VNTB – Đài Tưởng Niệm Mount Rushmore và Crazy Horse – Biểu hiện của các chế độ độc tài và dân chủ trong đời thường

VNTB  – Đài Tưởng Niệm Mount Rushmore và Crazy Horse – Biểu hiện của các chế độ độc tài và dân chủ trong đời thường

Trâm Anh 

 

Hoa Kỳ Du Ký – Kỳ 5 

 

(VNTB) – Tôi không thấy có khu tưởng niệm Chế Bồng Nga, một vị vua Chiêm, hay một vị anh hùng nào khác của người Khơ-me trong quá trình kháng chiến chống lại người Việt.

 

Trên đường đi vòng quanh Hoa Kỳ, từ Tiểu Bang Minnesota về phía tây, chúng tôi có dịp ghé thăm hai tượng đài: Mount Rushmore (Núi Rushmore) và Crazy Horse (tạm dịch là Ngựa Điên). Cái trước nhằm tôn vinh quá trình lập quốc, mở mang bờ cõi, và phát triển của Hoa Kỳ. Cái sau, nhằm tôn vinh một vị anh hùng của người Da Đỏ trong cuộc đấu tranh chống lại sự xâm chiếm đất đai của chính phủ Hoa Kỳ và người da trắng di cư. Cả hai, dù nói lên hai điều trái ngược nhau, đều đang mở cửa đón khách du lịch. Đặc biệt là khu Crazy Horse, vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Công trình chính của khu tưởng niệm Mount Rushmore là tác phẩm điêu khắc thể hiện quá trình hình thành, mở mang bờ cõi, và phát triển của Hoa Kỳ. Tượng tổng thống George Washington, tượng trưng cho quá trình lập quốc, giành độc lập từ thực dân Anh. Tượng tổng thống Thomas Jefferson, tượng trưng cho quá trình mở mang bờ cõi. Hoa Kỳ, bắt đầu từ vùng New England (tạm dịch: nước Anh Mới), ở vùng đông bắc Hoa Kỳ hiện nay, chỉ có diện tích bằng khoảng một nửa Việt Nam hiện nay, đã mở rộng ra 50 lần, lên hơn 9 triệu km2. Tượng Tổng thống Abraham Lincoln tượng trưng cho quá trình bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Hoa Kỳ. Ông là người đã dẫn dắt phe miền Bắc giành chiến thắng trước phe miền Nam trong cuộc nội chiến diễn ra từ năm 1861 đến 1865. Tượng Tổng thống Theodore Roosevelt tượng trưng cho quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế, giúp đưa Hoa Kỳ trở thành cường quốc số 1 thế giới.

Ngược lại, công trình trung tâm của khu tưởng niệm Crazy Horse là bức tượng của người anh hùng cùng tên của người Da Đỏ trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất đai của tổ tiên trước sự xâm lấn của người da trắng. Ông là người của bộ lạc Lakota và là lãnh tụ của các liên minh Oglala trong cuộc chiến chống lại người da trắng vào thế kỷ 19, chống lại việc xâm lấn đất đai của những người di cư da trắng trên lãnh thổ của người Da Đỏ, và để bảo vệ lối sống truyền thống của bộ tộc Lakota. Ông tham gia vào một số trận chiến lớn trong cuộc chiến Những Ngọn Đồi Đen (Black Hills) ở phía bắc vùng Đồng Bằng Lớn (Great Plains), trong đó có Trận Fetterman vào năm 1866, trong đó ông đóng vai trò nghi binh, và trận đánh gần một nhánh của con sông Bighorn (Cái Sừng Lớn) vào năm 1876, trong đó, ông đã dẫn dắt phe của người Da Đỏ đến thắng lợi, làm cho cả địch thủ lẫn dân Da Đỏ tôn trọng ông.

Vào năm 1877, bốn tháng sau khi đầu hàng quân đội Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của tướng George Crook, Crazy Horse bị một viên lính canh đâm chết khi đang bị cầm tù tại Camp Robinson (Trại Robinson) ở Tiểu bang Nebraska ngày nay. Ông là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của các chiến binh Da Đỏ và được Bưu Điện Hoa Kỳ vinh danh vào năm 1982 trên một con tem bưu điện. 

