VNTB – Đà Nẵng: pháp luật có “hụt hơi”?

VNTB – Đà Nẵng: pháp luật có “hụt hơi”?

Hải Châu

 

(VNTB) – Tâm lý sợ sai, co mình được nhiều đại biểu HĐND TP Đà Nẵng nhắc tới trong các kỳ họp trước đây, bởi vừa qua đời sống chính trị tại thành phố này có những biến động lớn.

 

Hàng loạt cán bộ chủ chốt bị kỷ luật, nhiều dự án bị thanh tra khiến nhiều cán bộ e ngại…

Đó là ghi nhận chung tại kỳ họp cuối cùng trong năm 2020 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng. (*)

Vì sao pháp luật ‘hụt hơi’ ở Đà Nẵng?

“Phải có cơ chế động viên bảo vệ cán bộ dám hành động, đột phá. Vì đây là nguồn lực tinh thần để cán bộ vì thành phố mà dám xả thân cống hiến. Cơ chế phải thực chất bằng yếu tố pháp lý pháp luật. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận cao, tạo ra nguồn lực tinh thần cho cán bộ. Mà trong chiến tranh chúng ta hay nói tư tưởng không thông mang bình tông cũng nặng”, đại biểu Huỳnh Minh Chức – chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng, nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Tô Văn Hùng, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Đà Nẵng, cho rằng cần có cơ chế bảo vệ cán bộ gỡ rối đất đai. Theo ông Hùng, một số dự án được khơi thông sau nhiều năm đóng băng, lợi ích xã hội ít nhiều được nhìn thấy.

Cụ thể như trong năm 2020, nguồn thu từ đất đai ở Đà Nẵng đã tăng 36% từ việc tháo gỡ nhiều vướng mắc. Tuy nhiên cùng với đó là những băn khoăn, lo lắng trong quá trình tham mưu của ngành chức năng.

“Nếu thành phố không có chính sách ‘đột phá’ về giải tỏa đền bù thì sao có thể di dời hàng trăm ngàn hộ dân trong khoảng thời gian ngắn, để kiến tạo nên diện mạo một đô thị văn minh hiện đại như hôm nay?. Tuy nhiên, với pháp luật thì mọi sự vận dụng không đúng đều là sai phạm và phải bị xử lý, khắc phục” – ông Tô Văn Hùng bày tỏ băn khoăn về chuyện ‘hành lang pháp lý’.

Ở bài phát biểu kéo dài hơn 30 phút của ông Huỳnh Đức Thơ – người vừa trở thành cựu chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, có đoạn: “Chúng tôi muốn các thế hệ tiếp theo, các cán bộ công chức luôn học hỏi từ các giá trị tích cực này. Và như chúng ta đã đã biết, vừa sáng tạo đổi mới vừa làm đúng, vừa làm đúng vừa nhanh là điều rất khó và đầy rủi ro. Vì khó và rủi ro nên rất cần đến những lãnh đạo và công chức giỏi giang, luôn biết cách làm hiệu quả để hoàn thành tốt công việc của mình”.

Như vậy, xét từ loạt ý kiến của các đại biểu hội đồng nhân dân như ông Huỳnh Minh Chức, ông Tô Văn Hùng, ông Huỳnh Đức Thơ,… cho thấy dường như trong quản trị đô thị ở Việt Nam có điểm khác biệt so với những quốc gia khác, đó là vừa quản trị về hành chính, vừa phải biết ‘lách’ để có thể đảm bảo sự phát triển với việc hạn chế đến mức thấp nhất về đối mặt án hình sự khi ‘xé rào’, vì hành lang pháp lý vẫn chưa đáp ứng thực tiễn đòi hỏi.

Pháp luật trong tay kẻ mạnh?

Thị trường đất đai ở Đà Nẵng là một ví dụ cho đòi hỏi pháp lý cần được tu chỉnh phù hợp. Ở đây là cụ thể trường hợp Đà Nẵng dưới thời của ông Nguyễn Bá Thanh (1953 – 2015).

Những năm từ 2010 đến 2015, nhiều người dân ở Đà Nẵng ví von: Nhịp sống của Đà Nẵng hôm nay cũng như dàn đồng ca, trong đó một trong những người “lĩnh xướng” thành công nhất chính là ông Nguyễn Bá Thanh.

Không ít báo chí đã ngợi ca rằng năm 1997, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng đường xá còn nhỏ hẹp, cư dân thưa thớt, nhiều quận huyện thuần nông. Chỉ sau một thời gian ngắn, với cương vị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Thanh đã tập trung mọi tâm huyết, sức lực, huy động sức mạnh người dân biến Đà Nẵng thành “hoàng tử” quyến rũ.

