Anh Khoa dịch
(VNTB) – Các nhà lãnh đạo đảng từ lâu đã áp dụng các phương pháp tư bản chủ nghĩa và khuyến khích kinh doanh để mang lại sự thịnh vượng kinh tế mà họ coi là điều cần thiết để duy trì tình trạng độc đảng.
Tác giả: Chun Han Wong
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tròn một trăm tuổi vào tháng 7 này, một cột mốc quan trọng mà Bắc Kinh đang kỷ niệm bằng những màn bắn pháo hoa, những hành động phô trương và một chiến dịch nhiệt thành nhằm tôn vinh quá khứ cách mạng của ĐCSTQ.
ĐCSTQ thường quanh quẩn giữa bi kịch và chiến thắng từ lúc ra đời như một phong trào ngầm và tình trạng thống trị hiện tại ở quốc gia đông dân nhất thế giới. ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949, và những thập niên đầu cầm quyền rất hỗn loạn, khi Mao Trạch Đông phát động các cuộc thanh trừng triệt để và chương trình công nghiệp hóa thảm khốc dẫn đến một trong những nạn đói chết người lớn nhất lịch sử.
Cái chết của Mao vào năm 1976 đã nhanh chóng dẫn đến những thay đổi chính trị và kinh tế dưới thời Đặng Tiểu Bình, đã biến một quốc gia nghèo khó thành một cường quốc kinh tế toàn cầu.
Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012, đã tự phong là một chính khách có tầm nhìn xa như Mao và Đặng. Khi ĐCSTQ gần đạt kỷ lục 74 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản Liên Xô, ông Tập đang tiếp tục cam kết đảm bảo quá trình trẻ hóa Trung Quốc trước một trăm năm cai trị của ĐCSTQ vào năm 2049. Dưới đây là một cái nhìn ngắn gọn về quá khứ và kế hoạch của ĐCSTQ trong tương lai.
ĐCSTQ được thành lập khi nào?
Lịch sử của ĐCSTQ ghi lại sự hình thành của các tổ chức cộng sản đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1920, khi các nhà hoạt động theo chủ nghĩa Marx trên khắp cả nước bắt đầu thành lập các nhóm địa phương.
Chỉ hơn một chục đại diện từ các nhóm như vậy đã tập trung tại một ngôi nhà gạch ở Khu Tô giới Pháp, Thượng Hải vào ngày 23 tháng 7 năm 1921, cho Đại hội thành lập ĐCSTQ.
Tham dự đại hội có Mao Trạch Đông, một trong hai người tham gia cuộc họp vẫn còn là đảng viên khi đảng này lên nắm quyền vào năm 1949. Những người còn lại đã bị giết, bị trục xuất hoặc rời đi, mặc dù một số ít sau đó tham gia lại hoặc được phép làm việc cho chính phủ cộng sản.
Khi DCSTQ bắt đầu kỷ niệm ngày thành lập vào cuối những năm 1930, Mao và một nhà cách mạng khác tham dự đại hội đầu tiên chỉ có thể nhớ đại hội diễn ra vào tháng nào chứ không thể nhớ chính xác ngày tháng. Mao chọn ngày 1 tháng 7 để đánh dấu ngày kỷ niệm, và mặc dù các nhà sử học sau đó đã xác định được ngày thực tế, ĐCSTQ vẫn tiếp tục kỷ niệm ngày 1 tháng 7 cho đến ngày nay.
ĐCSTQ giành chính quyền như thế nào?
Cuộc cách mạng Cộng sản của Trung Quốc kéo dài nhiều thập niên và được đánh dấu bằng các cuộc nổi dậy vũ trang, chiến tranh du kích và các chiến dịch quân sự truyền thống.
Những người Cộng sản ban đầu làm việc với Quốc dân Đảng vào giữa những năm 1920 để cố gắng thống nhất một đất nước với nhiều lãnh địa cát cứ. Sự hợp tác kết thúc sau khi lực lượng Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch tiến hành một cuộc thanh trừng đẫm máu các nhóm Cộng sản vào năm 1927. ĐCSTQ đã phát động một cuộc nổi dậy toàn diện vào tháng 8 năm đó.
