Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đảng sẽ khoan hồng!

Hà Nguyên

(VNTB) – Đảng viên tự nguyện từ chức sẽ được miễn giảm kỷ luật

 

Phần cuối của Quy định 132-QĐ/TW ngày 27-10-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có đưa ra quy định “Được xem xét miễn hoặc giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động xin thôi giữ chức vụ, từ chức, xin nghỉ công tác trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý…”

Một số tình tiết giảm nhẹ khác cũng được đề cập ở Quy định 132-QĐ/TW, như “được xem xét loại trừ trách nhiệm trong trường hợp không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.

Được xem xét miễn, giảm trách nhiệm trong trường hợp chủ động phát hiện và đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực; hoặc trong trường hợp có căn cứ chứng minh bản thân không đồng ý với nghị quyết, quyết định, kết luận, mệnh lệnh trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước của tập thể, hoặc của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

Câu hỏi đặt ra: nếu Hiến định đã ghi ở “Điều 31.1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, vậy một công dân – đảng viên khi chưa bị kết tội của Tòa án đã có hiệu lực, thì sẽ căn cứ vào đâu để cho rằng người ấy vi phạm pháp luật dẫn đến từ chức của “xin thôi giữ chức vụ”?

Chả lẽ khi đó phải nêu một lý do “dân sự” nào đó kiểu như “năng lực kém, không đáp ứng yêu cầu của Đảng” cho thủ tục “thôi giữ chức vụ” tương tự như với các đảng viên Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Đức Đam? Và liệu Tổng bí thư là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, khi tham gia Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương như khóa hiện tại, thì đảng viên Nguyễn Phú Trọng cũng có thể “tự nguyện từ chức” để… giữ thanh danh trong trường hợp chóp bu của Đảng ủy Công an Trung ương tham nhũng?

Quy định 132-QĐ/TW cho thấy Đảng nhìn nhận là trong nội bộ ngành công an – viện kiểm sát – tòa án nhân dân lâu nay có “tham nhũng, tiêu cực” song pháp luật chuyên ngành dường như đã… ‘bó tay’ với các ông/ bà lớn này.

Vậy thì căn cứ vào đâu mà một đảng chính trị lại cho mình cái quyền “đứng trên tất cả” khi phát hành những quy định hình sự – dân sự nhưng lại không chịu sự điều chỉnh tương ứng của luật mẹ Hiến pháp, của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật? Liệu ở đây có lạm quyền của biểu hiện “tham nhũng quyền lực” ở Bộ Chính trị?

Sở dĩ đặt nghi vấn “lạm quyền” vì theo Điều lệ Đảng thì Bộ Chính trị là cơ quan lãnh đạo quyết định những vấn đề về chủ trương, chính sách, tổ chức, cán bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương; báo cáo công việc đã yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương.

Nếu giải thích Quy định 132-QĐ/TW là vấn đề của quản lý cán bộ đảng viên, thì quy định này vẫn phải tuân thủ theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một nội dung Hiến định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” – Điều 4.3.


Tin bài liên quan:

VNTB – Vừa là bị cáo, vừa là bị hại

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Lao động ‘ngoại tỉnh’ chưa thể ‘vào lại’ Sài Gòn

Phan Thanh Hung

VNTB – Còn nguyên vẹn đó sức ì thể chế

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.