Có một số điểm cho thấy tình trạng tự do, dân chủ, và đa nguyên của xã hội Hoa Kỳ qua hai công trình này. Thứ nhất, công trình Mount Rushmore được tài trợ bởi ngân sách của chính phủ. Trong khi đó, công trình Crazy Horse được tài trợ bởi những nhà hảo tâm. Người phụ trách công trình này đã từ chối đề nghị cấp khoản của chính phủ vì muốn duy trì tình trạng độc lập của dự án. 

Thứ hai, quy mô của bức tượng Crazy Horse lớn hơn hẳn bức tượng của bốn vị tổng thống Hoa Kỳ. Chiều cao của tượng 4 vị tổng thống (tượng chỉ có phần đầu) là 18 m, chỉ bằng chiều cao khuôn mặt của tượng Crazy Horse.

Thứ ba, chính phủ Hoa Kỳ, qua nhiều thời kỳ kéo dài hơn 80 năm qua, vẫn cho phép khu tưởng niệm Crazy Horse tiếp tục xây dựng và hoạt động. 

Thứ 4, cả hai công trình này đều nằm trong một tiểu bang, chỉ cách nhau khoảng 1 giờ lái xe, được điều hành bởi cùng một chính phủ mà có lẽ là hoàn toàn là người da trắng.

Điều này làm tôi nhớ về Việt Nam. Chúng ta, trong quá trình mở mang lãnh thổ, cũng đã tiêu diệt một số quốc gia khác như Chiêm Thành và Chân Lạp, như người da trắng ở Hoa Kỳ, đánh chiếm lãnh thổ của người Da Đỏ. Tuy vậy, tôi không thấy có khu tưởng niệm Chế Bồng Nga, một vị vua Chiêm, hay một vị anh hùng nào khác của người Khơ-me trong quá trình kháng chiến chống lại người Việt. 

Điều tôi thấy, trong một lần đến thăm một tháp chàm tại Phan Rang, là một ánh mắt buồn, sâu thẳm của người giữ đền người Chăm. Có lẽ anh đang nhìn về một nơi nào đó rất xa xăm. Sau bao nhiêu năm, tôi vẫn còn nhìn thấy ánh mắt đó.

Tại sao?

Có lẽ vì chúng ta đang sống trong một chế độ độc tài nơi chỉ có những gì Đảng Cộng Sản, Nhà nước muốn mới có thể tồn tại công khai, những gì mà họ không muốn, không được phép tồn tại.

Tôi cũng nhớ đến ngày mới lên Sài Gòn, được nghe hai câu thơ:

“Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý,

Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do.”

Kể cũng lạ. Người đặt tên đường sau năm 1975 giỏi, phản ánh đúng sự thay đổi chính trị của Việt Nam sau 30 Tháng Tư năm 1975. Độc tài thì làm sao mà có công lý và tự do được?

Rồi tôi cũng thấy dấu tích dòng chữ nổi “Sân Vận Động Cộng Hòa” đã bị gỡ đi, thay vào đó là một cổng chào mang dòng chữ “Sân Vận Động Thống Nhất”. Đến những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước, người ta vẫn có thể nhìn thấy nó khi đứng trên đường Hòa Hảo và nhìn vào cổng Khán Đài A1.

Đúng rồi, không thể để cho chúng nhớ đến Việt Nam Cộng Hòa hay những thế lực khác trong quá khứ được. Chỉ có Ngụy và giặc thôi. Và họ thành công bạn ạ. Ví dụ, ngày nay người ta dùng các cụm từ như “ngày giải phóng” để chỉ cột mốc chuyển đổi chế độ vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Giải phóng? Thật không?

Có lần tôi cũng nghe:

“Đả đảo Thiệu – Kỳ, 

Cái gì cũng có,

Hoan hô Hồ Chí Minh, 

Cái đinh đăng ký,

Trái bí xếp hàng.”

Những người ngoài 50 tuổi chắc hiểu ý của những câu này. Đúng rồi, có đói, có túng thiếu cũng phải hoan hô, nếu muốn được yên thân.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)