Mao, một nhà cách mạng lão thành vào thời điểm đó, đã rời xa chủ nghĩa Mác truyền thống tập trung vào giai cấp công nhân thành thị. Thay vào đó, Mao phát động một cuộc nổi dậy ở nông thôn nhằm huy động tầng lớp nông dân đông đảo của Trung Quốc. Lực lượng của Tưởng Giới Thạch đã gây những tổn thất nặng nề cho Hồng Quân Trung Quốc, đỉnh điểm là cuộc Trường Chinh trong hai năm 1934-1935, một cuộc rút lui qua một quãng đường hơn một ngàn dặm của Hồng Quân mà sau đó được ca ngợi là chiến lược giúp Mao giành được chính quyền.
Các lực lượng Cộng sản và Quốc dân đảng đã thực hiện một thỏa thuận đình chiến không dễ dàng vào cuối những năm 1930 để chống lại sự xâm lược quân sự của Nhật Bản đối với Trung Quốc. Nhưng cuộc nội chiến bùng phát ngay sau Thế chiến II và chính phủ Quốc dân đảng, bị ảnh hưởng nặng nề bởi tham nhũng và tình trạng suy sụp kinh tế, đã sụp đổ dưới sự tấn công dữ dội của Cộng sản.
Tưởng Giới Thạch rút về Đài Loan, thuộc địa cũ của Nhật Bản nằm dưới sự kiểm soát của Quốc dân đảng vào năm 1945. Mao tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân vào ngày 1 tháng 10 năm 1949.
ĐCSTQ cầm quyền như thế nào?
ĐCSTQ thống trị mọi cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung Quốc – chính phủ, cơ quan lập pháp, tư pháp và lực lượng vũ trang – và tiếp cận hầu hết mọi ngóc ngách của đời sống nhân dân.
Đảng uỷ cấp cao kiểm soát việc hoạch định chính sách và có cấp bậc cao hơn các bộ của chính phủ. Đảng viên nhiều hơn nhân viên các cơ quan chính phủ từ Bắc Kinh đến các văn phòng thôn, quản lý các công ty quốc doanh và giám sát các nhóm dân sự và tôn giáo, phòng thương mại và công đoàn.
Quy định của ĐCSTQ yêu cầu tất cả các tổ chức có từ ba đảng viên trở lên phải thành lập chi bộ. Luật pháp Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp đủ điều kiện phải thành lập tổ chức đảng và tạo điều kiện cho họ hoạt động.
Đảng viên ĐCSTQ là ai?
Từ hơn 50 thành viên khi thành lập, ĐCSTQ đã phát triển thành một trong những tổ chức chính trị lớn nhất thế giới, tự hào với hơn 95 triệu đảng viên.
Trong quá trình tồn tại, ĐCSTQ đã thay đổi gần như không thể nhận ra được, từ một nhóm kín rời rạc thành một lực lượng quân đội có kỷ luật và sau đó trở thành một bộ máy hành chính to lớn do giới chóp bu chuyên nghiệp kiểm soát. Việc trở thành đảng viên cũng ít được coi là cam kết chính trị mà là để thúc đẩy sự nghiệp và kiếm lợi từ quyền lực nhiều hơn – một xu hướng mà ông Tập đã tìm cách thay đổi bằng các chiến dịch thanh trừng các quan chức tham nhũng và buông thả.
Khi nước Cộng hòa Nhân dân được thành lập, ĐCSTQ chỉ chiếm chưa đến 1% dân số và 69% đảng viên không biết chữ. Ngày nay, đảng viên chiếm 6,7% trong tổng số 1,4 tỷ dân của Trung Quốc và 52% đảng viên có trình độ ít nhất là trung học cơ sở, tăng từ khoảng 37% một thập kỷ trước đó.
Trong khi công nhân và nông dân chiếm khoảng 2/3 số đảng viên vào năm 1978, thì tỷ lệ đảng viên là công nhân, nông dân, người chăn nuôi và ngư dân đã giảm xuống dưới 34% trong năm nay.
DCSTQ chào đón các doanh nhân vào hàng ngũ đảng vào đầu những năm 2000 và hiện có một số nhà tư bản nổi tiếng nhất của Trung Quốc là đảng viên — Jack Ma, tỷ phú sáng lập công ty thương mại điện tử khổng lồ Alibaba Group Holding Ltd.
Cân bằng giới tính là một lĩnh vực mà ĐCSTQ không thay đổi nhiều. Mặc dù đã nhấn mạnh rằng “phụ nữ nắm giữ một nửa bầu trời”, đảng viên nữ chỉ chiếm 11,9% vào năm 1949 và chỉ 28,8% vào tháng 6 năm nay.
