làm cho rất nhiều người sống ở nước ngoài đau lòng và bức xúc khi nghĩ về quê hương nhưng lại không lôi kéo được sự chú ý cũng đồng thuận của nhiều người có tâm với quê hương đất nước.
Lý do thứ nhất là cờ quạt. Dù cùng mối quan tâm về chủ quyền đất nước và Formosa nhưng người cầm cờ đỏ sẽ không chịu đứng với người cờ vàng. Chưa nói đến những người không cờ đỏ cũng chẳng cờ vàng như tôi sẽ cũng chẳng có chỗ đứng ở đâu khi người cầm cờ vàng cho tôi là “cộng sản cái” và người cầm cờ đỏ sẽ sẵn sàng gọi tôi là “phản động cái”.
Thứ hai biểu tình, phản kháng ôn hoà nên được sử dụng làm phương tiện chính mà không cổ suý cho bạo động hay miệt thị, hạ thấp cá nhân. Tôi ủng hộ quan điểm dân chủ, tôi ủng hộ việc đuổi cổ Formosa ra khỏi lãnh thổ Việt nam, tôi ủng hộ việc làm rõ các cái chết đầy nghi ngờ của dân thường ở đồn công an. Tuy nhiên tôi không ủng hộ việc chơi chữ nhằm hạ thấp người khác khi ghi tên ông thủ tướng Việt nam là Phuck hay Ma Dơ in Việt Nam.
Để lôi kéo được người có tâm, có lòng với đất nước thì không thể thực hiện bằng việc chửi bới, mạ lỵ khi điều cộng đồng đang cần là sự đoàn kết và đồng thuận. Để có được sự ủng hộ của khúc ruột ngàn dặm thì không thể ném cho họ những cái nhìn thiếu thiện cảm và đầy khinh miệt.
Hết đời nguyên thủ này đến nguyên thủ khác khi ra nước ngoài gặp gỡ “ kiều bào” đều kêu gọi “ Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai” theo tinh thần của nghị quyết 36 về công tác người Việt nam ở nước ngoài; thế nhưng thật sự chưa có một vị nguyên thủ hay nhân viên cấp cao nào dám bước tới trước cái hàng dây nilon trắng đỏ để đối thoại hay dù chỉ nói một vài lời chào hỏi thông thường. Mà thường sẽ lật đật đi qua cho lẹ hay đi vòng tránh né những người mang cờ vàng đang đứng đợi sẵn.
Giả sử, một vị nguyên thủ Việt nam vào một lúc nào đó trong tương tai quyết định bước tới gần những người cầm cờ vàng để bắt đầu cho một cuộc đối thoại giữa hai bên, thì liệu họ sẽ phải đón chịu những lời nói không êm tai như tôi đã từng đón nhận?
Hoà hợp, hoà giải dân tộc để không còn cảnh triệu người vui không thể chung lối với triệu người buồn … có lẽ … đường còn xa vạn dặm …
… Dù sao đi nữa, lần sau nếu có biểu tình trúng ngày nghỉ thì tôi cũng vẫn đi và đi sớm hơn .