Báo chí từng hết mực cổ vũ cho chuyện quản trị đô thị bất chấp pháp luật của ông Nguyễn Bá Thanh: Khi giải phóng mặt bằng làm đường, ông chỉ đạo, phải lấy vào hai bên đường mới một khoảng không 30 – 50m.

Nhiều kỹ sư quy hoạch hỏi nhau, rồi quay ra hỏi ông, ông bảo cứ làm đi rồi biết. Khi hình hài con đường hiện ra, khoảng không trên trở thành “đất vàng” được bán đấu giá công khai; nhà mọc lên từ những mảnh đất này, phố sá sầm uất, khang trang hẳn cũng nhờ những ngôi nhà có kiến trúc đẹp…

Khi ấy ít ai biết rằng Thanh tra Chính phủ đã có văn bản ‘báo động’ về thực trạng tham nhũng quyền lực ở Đà Nẵng trong thời kỳ 2003 – 2011.

Thanh tra Chính phủ cho biết qua kiểm tra 46/1.061 dự án (4,3% tổng số dự án), đã phát hiện UBND TP.Đà Nẵng đã giao cho các ban quản lý dự án và một số công ty thực hiện chức năng quản lý quỹ đất, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh và xây dựng nhà để bán và cho thuê không tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.

Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến phát sinh nhiều sai phạm như: không đủ căn cứ, cơ sở để xác định giá thu tiền sử dụng đất; việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tùy tiện; nhiều nhà đầu tư sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã không thực hiện đầu tư, tiếp tục chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác thu chênh lệch số tiền rất lớn, làm thất thu ngân sách nhà nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Đáng chú ý, trong quá trình xác định giá thu tiền sử dụng đất đối với một số dự án, Hội đồng thẩm định giá đất và UBND thành phố chưa căn cứ vào quy hoạch mục đích sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng, thiếu điều tra, khảo sát khu đất, chưa tính đầy đủ điều kiện hạ tầng và quy hoạch định hướng phát triển trong tương lai, không tính hệ số ngã ba, ngã tư đường, hệ số sinh lời, tính không đủ diện tích, không đúng với mục đích sử dụng đất, giảm giá và phê duyệt giá không tuân thủ quy định, thiếu căn cứ, cơ sở… nên đã xác định giá thu tiền sử dụng đất chưa sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường được quy định tại luật Đất đai.

Một số dự án xác định giá thấp hơn bảng giá đất thành phố ban hành hằng năm, một số dự án khác UBND thành phố quyết định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn giá của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố trình, gây thất thu ngân sách, tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư chuyển nhượng thu lời bất chính với số tiền lớn…

Quản trị bằng pháp luật chứ không nên bằng nghị quyết

Sau những bản án kỷ luật các quan chức Đà Nẵng vừa qua và việc thanh tra sai phạm đất đai đang được tiến hành ở địa phương này, có thuyết âm mưu cho rằng di sản ông Nguyễn Bá Thanh để lại đang được khai thác cho cuộc đấu tranh phe phái trong đảng trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Cần ghi nhận thực tế với cái chết từng được nghi vấn bị đầu độc của ông Nguyễn Bá Thanh, hầu hết vụ án về đất đai sau đó đã không truy cứu trách nhiệm ‘người đã mất’, để qua đó có thể ‘rút kinh nghiệm’.

Từ loạt ý kiến của các đại biểu hội đồng nhân dân như ông Huỳnh Minh Chức, ông Tô Văn Hùng, ông Huỳnh Đức Thơ,… nêu ở phần trên của bài viết, có ý kiến biện giải thế này: thời kỳ Bá Thanh ở Đà Nẵng, thì Bá Thanh hành xử như một ông vua mà không có một cơ chế nào có thể chế tài Bá Thanh cả.

“Người ta nói rằng ông ta có ăn nhưng mà ông ta có làm, quan điểm đó là không hiểu gì về thể chế và luật pháp hết. Mình nên nhớ rằng chủ nghĩa dân túy dễ được những người bình thường ủng hộ, Trump được ủng hộ thì Bá Thanh cũng vậy…” – một nhà báo dè dặt nhận định.

Và rất có thể hệ lụy để lại từ thời hoàng kim của ông Nguyễn Bá Thanh, khiến các ông Huỳnh Minh Chức, ông Tô Văn Hùng, ông Huỳnh Đức Thơ… kêu gọi “cơ chế phải thực chất bằng yếu tố pháp lý”, chứ không thể dừng lại ở ý chí kiểu như nghị quyết, văn kiện đại hội Đảng như thường thấy lâu nay.

__________________

Chú thích:

(*)https://danang.gov.vn/web/hdnd-voi-cu-tri/chi-tiet?id=41847&_c=100000065;

 https://danang.gov.vn/web/hdnd-voi-cu-tri/chi-tiet?id=41863&_c=100000065

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)