Đảng cộng sản Trung Quóc có còn cộng sản không?
Những người sáng lập ĐCSTQ được xưng tụng là những người theo chủ nghĩa Marx và theo chủ nghĩa dân tộc nhiệt thành đã thông qua một hiến chương ban đầu kêu gọi lật đổ giai cấp tư sản và thành lập một xã hội không có giai cấp.
Ngày nay, sau khi cai trị Trung Quốc hơn bảy thập kỷ, ĐCSTQ vẫn xem “việc hiện thực hóa chủ nghĩa cộng sản” là lý tưởng cao nhất. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo đảng từ lâu đã áp dụng các phương pháp tư bản chủ nghĩa và khuyến khích tinh thần kinh doanh để mang lại sự thịnh vượng kinh tế mà họ coi là điều cần thiết để duy trì tình trạng độc đảng.
Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo tối cao vào cuối những năm 1970, đã định hướng lại cho ĐCSTQ từ cách mạng sang hiện đại hóa, đưa ra các cải cách thị trường nhằm hồi sinh một nền kinh tế kế hoạch đã bị đổ vỡ do nhiều năm quản lý yếu kém và bất ổn chính trị. Trong khi Đặng không thách thức sự cai trị của Cộng sản, chỉ đạo một cuộc đàn áp đẫm máu đối với các cuộc biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 mà ông sợ rằng có thể lật đổ đảng, các chính sách của Đặng đã dẫn đến việc nới lỏng sự kìm kẹp từng là độc tài toàn trị và cho phép người dân Trung Quốc bình thường có nhiều tự do cá nhân hơn.
Về phần mình, Tập đã tìm cách khôi phục vị trí ĐCSTQ như sức mạnh trong đời sống nhân dân và tái lập ý thức sứ mệnh cách mạng của đảng. Khi làm như vậy, Tập đã viện dẫn nhiều ý tưởng của Mác và các thực hành thời Mao hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác kể từ thời Mao, mặc dù các chuyên gia nói rằng lời kêu gọi của ông ta nhằm củng cố tình trạng độc đảng chứ không phải phục hưng ý thức hệ giáo điều.
Tầm nhìn của Tập Cận Bình đối với ĐCSTQ và Trung Quốc là gì?
“Đảng, chính phủ, quân đội, xã hội, giáo dục, bắc, nam, đông, tây, trung tâm — đảng lãnh đạo mọi thứ”, Tập tuyên bố trong một bài phát biểu năm 2017 mang tính bước ngoặt đưa ra các đường nét trong học thuyết chính trị thường được nhắc đến là “Tư tưởng Tập Cận Bình.” ngày nay.
Được bổ sung vào điều lệ ĐCSTQ như một “hệ tư tưởng chỉ đạo” vào năm 2017, công thức này dựa trên lý thuyết của chủ nghĩa Mác và tóm tắt các chính sách đặc trưng của Tập, bao gồm cả việc nhấn mạnh rằng ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát tuyệt đối đối với xã hội Trung Quốc. Trên thực tế, Tập có quyền hoạch định chính sách tập trung trong các đảng bộ, khuyến khích sự sùng bái cá nhân Tập, trấn áp bất đồng chính kiến và đưa ra chủ nghĩa dân tộc cũng như chính sách đối ngoại cứng rắn hơn.
Tập cũng đã tăng cường sự kiểm soát của đảng đối với nền kinh tế, đề cao vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong các ngành chiến lược đồng thời nhấn mạnh rằng khu vực tư nhân – đóng góp chính cho tăng trưởng và việc làm mới – sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Trung Quốc.
Tập nói rằng ĐCSTQ là lực lượng không thể thiếu đằng sau sự trỗi dậy của Trung Quốc từ xung đột nội bộ và tình trạng bị các thế lực ngoại bang sỉ nhục, đồng thời đặt mục tiêu đưa nước này trở thành một cường quốc toàn cầu thực sự và thịnh vượng vào năm 2049, sinh nhật lần thứ 100 của nước Cộng hòa Nhân dân. Các quan chức nói rằng mục tiêu này chỉ có thể đạt được với sự lãnh đạo quyết đoán của Tập. Tập đã loại bỏ các điều khoản cấm cai trị suốt đời trong hiến pháp và dường như đã sẵn sàng phá vỡ tiền lệ gần đây để giành lấy nhiệm kỳ lãnh đạo ĐCSTQ thứ ba vào năm tới.
Nguồn: WSJ